Trà Mi, phóng viên đài RFA
Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF vừa lên tiếng phản đối việc chính phủ Việt Nam mở “phiên toà nhân dân” theo hình thức đấu tố thời “Cải cách ruộng đất” đối với nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn tại Hà Nội cuối tuần qua. RSF cũng đồng thời lên án đây là một hành động đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Ông Vincent Brossels: Chúng tôi cho rằng sự việc xảy ra với ông Nguyễn Khắc Toàn tuần trước là bước đầu khởi sự cho một chiến dịch đàn áp, sách nhiễu mới đối với ông, một nhà báo tự do và cũng là một nhà đấu tranh dân chủ được nhiều người biết đến.
Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, ông Vincent Brossels, người đứng đầu văn phòng chuyên trách Châu Á trong tổ chức này nhấn mạnh quan điểm của RSF:
Đi ngược lại tiêu chuẩn quốc tế
Việc ông Toàn bị đưa ra trước cái được gọi là “phiên toà nhân dân” tại Hà Nội cho thấy chính quyền Việt Nam có hành động đối phó với ông rất mạnh mẽ, dọn đường cho việc bắt ông vào trại học tập cải tạo với cáo buộc rằng ông đã “kích động những người khiếu kiện đất đai biểu tình”.
Chúng tôi rất mong muốn nhà cầm quyền Việt Nam cam kết rằng họ sẽ không thực hiện các hành động bắt bớ, đàn áp, giam cầm đối với ông Toàn, người đã từng bị cầm tù 4 năm chỉ vì đã đưa lên mạng các tài liệu cổ võ dân chủ và mới được phóng thích gần đây, nhưng thực ra hàng ngày vẫn bị quản thúc.
Hình thức “phiên toà nhân dân” kiểu này thực sự đi ngược lại với tất cả các tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc tế.
Chúng tôi cho rằng sự việc xảy ra với ông Nguyễn Khắc Toàn tuần trước là bước đầu khởi sự cho một chiến dịch đàn áp, sách nhiễu mới đối với ông, một nhà báo tự do và cũng là một nhà đấu tranh dân chủ được nhiều người biết đến.
Trà Mi: Ông nói rằng "phiên toà nhân dân kiểu này đi ngược lại với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế". Ông có thể giải thích cụ thể hơn lý do vì sao?
Ông Vincent Brossels: Vâng, bởi vì một trong những điểm quan trọng nhất trong tất cả các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế là mọi người, cho dù có khác biệt niềm tin tôn giáo hay quan điểm chính trị, đều được thực hành quyền công dân một cách bình đẳng, minh bạch, và công bằng.
Hơn nữa, các “phiên toà” này chỉ bao gồm công an và giới chức công lực của chính quyền, chứ không mang tính minh bạch, rõ ràng của luật pháp.
Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam thật sự hướng tới những tiến bộ, cải cách hơn nữa, nếu Hà Nội muốn củng cố uy tín với cộng đồng thế giới về lời cam kết đảm bảo một xã hội thực thi dân chủ-nhân quyền, thì một trong những mục tiêu họ cần phải đạt đựơc trong tương lai là phải xoá bỏ hẳn những “phiên toà nhân dân” kiểu này.
Thật là vô lý khi một mặt tuyên bố là cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế, mà cùng lúc đó, lại sử dụng các phiên toà đấu tố để trấn áp những tiếng nói bất đồng.
Luận điệu tuyên truyền vô lý
Trà Mi: Thế nhưng ông nghĩ sao nếu như Hà Nội phản biện rằng các "phiên toà nhân dân" kiểu này là thể hiện ý chí và nguyện vọng của tập thể, của nhân dân, chứ không phải là sự can thiệp của nhà nước?
Ông Vincent Brossels: Theo tôi, đây là luận điệu tuyên truyền vô lý của nhà nước khi nói rằng các "phiên toà nhân dân" kiểu này là dựa trên ý chí và nguyện vọng của người dân Việt Nam bởi lẽ đó chỉ là một hành động đe doạ, một phiên toà chính trị được dựng lên nhằm trấn áp, sách nhiễu những tiếng nói dân chủ, chứ hoàn toàn không phải là cái gọi là "được nhân dân ủng hộ".
Chúng tôi không hề thấy tính hợp pháp của các phiên toà này. Như trường hợp của ông Nguyễn Khắc Toàn chẳng hạn, hoàn toàn không có lý do gì để đối xử với ông như một phạm nhân. Thật đáng kinh ngạc khi nghe giới chức công quyền Việt Nam nói rằng ‘cần phải loại bỏ ông ta ra khỏi xã hội”.

Điều này nghĩa là sao? Một xã hội dân chủ là nơi mọi người đều được quyền bày tỏ quan điểm của mình, cho dù có đối lập hay khác biệt. Vì vậy, luận điểm mà nhà nước Việt Nam đưa ra thật là hết sức phi lý.
Trà Mi: Như ông cũng biết, chính phủ Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động "áp đặt văn hoá nhân danh nhân quyền". Là một tổ chức lâu nay kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam, quan điểm của RSF như thế nào?
Ông Vincent Brossels: Việt Nam là một thành viên của Liên hiệp quốc. Một trong những điều quan trọng mà các thành viên phải tuân thủ và chính Hà Nội cũng đã cam kết là tôn trọng nhân quyền bằng việc tham gia ký kết vào Công ước quốc tế về nhân quyền.
Trong đó quy định tất cả mọi công dân trong xã hội đều phải được bảo vệ quyền tự do bình đẳng như nhau, kể cả quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Như vậy, nếu như chính quyền Việt Nam muốn ưu tiên bảo vệ cái gọi là “truyền thống văn hoá đặc thù” của mình thì họ phải rút chân ra khỏi Liên Hiệp Quốc, còn không, họ bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định đặt ra trong Công ước nhân quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Xin nhớ rằng nhân quyền không phải là giá trị của các xã hội phương Tây. Nó mang giá trị toàn cầu và phải được bảo vệ ở mọi nơi, cho dù là Châu Á, Châu Phi, hay bất cứ châu lục nào trên thế giới.
Thông điệp đến chính phủ Việt Nam
Trà Mi: Cho tới nay, những lời kêu gọi của RSF đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam đã có tác dụng gì cụ thể chưa, thưa ông?
Chúng tôi chỉ kêu gọi Hà Nội phóng thích tất cả các nhân vật bất đồng chính kíên mà họ đã bắt giữ trong thời gian gần đây, trong đó có những nhà báo, những luật sư, và các nhà hoạt động cổ võ cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Vincent Brossels: Vâng, chúng tôi để ý là có đôi khi báo chí nhà nước Việt Nam tấn công chúng tôi, chỉ trích những lời kêu gọi của chúng tôi, nhưng quan trọng là các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu, vẫn đang ủng hộ và đồng tình với nhận xét của chúng tôi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Tóm lại, Hà Nội có thể tấn công RSF, hay bất kỳ tổ chức hoạt động nhân quyền nào khác trên thế giới, hay các nhà hoạt động dân chủ quốc nội như ông Nguyễn Khắc Toàn chẳng hạn, thế nhưng, quan trọng là cộng đồng quốc tế không để yên khi những điều như thế xảy ra.
Trà Mi: Và thông điệp chủ yếu mà Tổ chức phóng viên không biên giới muốn gửi đến chính phủ Việt Nam là gì, thưa ông?
Ông Vincent Brossels: Chúng tôi chỉ kêu gọi Hà Nội phóng thích tất cả các nhân vật bất đồng chính kíên mà họ đã bắt giữ trong thời gian gần đây, trong đó có những nhà báo, những luật sư, và các nhà hoạt động cổ võ cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.
Riêng đối với trường hợp của nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội cho phép ông ta được hưởng nhiều quyền công dân hơn nữa, tôi muốn nói rằng lệnh quản thúc tại gia đối với ông là bất công và không hợp pháp.
Và đặc biệt, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm dẹp bỏ việc sử dụng các phiên toà đấu tố để đối phó, đe doạ những người có quan điểm bất đồng.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Thông tin trên mạng:
- Journalist and dissident Nguyen Khac Toan tried before people's tribunal