Mỗi tấn gạo xuất khẩu trích 1 USD giúp nông dân

Việt Nam thực hiện xuất khẩu gạo từ hai thập niên qua, tổng kim ngạch đã lên tới hơn chục tỷ đô la, nhưng phải đến nay Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA mới đề xuất ý kiến lập quĩ hỗ trợ sản xuất lúa gạo.

0:00 / 0:00

Trong hai năm liên tiếp 2008 và 2009, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA bị công luận phê phán nặng nề, mặc dù về giá trị xuất khẩu thì tổ chức này luôn đạt chỉ tiêu của chính phủ. Trong lịch sử kinh tế Việt Nam, chưa bao giờ gạo bán ra nước ngoài lại vượt hơn 2 tỷ USD như năm 2008 và cả năm nay 2009. Tuy vậy, năm nào nông dân cũng kêu khổ vì làm lúa 3 vụ quanh năm mà không đủ trang trải cuộc sống:

“Cũng phải bám ruộng mà làm, nông dân bỏ ruộng biết làm gì mà sống, vẫn phải bám lấy ruộng.”

Bỏ vào quĩ hỗ trợ sản xuất lúa gạo

Đã có những chiến dịch tấn công trực tiếp vào VFA, có thể nói như vậy nếu thu thập hết những bài báo kể khổ cho nông dân và qui trách VFA tư lợi trong điều hành xuất khẩu gạo. Đại biểu quốc hội và các chuyên gia kinh tế còn phân tích chi tiết hơn, đề cập tới vấn đề lợi ích nhóm, khi chủ tịch VFA đồng thời là Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam Vinafood II, một trong hai tổng công ty nhà nước chiếm giữ khoảng 60% tổng lượng gạo xuất khẩu, độc quyền dự thầu các hợp đồng lớn cấp chính phủ.

Có nhiều nguy cơ là có cạnh tranh không lành mạnh, tôi thừa nhận là một biểu hiện rất dễ đưa đến xung đột lợi ích, sử dụng vị thế của Hiệp Hội Lương Thực để mà bảo đảm cho lợi ích của Tổng Công Ty của mình.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu độc lập từng có nhận xét:

“Có nhiều nguy cơ là có cạnh tranh không lành mạnh, tôi thừa nhận là một biểu hiện rất dễ đưa đến xung đột lợi ích, sử dụng vị thế của Hiệp Hội Lương Thực để mà bảo đảm cho lợi ích của Tổng Công Ty của mình.”

Sau khi bị cả nước công kích về vấn đề đạo đức kinh doanh, lợi nhuận sau thuế hàng nghìn tỷ đồng mà không hề tái đầu tư cho người trồng lúa, cho kỹ thuật canh tác cũng như công nghệ sau thu hoạch. Trung tuần tháng 10 vừa qua các giới chức lãnh đạo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam và Hội Nông Dân Việt Nam đã có cuộc họp ở TPHCM, đề tài thảo luận là tìm giải pháp để người làm lúa được hưởng lợi nhuận xứng đáng với công sức của họ, đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa gạo. Theo thông tin ghi nhận, ý kiến đề xuất của ông Trương Thanh Phong Chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực VN trở thành trọng tâm thảo luận và được ủng hộ. Đó là hình thành quĩ hỗ trợ sản xuất lúa gạo, từ đó doanh nghiệp sẽ trích 1 USD trên mỗi tấn gạo xuất khẩu để bỏ vào Quĩ.

Tái đầu tư cho nông dân

Nếu đề nghị này được thi hành thì với sản lượng trung bình 5 triệu tấn gạo xuất khẩu, mỗi năm sẽ có nguồn vốn tái đầu tư 5 triệu USD mà người hưởng lợi là nông dân.

Theo đề xuất, nguồn vốn trong Quĩ sẽ được tái đầu tư cho người làm lúa. Có thể tái đầu tư bằng nhiều hình thức như, cung cấp cho nông dân giống lúa tốt và phù hợp khuynh hướng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra nguồn tiền từ Quĩ còn có thể đầu tư vào công nghệ giảm thất thoát sản lượng trong và sau thu hoạch, kể cả việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Chúng tôi nghiên cứu những giống lúa năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh, giúp cho bà con nông dân phương pháp canh tác, làm thế nào giảm chi phí giảm giá thành tăng lợi nhuận.

TS Lê Văn Bảnh

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long đề cập tới việc nâng cao lợi nhuận cho nông dân:

“Chúng tôi nghiên cứu những giống lúa năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh, giúp cho bà con nông dân phương pháp canh tác, làm thế nào giảm chi phí giảm giá thành tăng lợi nhuận. Đó là cách làm bền vững, chứ còn chờ giá lên giá xuống thì theo tôi rất bấp bênh.”

Đây là 1 tín hiệu tích cực khi hai tổ chức ngoài chính phủ là Hiệp Hội Lương Thực và Hội Nông Dân Việt Nam gặp nhau để tìm cách tái đầu tư giúp đỡ người làm lúa. Công việc còn lại là ấn định qui chế hoạt động điều hành cho quĩ hỗ trợ sản xuất lúa gạo, làm thế nào để những khoản tiền tái đầu tư thực sự mang ích lợi cho nông dân.