Vụ án hai phóng viên gây phản ứng mạnh trong giới báo chí thế giới

Phiên toà xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải thuộc báo Tuổi Trẻ kết thúc, để lại nhiều bất bình và quan ngại cho dư luận trong lẫn ngoài nước về hiện trạng “tự do báo chí” ở Việt Nam.

Hiểu thế nảo về tự do báo chí ở Việt Nam

Ngay sau phiên toà, tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Pháp mang tên Phóng viên không biên giới (RSF) đã ra thông cáo lên án và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho cả hai ngòi bút chống tham nhũng Chiến và Hải.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, ông Vincent Brossel, đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc cơ quan này, nhấn mạnh quan điểm của RSF về các bản án vừa được tuyên ở Hà Nội.

Ông Vincent Brossel: Trước tiên, đây là những bản án rất bất công, đặc biệt đối với ký giả Nguyễn Việt Chiến, người bị lãnh 2 năm tù chỉ vì đã có những bài viết phanh phui hành vi tham nhũng của các quan chức cấp cao trong vụ PMU 18.

Trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Hải nhận tội để được hưởng mức án 24 tháng cải tạo không giam giữ và được trả tự do ngay tại tòa cũng dễ hiểu vì ông ta bị áp lực bởi các nhân viên điều tra và hệ thống toà án.

Nhìn chung, phiên toà này là một trở lực cực kỳ nguy hiểm cho nền tự do báo chí cũng như cho công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, vì nó là tấm gương soi khiến những tờ báo mạnh dạn hoặc những ký giả độc lập muốn phản ánh các vấn đề chính trị-xã hội hay tham nhũng trở nên dè dặt và sợ hãi trước nguy cơ bị lâm vào tình cảnh như hai nhà báo Hải và Chiến.

Trong khi đó thì tham nhũng hiện là một vấn nạn lớn tại Việt Nam. Vì vậy, phiên toà này không phải là cách thức đúng đắn để phát huy cuộc chiến chống tham nhũng như nhà nước Việt Nam hô hào.

Trà Mi: Thật ra những bản án này đã có phần giảm nhẹ so với những gì được đề nghị trước đó, thưa ông?

Ông Vincent Brossel: Có thể vì áp lực từ quốc tế hay áp lực của dư luận nội địa, vì chúng ta thấy đó có rất nhiều nhà báo ủng hộ hai bạn đồng nghiệp này. Thế nhưng ngoài hai ký giả này, tại Việt Nam còn nhiều ngòi bút khác bị án nặng hơn, 5-10 năm tù, chỉ vì những bài viết khẳng khái. Vấn đề chúng tôi muốn nói là nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho họ chứ không thể chỉ là đưa ra án nặng hay nhẹ.

Lời cảnh cáo cho nền tự do ngôn luận ở VN

Trà Mi: Thế nhưng, theo chính quyền Việt Nam, phóng viên Nguyễn Việt Chiến đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” và “đưa thông tin xuyên tạc kích động quần chúng”. Ông nghĩ sao?

Ông Vincent Brossel: Những lời buộc tội này thật buồn cười vì làm sao mà một người có thể lợi dụng chính cái quyền dân chủ của anh ta để cố ý gây hại cho nhà nước và Đảng, khi mà anh ta, trong cương vị một nhà báo, chỉ truyền đạt đến công luận những thông tin thu thập được từ cán bộ điều tra, nghĩa là các nguồn tin chính thống.

Dĩ nhiên là báo chí thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả từ công an. Những điều này thuần tuý chỉ là tác nghiệp chuyên môn của giới nhà báo mà thôi. Cho nên, hành động của chính quyền Việt Nam chính là sự cấm đoán, răn đe các cây bút điều tra can đảm. Những người như hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đang cố gắng thúc đẩy cho một báo chí độc lập hơn.

Và rõ ràng là phiên toà này không chỉ dành riêng cho hai ký giả ấy mà là lời cảnh cáo cho tất cả các cơ quan truyền thông báo chí nào muốn tiến tới tự do báo chí, tự do biên tập, tự do điều tra, hay đa nguyên, vốn là yếu tố chính của tự do báo chí.

Trà Mi: Vậy thông điệp chính mà Tổ chức Phóng viên không biên giới muốn gửi gắm đến chính quyền Việt Nam và cộng đồng thế giới qua bản thông cáo báo chí sau phiên toà này là gì, thưa ông?

Ông Vincent Brossel: Trước nhất, chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho cả hai nhà báo này một cách không điều kiện và hủy bỏ tất cả những lời buộc tội.

Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tự do báo chí tại Việt Nam, lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội cầm tù những ngòi bút can đảm, đồng thời nên gắn các nguồn viện trợ cho Việt Nam với các điều kiện về nhân quyền và tự do báo chí để giúp cải thiện những hiện trạng mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.

Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Vincent Brossel, đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Tổ chức Phóng viên khôgn biên giới, đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này .