Gia Minh, phóng viên đài RFA
Theo một số đánh giá thì tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong thời gian qua có đạt được tiến bộ. Mức độ tiến bộ đó ra sao? Gia Minh nêu vấn đề này với một người luôn theo dõi tình hình tự do và nhân quyền ở Việt Nam; đó là giáo sư thần học Nguyễn Chính Kết, và được ông cho biết.

“Tôi nhìn vấn đề từ bản chất chứ không qua hiện tượng; thế thì hiện nay Việt Nam đang muốn vào WTO nên phải đáp ứng yêu cầu của tình thế là nới rộng dân chủ, tự do tôn giáo v.v. Nhưng bản chất đó chỉ là điều bất đắc dĩ, ngược lại chủ trương của họ.”
Gia Minh: Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài về nước thấy nhiều chùa, nhà thờ được xây dựng thêm, và vào ngày chủ nhật, ngày lễ nhiều tín hữu vẫn đi chùa, nhà thờ thì cho rằng như thế là có tự do tôn giáo đấy chứ?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi vẫn nhìn vấn đề theo hiện tượng và bản chất. Về mặt tôn giáo, bản chất của tôn giáo hay tự do tôn giáo là sự phát triển về tâm linh; mà để phát triển như thế phải có nguời lãnh đạo xứng đáng. Nhưng giáo hội không làm được điều đó, tức có những người rất xứng đáng giáo hội muốn đưa lên, mà nhiều khi nhà nước không chấp nhận.
Trái lại chỉ chấp nhận nguời mà nhà nước xét thấy vô hại đối với họ. Những nguời được đảng chấp nhận thường không đủ khả năng để phát triển giáo hội, và thậm chí không đủ can đảm, đủ bản lãnh để đối phó với những mưu mô của nhà nước, thành ra tôn giáo càng ngày càng bị thoái hoá. Trong hoàn cảnh hiện nay cần phải có nguời can đảm hơn nhiều mới làm cho giáo hội đi lên.
Những chuyện lễ nghi biểu lộ ra bên ngoài chỉ là cái vỏ; mà đời sống tâm linh tôn giáo phải là sự giáo dục từ bên trong làm thay đổi đời sống, cách suy nghĩ của con nguời để sống tốt hơn và có động lực sống mạnh mẽ.
Bạn nghĩ gì về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện nay? Xin email về Vietweb@rfa.org
Gia Minh: Về mặt kinh tế thì trước đây nguời ta cho tư bản là bóc lột nhưng nay cũng có thay đổi; vậy có quá khắt khe khi nói rằng trong tôn giáo không có gì thay đổi?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi nói là khó thay đổi, nếu mà có thay đổi về bản chất thì sự đối xử với tôn giáo đã khác rồi. Tôi nhận thấy nếu theo phuơng cách cai trị cũ thì chỉ làm cho đất nước băng hoại, tụt lùi, không ngóc đầu lên được và làm hại cho nguời dân Việt Nam.
Gia Minh: Còn nhận xét về việc thực thi Pháp lệnh tôn giáo ra sao?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Pháp lệnh Tôn gíáo cũng chỉ là thòng lọng để quản lý các tôn giáo thôi. Các điều lệ trong đó có những mâu thuẫn như trong hiến pháp và luật pháp. Hiến pháp nói mọi nguời dân có tất cả mọi quyền tự do nhưng sau đó lại có câu là tự do trong khuôn khổ luật pháp. Pháp luật lại hạn chế đến mức không còn tự do gì. Đối với tôi Pháp lệnh Tôn giáo cũng chỉ là một biện pháp đối phó thôi, chứ bản chất không có gì thay đổi cả.
Gia Minh: Vậy để có tự do tôn giáo thật sự thì phải làm gì?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Trước tiên phải chấp nhận thay đổi chính sách: bỏ độc tài đảng trị, cho dân chủ đa nguyên đa đảng. nếu không thay đổi cái gốc đó thì những thay đổi nào khác có hay ho mấy thì cũng bị cái gốc đó làm hư hại thôi.
Gia Minh: Xin cám ơn Giáo sư.