Người Việt biểu tình chống Trung Quốc với cờ đỏ hay cờ vàng?

0:00 / 0:00

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

VnYouthProtestChina200b.jpg
Thanh niên Sinh viên trong nước biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hòang Sa, Trường Sa. AFP PHOTO.

Sinh viên Việt Nam du học tại các nước ngoài đã bày tỏ nỗi bất bình trước hành động xâm lấn của Trung Quốc. Thể hiện lòng yêu nước, hàng trăm du sinh đã biểu tình trước các sứ quán Trung Quốc tại Paris và Luân Đôn vào sáng và trưa hôm qua, 22 tháng 12.

Đặc biệt, cuộc biểu tình tại thủ đô nước Anh đã diễn ra trong tình huống chưa có tiền lệ: đó là lần đầu tiên, du sinh biểu tình chung với cộng đồng người Việt hải ngoại. Hai phía tổ chức đã quyết định không dùng cờ đỏ và cờ vàng mà dùng chung một biểu tượng là Bản đồ Việt Nam.

Sau những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cuộc biểu tình với mục đích tương tự đã diễn ra tại Hoa Kỳ.

Điểm đáng lưu ý, theo tin tức lan truyền trên Internet, sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài cũng bắt đầu lên tiếng, kêu gọi biểu tình.

Đây là cơ hội lịch sử để người Việt Nam trong và ngoài nước có chung một tiếng nói.

Tại Paris, du học sinh Việt Nam đã nộp giấy tờ xin phép biểu tình, và đang chờ chính quyền sở tại trả lời.

Tại Luân Đôn, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, sinh viên du học sẽ biểu tình chung với cộng đồng người Việt Nam tại địa phương vào thứ Bảy này.

Nguồn tin tiết lộ thêm, cả hai phía tham gia biểu tình thoả thuận sẽ không mang theo cờ quốc gia và cờ của chính quyền Việt Nam hiện nay. Tại Hoa Kỳ, một số bạn trẻ ở Washington D.C. cũng đang soạn thảo một thông báo tương tự: Hãy thực hiện một cuộc tuần hành không có màu cờ.

CaliforniaProtest200.jpg
Người Việt Hải Ngoại biểu tình trước toà Lãnh Sự Trung Quốc tại Los Angeles, California, hôm 19 tháng 12, 2007. (Hình do Vũ Đình Trọng/Người Việt cung cấp).

Nói với Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng: Biểu tình cần phải mang theo cờ. Vì nếu không có cờ, người biểu tình không có căn cước; và người ta không biết người biểu tình là ai? Khi biểu tình có mang theo cờ thì mọi người sẽ biết ngay căn cước của mình là gì? Chứ không có cờ thì người ta không biết là mình đại diện cho nhóm nào hay là quốc gia nào.

Nếu biểu tình cần phải có cờ để xác định căn cước thì lá cờ nào sẽ được mang theo khi biểu tình để chống Trung Quốc tại Hoa Kỳ?

Nhật báo Người Việt, phát hành tại California, gần đây đã thực hiện một bản thăm dò trên Internet, hỏi rằng, người Việt hải ngoại có đồng ý không, nếu sinh viên Việt Nam du học mang theo cờ đỏ sao vàng đến biểu tình chung.

Kết quả thăm dò, đến ngày 20 tháng 12, cho thấy 52.63% trả lời đồng ý; 41.30% không đồng ý. Và 5.87% không có ý kiến.

Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại, ông Lý Kiến Trúc, sáng lập kiêm chủ nhiệm nguyệt san Văn Hoá tại California, đưa ra nhận định cho rằng đây là cơ hội lịch sử để người Việt Nam trong và ngoài nước có chung một tiếng nói.

Từ Việt Nam, với nhận định tương tự, nhà thơ Trần Tiến Dũng nói rằng, đây là tinh thần yêu nước trong sáng của thanh niên, màu cờ không quan trọng. Điều quan trọng là thanh niên phải giữ cho mình phản ứng yêu nước, và xem việc bảo toàn lãnh thổ là công việc chung, cho thế hệ tương lai, bất chấp ý thức đảng phái.

Màu cờ không quan trọng. Điều quan trọng là thanh niên phải giữ cho mình phản ứng yêu nước, và xem việc bảo toàn lãnh thổ là công việc chung, cho thế hệ tương lai, bất chấp ý thức đảng phái.

Được yêu cầu trình bày về bản thăm dò dư luận, ông Vũ Quí Hạo Nhiên, Tổng Thư Ký Nhật Báo Người Việt, cho rằng bản thăm dò là nơi những người Việt Nam thực sự quan tâm đến vấn đề chính trị để lại ý kiến của mình.

Sự xuất hiện của lá cờ đỏ sao vàng tại hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, luôn gây phản ứng gay gắt trong cộng đồng người Việt Nam.

Năm 2005, cộng đồng Việt Nam tại San Francisco đã phản đối khi hiệu trưởng một trường đại học cộng đồng thay cờ vàng ba sọc đỏ bằng cờ đỏ sao vàng.

Cũng năm đó, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine cũng đã bị phản ứng gay gắt khi phát biểu tại đại học University of California, Irvine, rằng Hoa Kỳ công nhận lá cờ của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chứ không phải lá cờ kia, tức cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, hiện vẫn được nhiều người Việt cư ngụ ở nước ngoài coi là biểu tượng của cộng đồng người Việt không chấp nhận cộng sản.

Hồi 2006, Đại Học University of Texas, Arlington, đã quyết định hạ tất cả 123 lá cờ trong Tuần Lễ Quốc Tế khi cộng đồng và sinh viên Việt Nam tại đây phản đối việc treo cờ đỏ sao vàng.

Chúng tôi vừa gửi đến quý thính giả một số ý kiến về vấn đề biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam: Liệu người Việt tỵ nạn ở hải ngoại mang lá cờ vàng có thể cùng biểu tình với du sinh Việt Nam mang lá cờ đỏ hay không?

Vấn đề khá phức tạp, chúng tôi mong nhận được thêm nhiều ý kiến của quý vị.