“Chạy” chức Đại biểu Quốc hội: Lời khai bị từ chối

Trong phiên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 13, từ năm 2011 đến năm 2016, nói trước tòa án Hà Nội rằng bà đã dùng số tiền trị giá 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ để được làm Đại Biểu Quốc Hội.

Tuy nhiên Tòa án không cho bà Nga khai việc này vì cho rằng điều đó không có liên quan đến nội dung vụ án đang được điều tra.

Vi phạm luật tố tụng

Phiên xử sơ thẩm dự kiến kéo dài trong 20 ngày, bắt đầu từ ngày 2 tháng 10 năm 2017. Vào ngày 5 tháng 10, trước toà án tại Hà Nội, luật sư Hoàng Văn Hướng, người bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga, có câu hỏi thẩm vấn cho thân chủ của ông, đề cập đến khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng) mà bà Nga đã khai là dùng để "chạy" vào vị trí đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên Tòa án không cho bà Nga khai việc này vì cho rằng điều đó không có liên quan đến nội dung vụ án đang được điều tra.

Một ngày sau khi diễn ra phiên xử, trả lời RFA, Luật sư Hoàng Văn Hướng, cho biết toà không cho phép thân chủ của ông thực hiện lời khai là không đúng nguyên tắc đánh giá chứng cứ khách quan và toàn diện của qui trình tố tụng.

“Tất cả những tài liệu được thu thập trong hồ sơ vụ án để buộc tội hoặc gỡ tội thì đều phải đưa ra trước toà để đánh giá. Những nhiệm vụ của tôi là đặt câu hỏi và đánh giá vấn đề này. Trong hồ sơ có thể hiện bà đã khai như thế. Đến phần này thì hội đồng xét xử không cho hỏi nữa, với lý do ngay trong bản cáo trạng thì đã có 1 phần nêu là nội dung này kèm với 157 tỷ sẽ được tách ra giải quyết bằng 1 vụ án khác. Sẽ mở 1 vụ án khác.”

<i> <i>Trong hồ sơ có thể hiện bà đã khai như thế. Đến phần này thì hội đồng xét xử không cho hỏi nữa, với lý do ngay trong bản cáo trạng thì đã có 1 phần nêu là nội dung này kèm với 157 tỷ sẽ được tách ra giải quyết bằng 1 vụ án khác. Sẽ mở 1 vụ án khác. - LS Hoàng Văn Hướng</i> </i>

Một nhận định khác trong việc Hội đồng xét xử từ chối không cho bà Châu Thị Thu Nga thực hiện lời khai được Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hơn 14 năm, cho biết ông hoan nghênh những bị can, bị cáo chịu khai như thế.

“Nhưng có khi chủ toạ can, nói là đừng khai vì nó nhạy cảm, phức tạp…Nhiều vụ án người ta sẵn sàng khai, vì người ta vô đây người ta cho là cửa tử rồi, tại sao không khai? Tại sao lại để chết một mình? Cho nên có chứng cứ hay không có chứng cứ thì cơ quan điều tra có trách nhiệm phải chứng minh, đó là một nguồn chứng cứ được cung cấp, thì phải nghe, tại sao lại không cho người ta khai?

Không cho người ta khai là vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật.”

Báo Tuổi Trẻ Online cũng có một bài bình luận về sự việc này, trích dẫn ý kiến của Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên khoa Luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM cho biết "Việc không cho bị cáo Châu Thị Thu Nga khai về khoản tiền 1,5 triệu USD là không đúng quy định pháp luật.”

Trong vai trò là luật sư bào chữa cho bà Châu Thị Thu Nga, Luật sư Hoàng Văn Hướng một lần nữa cho biết bản cáo trạng có ghi những lời khai của bà Nga, kể cả việc dùng số tiền trị giá 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ để được làm Đại Biểu Quốc Hội là chưa khách quan và chưa đúng.

Ông nói thêm về mức độ được tham gia trong tiến trình tố tụng với tư cách người bào chữa cho bà Châu Thị Thu Nga:

“Trong gần 3 năm điều tra, truy tố và đến nay là xét xử bà Nga, thì hoàn toàn trong quá trình ấy, chúng tôi là luật sư nhưng không được tham gia vào quá trình điều tra kể cả xét hỏi.”

<i> <i>Không cho người ta khai là vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật. - LS Trần Quốc Thuận</i> </i>

Cần phải xem xét lại

Vấn đề được tranh luận sôi nổi tại phiên xử bà Châu Thị Thu Nga trong hai ngày qua, là nội dung của lời khai bị từ chối của bị cáo.

Nói về điều này, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết dư luận hiện đang rất quan tâm vấn đề, và bản thân ông cho rằng nó không phù hợp và không đúng.

“Bởi vì việc chạy vào Đại biểu Quốc hội thì nó không thuyết phục được chúng tôi vì việc vào được đại biểu quốc hội hay không là quyền quyết định của cử tri bằng các lá phiếu ở các đơn vị bầu cử.

Cũng không có 1 thế lực nào, 1 ông nào, 1 người nào có quyền lực có thể đưa vào Đại biểu Quốc hội được. Việc đăng ký, ứng cử Đại biểu Quốc hội là công khai. Thứ 2 nữa, bầu là do hàng triệu cử tri bầu chứ không phải do 1, 2 người quyết định được.”

Do đó, theo luật sư Hoàng Văn Hướng, lời khai của bị can Châu Thị Thu Nga là 1 chứng cứ chưa thuyết phục ở thời điểm này, và cần phải được xem xét lại.

Ngược lại, một ý kiến khác từ Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc chạy chức, chạy quyền, chạy danh, thậm chí chạy tuổi, vốn dĩ là một điều không mới lạ ở Việt Nam. Bình luận về sự việc của bà Châu Thị Thu Nga đang làm xôn xao dư luận, theo cách nhìn của ông, ông cho biết.

“Ở Việt Nam, khi bầu cử người ta hay nói là Đảng cử dân bầu. Câu đó khá phổ biến. Người ta nói chưa bầu đã biết trúng cử. Cho nên thường địa phương sắp xếp sẵn những người dự kiến trúng cử và những đối thủ địa bàn. Thường người ta nói những cuộc bầu cử tốn kém hình thức không cần thiết. Người ta muốn có 1 cuộc bầu cử rộng rãi dân chủ hơn, tranh luận sôi nổi hơn.

Cho nên vì vậy mới có chuyện ‘chạy’. Nếu cuộc bầu cử mà để cho dân tự chọn thì chạy để làm gì?”

<i>Khi đã là Đại biểu Quốc hội, trong những cuộc họp, vào giờ giải lao thì quyền tiếp cận với tất cả các người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước này. </i> <i>Như thế, người ta có thể "chạy" một vài dự án hay một vài câu chuyện thì…lấy lại "vốn" rất nhanh. Bỏ ra thì phải thu hồi vốn chứ. - LS Trần Quốc Thuận</i>

Chia sẻ thêm về từ “chạy”, Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng lẽ ra chạy là chạy về phía hàng vạn người dân với những chủ trương, chính sách phù hợp để người dân đồng lòng bỏ phiếu cho mình.

Đại biểu Quốc hội: Bất khả xâm phạm

Phân tích thêm về sự việc “chạy chức Đại biểu Quốc hội” đang được bàn tán trong dư luận, Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra một nhận xét về vị trí được gọi là Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam.

“Nếu vào một chức danh, mà nhất là Đại biểu Quốc hội thì bất khả xâm phạm. Đã là Đại biểu Quốc hội thì trước nhất nó có cái danh vọng rất lớn, theo luật thì gọi là bất khả xâm phạm.

Khi đã là Đại biểu Quốc hội, trong những cuộc họp, vào giờ giải lao thì quyền tiếp cận với tất cả các người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước này.

Như thế, người ta có thể “chạy” một vài dự án hay một vài câu chuyện thì…lấy lại “vốn” rất nhanh. Bỏ ra thì phải thu hồi vốn chứ.”

Bà Châu Thị Thu Nga năm nay 52 tuổi, là một doanh nhân ngành bất động sản ở Hà Nội và là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 13, từ năm 2011 đến năm 2016.

Dự định phiên tòa xử vụ án của bà Châu Thị Thu Nga sẽ kết thúc vào ngày 10 tháng 10.