Nhà nước và Trí thức

Trong tuần qua, sự kiện Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS công bố tự giải thể, đã thu hút sự quan tâm của dư luận, và báo chí ngoại quốc đồng loạt loan tin.

Cùng lúc đó, một tin khác cũng đuợc nhiều người chú ý là việc “đơn kiện Thủ Tướng” của LS Cù Huy Hà Vũ cuối cùng đã được tòa chánh án tối cao phúc đáp.

Hai sự kiện này khiến những nhà phân tích bàn luận nhiều về phản ứng tuy có vẻ khác nhau nhưng lại cũng có điểm tương đồng của giới trí thức trước các hành vi mà họ cho là "trái với hiến pháp” của nhà nước Hà Nội. Hà Giang tìm hiểu những sự kiện liên quan và tường trình.

IDS tự giải thể

Mặc dù việc Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS thông báo tự giải thể vào cuối tuần qua để phản đối Quyết Định 97 do Thủ Tướng CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng ban hành, chỉ được một tờ báo chính thức trong nước đăng tải một cách sơ sài, các cơ quan truyền thông hải ngọai và các diễn đàn điện tử đã dồn dập đưa tin, đăng tải một lọat các bài phỏng vấn nhiều thành viên của Viện, cũng như những bình luận và phản ứng của trí thức người Việt khắp nơi trên thế giới về sự kiện này.
Giới truyền thông quốc tế cũng nhanh chóng nhập cuộc với các tít lớn như: "Trí thức Việt Nam giải tán để chỉ trích hạn chế của chính quyền", "Hội chuyên gia độc lập đầu tiên của Việt Nam giải tán để phản đối chính quyền bóp chặt tự do của trí thức."
Tại sao Quyết Định 97 đã làm cho IDS phải đi đến quyết định tự giải thể?
Trả lời phóng viên Mặc Lâm của đài chúng tôi, TS Nguyễn Quang A cho biết:
"Quyết Định 97 của Thủ Tướng Chính Phủ quy định là các tổ chức khoa học và công nghệ do các cá nhân thành lập không được quyền công khai nêu các ý kiến phản biện mà chỉ được gửi cho các cơ quan nhà nước. Quyết định đó cũng còn có điều sai phạm pháp luật khác mà chúng tôi nghĩ rằng những sai phạm đấy là rất nghiêm trọng."
Ngay sau khi mới được ban hành, Quyết Định 97 đã bị nhiều nhà trí thức lớn tiếng chỉ trích và cho rằng đây là một quyết định nhằm bịt miệng cả nước.
Nhưng dư luận cho rằng chỉ sau khi Việt đến khi Nghiên Cứu Phát Triển IDS tuyên bố tự giải tán, người ta mới thấm thía hết thân phận của giới trí thức trong hòan cảnh đất nứơc hiện tại.
Trang mạng Bauxite ViệtNam Info tuyên bố sẽ đóng cửa website một ngày, để để tang cho Viện IDS, vào đúng ngày viện giải thể, và cũng là ngày Quyết Định 97 bắt đầu có hiệu lực.

NguyenQuangA-200.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội. RFA file photo (RFA file photo)

Một thành viên của diễn đàn X-Café viết:
"QĐ 97 bắt buộc nếu có sáng kiến thì chỉ phản biện riêng với ban ngành là một điều khôi hài! Khôi hài vì NN cần đóng góp ý kiến của trí thức hay lo sợ phản biện sẽ gây ảnh hưởng lớn trong xã hội làm Đảng và NN mất uy tín?

Điều cốt lõi của QĐ 97 vẫn là đảng và nhà nước rất sợ quần chúng hậu thuẫn cái gọi là "tổ chức dân sự" mà không dám nói trắng ra thôi! Còn chuyện cá nhân phản biện thì "nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ". Chỉ cần xé lẻ từng cá nhân (như người đấu tranh cho DC, TD) và đưa họ vào rọ là xong!"
Tại Úc, giáo sư Carl Thayer một chuyên gia chuyên nghiên cứu về tình hình Á Châu Thái Bình Dương, phát biểu:
"Tổ chức xã hội dân sự tầm cỡ và độc lập duy nhất ở Việt Nam, giờ đây đã bị bóp chết, không còn nữa. Vào năm 2007, tôi đã có mặt để chứng kiến Tiến Sĩ Võ Đăng Doanh ký vào tài liệu thành lập tổ chức IDS, và sau đó cũng đã gặp Tiến Sĩ Nguyễn Quang A.

Sinh họat của hội IDS, giống như các think tanks của mọi quốc gia tân tiến khác, là một huyết mạch luân lưu những kết quả nghiên cứu, nhận định, phê bình và đề nghị quan trọng cho chính quyền.

Tiếng nói của họ không nhằm lật đổ một chế độ, mà khiến chính quyền phải biện bạch cho những chính sách quốc gia, và phải xét đến những tư tưởng mới. Dập tắt tiếng nói của giới trí thức là Việt Nam đã tự làm thui chột mình!"
Ông nói thêm:
"Từ đây, Việt Nam sẽ bị tổn hại nặng nề, vì nhà nứơc sẽ thiếu trầm trọng những quan điểm khác biệt, mặc dù có thể gây nên tranh cãi, nhưng vẫn giúp cho chính quyền thấu hiểu biết mọi mặt của nhiều vấn đề, và đưa ra những chính sách khôn ngoan trong việc hội nhập với tòan cầu.

Việc ngăn cấm các nhà trí thức lên tiếng, gạt bỏ những đóng góp của họ là một bước đi lùi của Việt Nam và sẽ khiến Việt Nam dần dà không còn cạnh tranh hữu hiệu được nữa với thế giới. "
Một thành viên khác của diễn đàn X-café có một cái nhìn lạc quan hơn. Thành viên này viết:
"Cái quyết định 97 này đã phản ánh cái tư duy không quản lý được là cấm đã len lỏi lên đến cấp Trung ương.

Trước đây một số địa phương như Hà nội, TPHCM cũng đã đề nghị một số qui định cấm liên quan đến Karaoke, giao thông .v.v... và đã bị phản đối nên thôi không thực hiện . Mong rằng hành động của mấy bác IDS sẽ có tác động tích cực tạo sự thay đổi cái tư duy "Không quản lý được là cấm" mà tôi nói ở trên.”

Đánh động dư luận?

Không phải ai cũng chia xẻ cái nhìn lạc quan là việc tự giải thể của Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS may ra sẽ thay đổi được tư duy của nhà nứơc Hà Nội với kết quả là Nghị Quyết 97 sẽ được rút lại.
Nhưng nhiều nhà phân tích đã cho rằng trong việc tự giải thể, mục đích chính của viện IDS, thật ra nhằm mục đích đánh động công luận thế giới về những vi phạm hiến pháp Việt Nam của nhà nước, tương tự như việc LS Cù Huy Hà Vũ khởi đơn kiện Thủ Tướng.
Nhà văn Tô Hải viết trong blog của ông:
"Các bạn cùng tớ 'hãy đợi đấy' xem 16 cây đũa này, khi bị tháo rời sẽ múa ra sao rồi hãy kết luận là họ ngây thơ? hay là bị đánh lừa? Hay là họ cao tay ấn , muốn tạo điều kiện để đưa ra dư luận thế giới một hành động phản dân chủ chưa từng thấy đối với trí thức Việt Nam."

PhamChiLan-305.jpg
Bà Phạm Chi Lan (giữa), một thành viên của IDS trong buổi tọa đàm "Giải pháp với hàng Trung Quốc chất lượng thấp", do VietnamNet tổ chức hôm 16-6-2009. (Photo courtesy of Vietnamnet)

Tại sao dư luận lại cho rằng việc tự giải thể của viện IDS và việc "đi kiện thủ tướng" của LS Cù Huy Hà Vũ là những sự kiện liên quan và là hai biện pháp khác nhau để cùng giải quyết một vấn đề?
Muốn trả lời câu hỏi này, người ta phải nắm vững diễn tiến của lá đơn kiện Thủ Tướng hi hữu kia:

Vào trung tuần tháng Sáu, LS Cù Huy Hà Vũ làm dư luận hết sức xôn xao khi ông nộp đơn kiện Thủ Tướng CHXHCVN vi phạm hiến pháp và luật pháp VN trong việc phê chuẩn dự án khai thác Bô Xít tại Tây Nguyên.
Và sau khi đơn của ông bị Tòa Án Nhân Dân Hà Nội trả lại ngay, như đã dự đóan, thì vào ngày 3 tháng Bẩy, LS Cù Huy Hà Vũ lại làm một đơn kiện khác, với cùng một nội dung, nhưng lần này gửi cho chánh án Tòa Án Nhân Dân tối cao, ông Trương Hòa Bình.
Dự đóan trước là đơn này của ông có nhiều phần là sẽ bị Tòa Án Tối Cao cho chìm xuồng, LS Cù Huy Hà Vũ đã dùng công luận để ép chánh án Trương Hòa Bình phải lên tiếng. LS Cù Huy Hà Vũ phát biểu:
"Trong đề nghị ngày 28 tháng Tám vừa qua tôi đã yêu cầu rất rõ là chánh án phải thụ lý cái đơn khởi kiện Thủ Tứơng của tôi, nếu như muốn cái nhà nước pháp quyền này còn tồn tại, Và trong cái buổi phỏng vấn với cho trang mạng Beauxite Việt Nam, tôi khẳng định rằng, chánh án Trương Hòa Bình không thể im lặng mãi được.

Vì chánh án tòa tối cao, mà cố tình vi phạm pháp luật tố tụng, là sát hại nhà nứơc pháp quyền Việt Nam, mà vị này là đại diện, đồng nghĩa với tự sát chính trị. Có thể nói là tôi lên án rất mạnh mẽ cái thái độ im lặng của chánh án Tòa Án tối cao Trương Hòa Bình."
Quyết tâm của LS Cù Huy Hà Vũ đã khiến Tòa Án Tối Cao không thể giữ mãi thái độ im lặng, mà cuối cùng đã phải gửi giấy mời ông lên làm việc.

So sánh hai sự kiện trên, Giáo Sư Carl Thayer phân tích rằng, việc thưa kiện Thủ Tướng trong một quốc gia không có một nền Tư Pháp độc lập chắc chắn sẽ không mang lại chiến thắng về mặt luật pháp cho người đi kiện.
Nhưng về mặt công luận LS Cù Huy Hà Vũ sẽ gây được những tiếng vang đáng kể, vì chắc chắn vụ kiện sẽ không đựơc mang ra xử. Nhưng khi Tòa Án Tối Cao đưa ra bất cứ một lời giải thích nào đó về việc không cho vụ kiện này được thụ lý, thì cũng sẽ bị công luận đặt ra những câu hỏi khó trả lời về những phê phán liên quan đến một "nhà nước pháp quyền" Việt Nam.
Ông nói: "Vụ đi kiện sẽ không mang đến kết quả tại tòa án, nhưng sẽ thách thức được chính quyền, và đặt nhà nước vào tình trạng một là phải biện minh cho chính sách của mình, hai là phải chịu sự phê phán của công luận quốc tế."

Trí thức với Nhà nước

Trở lại sự việc tự giải thể của Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, Giáo Sư Carl Thayer nhận định rằng "tự giải thể" là một biện pháp "đấu tranh chính trị", để mang đưa ra công luận thế giới sự hạn chế tiếng nói của giới trí thức một cách trắng trợn, một hành vi mà ông cho là vi phạm hiến pháp của chính Việt Nam. Ông nói:
"Chúng ta phải nhìn sự kiện này như một chiến thuật trong việc "đấu tranh chính trị", cững như việc thành lập viện trước đây, cũng phải đựơc xem như một chiến thuật đấu tranh, với mục đích mang kiến thức đóng góp cho nhà nước góp phần phát triển quốc gia.

Lẽ ra nhà nước Hà Nội phải biết hoan nghênh những ý kiến của họ. Ngược lại, họ đã đưa ra cả một quyết định hòan tòan trái với hiến pháp Việt Nam để bóp nghẹn tiếng nói của giới trí thức.”

Giáo sư Carl Thayer nhận định tiếp:

“Tôi đựơc biết rằng,

Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS có thể cũng sẽ đưa việc này ra tòa. Ai cũng có thể bắt đẩu từ hiến pháp VN, và lập luận rằng quyết định 97 vi phạm quyền tự do phát biểu của người dân, đã được hiến pháp công nhận.”

Nhiều ngừơi đồng ý với nhận định của Giáo Sư Carl Thayer, vì chính câu cuối của bản tuyên bố tự giải thể đã xác định là:

“C

húng tôi cũng giữ quyền xử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp.”

Hiện giờ dư luận vẫn chưa ngớt xôn xao về việc viện IDS tự giải thể. Cũng như không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi LS Cù Huy Hà Vũ lên phòng tiếp dân của Tòa Án để làm việc.

Cũng không ai biết liệu rồi Viện IDS sẽ có đưa Quyết Định 97 ra tòa không? Và nếu có thì dư luận cũng không mong đợi sẽ có kết quả cụ thể gì ở một tòa án “không độc lập” của Việt Nam.

Nhưng người ta rất tin tưởng vào sự công minh của “tòa án công luận” !

Chương trình Câu Chuyện Hàng Tuần đến đây xin tạm kết thúc, Hà Giang hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới, mong quý vị đón theo dõi…