Giới khoa học nhận định về dự án dìm thải ở Bình Thuận

Đại diện Viện Hàn Lâm Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam cho biết vào ngày 26 tháng Bảy, nhận được quyết định từ Văn phòng Chính phủ đề nghị chủ trì và phối hợp xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, giải pháp bảo vệ môi trường liên quan dự án nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất nạo vét xuống vùng biển Bình Thuận của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Bước đi sâu hơn

Chúng tôi liên lạc với ông Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang vào tối ngày thứ Sáu, 28 tháng 7, và ông cho biết chưa thể đưa ra nhận định nào trong thời gian này.

“Tôi xin phép không bình luận bởi lẽ tôi hiện nay được giao nhiệm vụ là cơ quan giám sát độc lập và chúng tôi sẽ nói trên số liệu chứ chúng tôi không bình luận người khác.”

Trước đó, Viện Hải dương học đã tham gia khảo sát hiện trạng khu vực đáy biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhận chìm và các vùng gần đó.

Cũng trong chiều ngày thứ Sáu, 28 tháng 7, tin trong nước cho biết Viện Hải dương học Nha Trang công bố kết quả khảo sát mới nhất: Đáy vùng biển 30 ha dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là "không có san hô, ít sinh vật".

<i>Tôi xin phép không bình luận bởi lẽ tôi hiện nay được giao nhiệm vụ là cơ quan giám sát độc lập và chúng tôi sẽ nói trên số liệu chứ chúng tôi không bình luận người khác. -Ông Võ Sỹ Tuấn</i>

Trả lời chúng tôi về kết quả khảo sát này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ tài nguyên và môi trường cho biết Viện Hải dương học đã thực hiện đo 5 điểm ở 30 ha dự kiến nhấn chìm :

“Số liệu ở đây là số liệu đo trong hai tuần ở 5 điểm ở trong khu vực đó. Chưa đo thì chúng ta đã biết là ở độ sâu hơn 30m là san hô không thể có ở đấy được rồi. Còn thực tế như thế nào thì những điều tra khảo sát, quay video quay phim trước đây đã phản ánh những điểm đo đó.”

“Đấy chỉ là một trong những cơ sở tài liệu để giúp cho việc xác định vùng biển.”

Danh sách các nhà khoa học bị mạo danh
Danh sách các nhà khoa học bị mạo danh (Courtesy photo)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh nói rằng kết quả khảo sát mới nhất của Viện Hải dương học là một trong những bước đi sâu hơn để xác định vùng biển đó có đủ điều kiện để quyết định giao biển hay không?

Theo ông, kết quả này là một trong nhiều những nghiên cứu, điều tra đã được thực hiện trước đó. Và cùng với ý kiến của dư luận cộng với yêu cầu của lãnh đạo chính phủ, Bộ Tài nguyên- Môi trường đề nghị Viện Khoa học Hàn lâm và Xã hội vào cuộc đánh giá tổng thể tất cả.

“Khi giao cho Viện Hải hương học là rất khách quan và độc lập để nghiên cứu. Chưa đưa ra kết quả thì người ta thấy rằng cần phải tiến hành một cách mạnh mẽ hơn, dưới sự can thiệp của chính phủ thì người ta quyết định mở rộng diện hơn nữa để điều tra tổng hợp. Bây giờ không phải là 1 viện trong Viện Hàn lâm nữa mà là cả Viện Hàn lâm được huy động, kể cả mời chuyên gia nước ngoài.”

Điều này cũng được Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, nguyên vụ trưởng Vụ Môi trường – Giao thông vận tải đề cập đến khi trả lời báo Tuổi trẻ trong nước vài ngày trước đây. Theo ông, Bộ Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận cần phải lắng nghe ý kiến các nhà khoa học.

PGS, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, trả lời chúng tôi tối ngày thứ Sau, 28 tháng 7, từ Nha Trang, ông cho biết ông rất hoan nghênh quyết định trên của chính phủ. Ông nhấn mạnh, nên xem vùng biển Bình Thuận là di sản thiên nhiên, và nên tìm một giải pháp khác trên cơ sở tập trung các nhà khoa học lại.

“Rất hay. Làm sao mà để nghe tất cả cộng đồng khoa học người ta nói chuyện trực tiếp với nhà nước, với những cơ quan có trách nhiệm, có sự thảo luận với nhau để tìm ra một chân lý.

Tôi rất hoan nghênh. Còn cái giấy phép là của Bộ Tài nguyên- Môi trường, là cơ quan chức năng của chính phủ chứ không phải chính phủ.”

Cân nhắc

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh có ý kiến về giấy phép của Bộ Tài nguyên- Môi trường chỉ là một bước khởi đầu, thực hiện như thế nào và ở đâu thì còn phải chờ ở những bước sau.

Theo giấy phép “nhận chìm” của Bộ Tài nguyên - môi trường cấp thì có đến 80% khối lượng vật chất được “nhận chìm” là cát, sạn, sỏi, vỏ sò... 20% còn lại là bùn. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề duy nhất gây tranh cãi trong công luận.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) lên tiếng với báo giới trong nước, cho rằng quyết định cho phép phải đi sau những khảo sát và đánh giá mức độ an toàn hay nguy cơ của sự kiện.

Một tuần lễ trước đây, có ba nhà khoa học “bỗng dưng” thấy tên của mình có trong danh sách được cho là những người thực hiện dự án nhận chìm ở biển của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, làm dấy lên mối nghi ngờ về tính minh bạch của quyết định cấp phép dự án.

<i>Khi tổng hợp lại thành 1 dự án chung thì cần phải xem xét đến phát triển bền vững, là kinh tế, xã hội và môi trường thì mới có thể tìm được sự đồng thuận một cách có cơ sở khoa học. - TS Nguyễn Ngọc Sinh</i>

Tiến sĩ Nguyễn Tác An, một trong ba nhà khoa học bị mạo danh, cho biết cần phải cân nhắc trên giá trị môi trường, kinh tế, xã hội để chọn lựa một quyết định đúng.

“Vì khai thác đường thuỷ, giao thông thuỷ thì phải nạo vét. Nạo vét thì phải có bùn cát dôi ra, bùn cátdtôi ra thì ta phải có cách xử lý. Thế giới đều đã làm và rất có kết quả. Bây giờ ta cân nhắc tất cả chứ không cứ gì phải thải hết ra biển.

Cái thứ hai, vùng biển ở Bình Thuận là vùng biển nước trồi, nó là hệ sinh thái rất đặc biệt của Việt Nam, mà tôi nghĩ có thể là của cả Đông Nam Á. Nó có nhiều tính đa dạng sinh học, nó có những dạng động lực và có những quá trình hải dương học rất quí.

Và thực tế ở vùng Bình Thuận là ngư trường tốt của Việt Nam.

Trên cơ sở ấy thì ta nên tránh xa vùng này ra.”

Đó cũng chính là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ với chúng tôi. Ông đánh giá tổng thể vấn đề dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế chung của xã hội cùng với ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của người dân ngày một nâng cao. Điều này cũng dẫn đến sự tranh chấp về khả năng sử dụng tài nguyên đó cho mục đích nào ngày càng trở nên phức tạp hơn.

“Cho nên nó đòi hỏi cần phải cân đối rất kỹ lưỡng về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Nếu đứng riêng một góc độ nào đó thì cũng có những cái lý nhất định, nhưng khi tổng hợp lại thành 1 dự án chung thì cần phải xem xét đến phát triển bền vững, là kinh tế, xã hội và môi trường thì mới có thể tìm được sự đồng thuận một cách có cơ sở khoa học.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tác An, khoa học là sự tranh luận, và nhà nước đảm nhiệm công tác quản lý. Chính vì vậy, ông hy vọng với quyết định mời Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội tham gia khảo sát dự án nhận chìm lần này, sẽ tìm ra được “sự đồng thuận trên cơ sở khoa học” theo cách nói của TS Nguyễn Ngọc Sinh.