Các Nghĩa Trang Quân Ðội VNCH ngày nay dưới mắt một ký giả ngoại quốc

Ðỗ Hiếu, phóng viên RFA

Sắp đến dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt vào ngày 30 tháng tư năm 1975, với phần thắng là phía Hà Nội, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ dự tính quay về thăm vùng đất mà họ từng chiến đấu để bảo vệ Miền Nam và cũng chính nơi ấy có bao nhiêu đồng đội Mỹ - Việt đã gục ngã trong chiến đấu hoặc mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ.

Theo một bài viết của ký giả Brennon Jones đăng tải trên nhật báo International Herald Tribune, dân tộc Việt Nam luôn tưởng nhớ tới những người đã khuất bóng đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền và thiêng liêng, mà họ mừng đón trọng thể cách đây ba tuần. Vào những ngày đầu xuân Ất Dậu vừa qua, những chiến sĩ quá cố thuộc chế độ cũ ở miền Nam lại càng được người Việt trong và ngoài nước nhắc nhớ nhiều hơn.

Vào những năm đầu sau 1975, mà Hà Nội gọi là giải phóng miền Nam, hiệp thương chính trị để thống nhất đất nước, quy về một mối, được xem là thời điểm đen tối đối với dân chúng Miền Nam, các nghĩa trang của thường dân hay của các chiến binh đã bị bỏ hoang, miệt thị và san bằng.

Ký giả Brennon Jones của báo International Herald Tribune viết tiếp: thân nhân của những người chết không thể đến viếng mộ phần người quá cố vì sợ bị tai mắt của chế độ cộng sản dòm ngó, còn những người bỏ nước ra đi, nay được gọi là Việt Kiều, khúc ruột ngàn dậm thì mãi chạy theo cuộc sống gay go ban đầu nơi xứ lạ, nên khó có dịp trở về chốn cũ thăm lại mồ mã gia tiên của mình.

Dân chúng địa phương cho biết nghĩa trang quân đội Gò Vấp đã được xây thành một khu chế xuất công nghiệp. Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi nằm ngay trung tâm Saigon là nơi an nghĩ của các quan chức Pháp trong thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, cũng là nơi an táng hai anh em cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu nay là khu giải trí và vườn trẻ của thành phố Hồ Chí Minh.

Nghĩa trang quân đội Biên Hòa xây dựng từ giữa thập niên 60 là mộ phần của hàng chục ngàn quân nhân các cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là nơi còn ghi dấu trong ký ức của nhà báo Brennon Jones.

Hồi tháng giêng năm nay, khi ông trở lại Việt Nam ăn Tết Ất Dậu, quang cảnh tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa đã có một bộ mặt hòan toàn mới.

Trái với cảnh hoang tàn, rêu phong phủ đầy, mộ bia siêu vẹo, lối lồi lõm, mộ phần đổ sụp như lần trước ông có dịp đặt chân đến đó hồi năm 2002, nay nhiều ngôi mộ được trùng tu đàng hoàng, sơn phết sạch sẽ, các hàng cây xanh xuất hiện trở lại, khiến nghĩa trang này có bộ mặt mới mẽ, khang trang.

Rất đông Việt kiều từ khắp các châu trở về thăm phần mộ người thân của mình nhân dịp Tết Ất Dậu, lý do là 30 năm sau khi ra sinh sống nơi hải ngoại, đa số người Việt đều thành đạt nên chuyện trở về quê cũ làng xưa không còn khó khăn như thời miền Nam mới bị chế độ Hà Nội quản lý. Họ cho rằng dường như nhà cầm quyền Việt Nam đang thay đổi dần cách đối xử với những chiến sĩ của miền Nam đã nằm xuống, theo như ông Brennon ghi nhận.

Sau khi đi một vòng thăm nghĩa trang quân đội cũ ở Biên Hòa , ông Brennon Jones tặng tiền cho những phụ nữ lo chăm sóc mồ mã nơi đó và nhờ họ quét dọn những nấm mồ vô chủ, chẵn còn ai lui tới cúng bái, thờ phượng. Ông cũng khấn nguyện những oan hồn tử sĩ nằm sâu trong lòng đất hãy an giấc ngàn thu trong an bình, vĩnh cửu và ông biết chắc rằng thân nhân của những chiến binh Hoa Kỳ hy sinh tại mặt trận Đông Dương sẽ không bao giờ quên những người đã nằm xuống vì lý tưởng tự do.

Còn những nghãi trang quân dân chính khác của miền Nam trướxc đây thì sao? ông Trung, một người dân Saigon trong khi còn làm việc đã có dịp đi khắp mọi miền đất nước thì kể lại là, ở những chốn xa xôi cách trở, mộ phần của những người quá cố vẫn còn bị dày xéo, phá phách, san bằng chứ không được tu bổ như ở khu vực gần đô thị....