Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới RSFdự định kêu gọi thế giới tham gia một cuộc biểu tình online chống lại những chính quyền bị coi là thù nghịch với Internet vì lâu nay kiểm duyệt, theo dõi gắt gao việc người dân tiếp cận thông tin Mạng.
Đài Á Châu Tự Do trao đổi với bà Clothilde Lecoz, Trưởng phòng về Tự Do Internet của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, để tìm hiểu chi tiết chiến dịch này qua cuộc phỏng vấn của Nhã Trân. Phần chuyển ngữ do Thanh Trúc trình bày.
Nhã Trân: Thưa bà Clothilde Lecoz, theo chúng tôi được biết Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới dự tính mở chiến dịch vận động thế giới ký tên trên Mạng để phản đối những chính quyền xưa nay chuyên kiểm duyệt Internet và theo dõi những công dân Mạng trong nước?
Bà Clothilde Lecoz: Vâng, điều đó đúng. Cuộc vận động sẽ có hình thức tương tự như lần năm ngoái, là đăng tải online.
Nhã Trân: Ngày giờ chính xác của cuộc vận động này đã được ấn định chưa thưa bà?
Bà Clothilde Lecoz: Chưa, tuy nhiên chiến dịch sẽ được tiến hành ào cùng khoảng thời điểm năm ngoái, là cuối tháng 11.
Nhã Trân: Trước tới nay Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới đã từng thực hiện chiến dịch phản đối việc kiểm soát Internet, hay đây là lần đầu tiên thưa bà?
Bà Clothilde Lecoz: Đây không phải là lần đầu tiên. Chúng tôi khởi động chiến dịch này lần đầu chúng hồi 2 năm trước. Chúng tôi đồng thời cũng công bố danh sách 13 chính quyền mà chúng tôi gọi là kẻ thù của Internet.
Việt Nam áp dụng nhiều cách để kiểm soát, theo dõi những người tiếp cận Internet. Một trong những người bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Văn Lý, đã bị bắt và hiện vẫn còn bị giam trong lao tù.
Nhã Trân: Bà có thể đơn cử một vài chính quyền bị kể là thù nghịch với Internet, tức kiểm soát việc truy cập Mạng của quần chúng?
Bà Clothilde Lecoz: Tất nhiên chúng ta có Trung Quốc, Bắc Hàn, Saudi Arabia, Syria, Turkmenistan, rồi Miến Ðiện, Cuba, Ai Cập, Urbezkistan, Cuba, Tunisie, Belarus và Việt Nam.
Nhã Trân: Trong 13 nước này chính quyền nào bị kể là kiểm soát quyền tiếp cận thông tin Mạng của dân chúng gắt gao nhất thưa bà?
Bà Clothilde Lecoz: Bắc Hàn là nước tệ nhất vì quần chúng không thể lên Internet cũng như không có bất kỳ một hệ thống, mạng lưới thông tin nào, có thể kể là một trong những nước kiểm soát chặt chẽ nhất.
Nhã Trân: Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nhận định, đánh giá ra sao về chính quyền Việt Nam thưa bà, nói về việc theo dõi những công dân truy cập Mạng?
Bà Clothilde Lecoz: Việt Nam áp dụng nhiều cách để kiểm soát, theo dõi những người tiếp cận Internet. Một trong những người bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Văn Lý, đã bị bắt và hiện vẫn còn bị giam trong lao tù.
Nhã Trân: Từ năm ngoái đến năm nay Hà Nội có dấu hiệu tiến bộ nào về vấn đề này không, theo quan sát và ghi nhận của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới thưa bà?
Bà Clothilde Lecoz: Việt Nam được kỳ vọng là sẽ cải thiện về việc bóp nghẹt quyền tự do tiếp cận thông tin Mạng của quần chúng vì Việt Nam muốn hội nhập với thế giới.
Nhã Trân: Ý bà nói là sau khi Việt Nam gia nhập vào WTO, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới phải không ạ?
Bà Clothilde Lecoz: Đúng. Tuy nhiên, Việt Nam đã không tiến bộ nhiều về mặt này. Chúng tôi từng kỳ vọng rằng Việt Nam, với tham vọng hội nhập, sẽ ngưng ngăn chặn dân chúng tiếp cận thông tin Mạng, thế nhưng thực tế đã không xảy ra. Hồi năm ngoái Khối 8406, một tập hợp của những người Việt bất đồng chính kiến, từng ra thỉnh nguyện thư trên Mạng, kêu gọi chính quyền Việt Nam cải tổ chính trị và dân chủ nhưng thỉnh cầu này đã không được đáp ứng và chính quyền đã không ngừng việc ngăn cấm không cho người dân truy cập Mạng, hoà nhập với thế giới.
Nhã Trân: Nói chi tiết thì làm thế nào để cộng đồng quốc tế tham gia vào chiến dịch này thưa bà? Công dân mọi quốc gia có thể trực tiếp tiếp cận thông tin ở đâu?
Bà Clothilde Lecoz: Chúng tôi đăng tải tin này online, trên trang Web của RSF, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Thông tin sẽ hướng dẫn mọi điều cho người truy cập Mạng. Tin sẽ được trình bày vào tuần cuối tháng 11.
Năm ngoái chương trình rất phong phú. Năm nay chúng tôi muốn chiến dịch được tiến hành trên bình diện rộng. Bản ký phản đối sẽ được đăng và chúng tôi muốn quần chúng cùng thực hiện điều kêu gọi. Người truy cập được tự lựa chọn phần dành riêng cho mỗi quốc gia, ký tên phản đối. Mọi người có thể vào trang Web của RSF vào tuần cuối tháng tới để đón thông tin này.
Nhã Trân: Thưa bà Lecoz, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới có quan điểm ra sao về vấn đề kiểm soát thông tin Mạng? Các chính quyền có được hoặc có nên kiểm soát và theo dõi những người truy cập Mạng?
Bà Clothilde Lecoz: Đây là một vấn đề nhạy cảm vì đôi khi người ta nghĩ rằng cần phải hạn chế các thông tin. Thế nhưng kiểm soát thông tin Mạng nghịch lý với quyền tự do thông tin, tự do vào Internet của quần chúng. Chúng ta hiểu rằng Internet đã trở thành điểm chung của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các chính quyền cần học hỏi để làm thế nào để giữ cho Internet không bị hoàn toàn kiểm soát.
Đây là một vấn đề đạo đức. Ngay thời điểm này chúng tôi không có biện pháp giải quyết. Tôi không tin rằng chúng ta có thể tìm ra cách giải quyết áp dụng chung cho toàn cầu, ngay vào thời gian này. Thế nhưng, chúng ta có thể khuyến khích quần chúng nên cảnh giác hơn.
Nhã Trân: Chân thành cảm ơn bà Clothilde Lecoz, Trưởng ban Tự do Internet, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, đã cho biết về chiến dịch online phản đối những chính quyền thù nghịch với Internet.