Đây là công sức do tập thể người Việt tại Đức và từ những quốc gia khác đóng góp, để tri ân chánh phủ và nhân dân Đức đã cứu sống, tiếp nhận và tận tình giúp đỡ những thuyền nhân VN vượt biển tìm tự do, tìm lẽ sống trong cái chết cận kề ngoài biển khơi, cách đây hơn 30 năm.
Ban Việt Ngữ chúng tôi liên lạc với các thành viên trong ban tổ chức Hội xây dựng tượng đài tỵ nạn Hamburg, Đức Quốc và ghi nhận thêm chi tiết từ buổi lễ.
Xin nhường lời cho anh Đỗ Hiếu.
Từ cảng Hamburg, Đức Quốc, nơi đang diễn ra buổi lễ khánh thành tượng đài tị nạn, ông Lê Văn Hồng, phó Trưởng Ban Tổ chức cho RFA chúng tôi một vài chi tiết về quang cảnh trước mắt:
" Đại diện cho tổ chức ngày hôm nay, tôi xin được gửi lời kính chào đến toàn thể quý vị và thính giả của đài RFA. Quý vị đang nghe tiếng vỗ tay của rất đông khán giả ở đây. Hôm nay có sự góp mặt của ít nhất 700 người thuộc đủ mọi thành phần đến từ nhiều nơi, có một số người đến từ Paris - Pháp. Vừa rồi là lời phát biểu của ông bộ trưởng nội vụ của liên bang Đức. Tôi biết rằng giờ này không thể dịch ra được lời nói của ông bởi bây giờ qua phần thứ hai là đại diện bên Công giáo cũng như đại diện cho bên Phật giáo cử hành lễ tưởng nhớ đến tất cả đồng bào đã bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm tự do. Hôm nay bầu trời rất đẹp, tràn ngập ánh nắng và chúng tôi nghĩ đây là một buổi lễ rất thành công."
Hình thành công trình
Kế đó ông Nguyễn Hữu Huấn, Hội Trưởng hội xây dựng tượng đài trình bày về sự hình thành từng bước của công trình này.
Sự hình thành công trình này là do sự đóng góp của toàn thể người Việt tị nạn Cộng sản tại CHLB Đức nói riêng và cũng có một số đông những người đã được tàu khác vớt họ cũng nhớ ơn.
Ông Nguyễn Hữu Huấn
“Ba mươi năm trước đây các con tàu Cap Anamur của Đức đã cứu vớt 11.300 thuyền nhân Việt nam. Gần 30 năm sau chúng tôi đã ngồi lại với nhau và bàn là chúng ta phải làm một cái gì để cám ơn nhân dân Đức, cám ơn tấm lòng của họ đã giúp mình. Điều quan trọng nữa là chúng tôi muốn nói lên lý do tại sao người Việt tị nạn cộng sản lại có mặt ở nước Đức để cho cả thế giới đều biết. Anh em chúng tôi đã chọn cảng Hamburg là cảng chính, là nơi xuất phát các con tàu Cap Anamur trở về cùng với những người tị nạn. Chúng tôi đã xin chính phủ chấp nhận cho chúng tôi được làm một tượng đài kỷ niệm ở đó. Thuở ban đầu thì rất khó khăn, trong gần 4 năm trời bây giờ chúng tôi mới thành công và chính phủ đã giúp chúng tôi để có một miếng đất. Họ cho luôn chúng tôi một miếng đất ở đó để xây dựng tượng đài.”
Kiến trúc tượng đài
Dịp này, ông Lê Văn Hồng cũng mô tả vài nét về kiến trúc của tượng đài vừa được khánh thành và nói sẽ gởi đến ban Việt ngữ chúng tôi những hình ảnh tại chỗ.
“Khu tượng đài được đặt lên ở vùng đất rộng 50 mét vuông, nằm ngay trên mặt đê chính của hải cảng Hamburg và mặt đê này được họ dành cho một chỗ rất đặc biệt. Tượng đài là một cột bằng đá hoa cương đen và đặt lên trên đó một tấm sắt bằng đồng đúc viết bằng ba thứ tiếng. Tiếng thứ nhất là tiếng Đức kể lại toàn bộ ba lần với ba con tàu Cap Anamur 1, Cap Anamur 2 và Cap Anamur 3 với tổng cộng 11.300 người Việt tị nạn đã được cứu. Đồng thời bên tiếng Anh và tiếng Việt cũng viết như thế. Tấm bảng đồng này cộng với chân bằng đá hoa cương cao khoảng 1,5 mét. Bên cạnh chúng tôi đặt hai con sư tử bằng đá trắng làm nổi bật lên nét Á châu. Chung quanh được trồng hoa.”
Ông Nguyễn Hữu Huấn cũng giải thích thêm về sự hình thành công trình này.
“Sự hình thành công trình này là do sự đóng góp của toàn thể người Việt tị nạn Cộng sản tại CHLB Đức nói riêng và cũng có một số đông những người đã được tàu khác vớt họ cũng nhớ ơn. Ở ngoài nước Đức, trong Âu châu, tại Mỹ châu và Úc châu cũng có tiền ủng hộ cho chúng tôi làm. Nhân tiện đây chúng tôi cũng xin cám ơn tất cả các người VN, tất cả cộng đồng đã giúp đỡ chúng tôi để thành công được dự án này. Rất là khó khăn từ nhiều phía và cuối cùng thì chính phủ nước Đức đã chấp nhận cho chúng tôi. Chỉ có hai tượng đài thật lớn là của chính phủ Đức thôi và bây giờ người VN tị nạn tại CHLB Đức này có một tượng đài. Đó là tượng đài độc nhất của tư nhân.”
Ý nghĩa tượng đài
Kế đó, Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi lại ý kiến của một bà Đài, nữ công dân Đức, gốc Việt, một thuyền nhân được tàu Cap Anamur cứu mạng, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, sắp chìm đắm ngoài đại dương, mấy mươi năm trước, bà là một trong hàng trăm người hiện diện tại buổi lễ:
Tượng đài sẽ nói lên lời cám ơn nhân dân Đức, ông bà tiến sĩ Neudeck và nhất là tượng đài sẽ nói cho con cháu về sau biết vì lý do gì nó ở đây.
Bà Đài, Đức
“Cách đây 30 năm, chồng tôi và các con tôi đã được tàu Cap Anamur cứu mạng trong một hoàn cảnh tuyệt vọng cận kề cái chết. Ơn cứu tử đó gia đình tôi và những người VN định cư ở Đức đã luôn khắc ghi trong lòng. Nghe tin Hội tượng đài Hamburg thành lập, tôi và các bạn bè tôi đã rất mừng, đã cổ động và ủng hộ. Tượng đài sẽ nói lên lời cám ơn nhân dân Đức, ông bà tiến sĩ Neudeck và nhất là tượng đài sẽ nói cho con cháu về sau biết vì lý do gì nó ở đây. Ba mươi năm rồi mới đền đáp được và người Việt nam định cư tại Đức nói được chữ cám ơn sẽ tồn tại mãi với thời gian tại cảng Hamburg.”
Được biết, sau nhiều năm vận động, tượng đài tỵ nạn được hoàn thành và tọa lạc ngay tại cảng Hamburg là nơi con tàu nhân đạo Cap Anamur đã xuất phát và trở về.
Đây là một hải cảng sầm uất của Đức đứng thứ nhì Châu Âu và lớn thứ 7 toàn thế giới, đồng thời cũng là trung tâm du lịch quốc tế thu hút trên 8 triệu du khách mỗi năm.
Sau lễ khánh thành kết thúc vào chiều cùng ngày, ban tổ chức chuẩn bị một chương trình văn nghệ vào chiều tối với sự tham gia của nhiều ban nhạc đến từ khắp Âu Châu, với chủ đề “Hát cho nhau nghe”.