Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Doanh nghiệp xã hội (phần 2)

Đối với nền kinh tế có sức tăng trưởng đáng kể như Việt Nam, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” và “Doanh nghiệp xã hội” là hai vấn đề thiết thân hầu có thể duy trì sự phát triển bền vững.

0:00 / 0:00

Khái niệm về Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp đã được giáo sư Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo, Giáo Dục Và Tư Vấn Stellar Management ở Việt Nam, trình bày trong bài trước.

Đóng góp cho môi trường

Hôm nay ông Hà Tôn Vinh giải thích tiếp về Doanh Nghiệp Xã Hội, một vai trò quan trọng mà các doanh nghiệp trong nước phải thực hiện vào khi Việt Nam mong muốn bắt kịp đà tiến triển của cộng đồng kinh tế thế giới:

GS Hà Tôn Vinh: Doanh Nghiệp Xã Hội, trước đây như chúng ta vừa nói là phải đóng thuế hay đóng góp cho chính phủ. Nhưng mà đến giai đoạn thứ hai là doanh nghiệp không làm hại môi trường mà phải đóng góp cho môi trường. Giai đoạn thứ ba là doanh nghiệp cần phải đưa những kinh nghiệm của mình, những người lãnh đạo những người quản lý doanh nghiệp cần đưa những kinh nghiệm trong doanh nghiệp của mình để đóng góp cho xã hội.

Một cái khái niệm nữa là Social Entrepreneurship, làm doanh nghiệp không chỉ để phục vụ cho cái gọi là lợi nhuận mà còn phục vụ cho xã hội.

GS Hà Tôn Vinh.

Lấy thí dụ những người đã thành công trong vấn đề quản lý doanh nghiệp quản lý các công ty. Bây giờ họ có thể nghỉ một năm, có thể nghỉ ngắn hạn hay dài hạn, và họ tham gia làm việc xã hội hay là thiện nguyện hay tình nguyện cho các tổ chức xã hội, để xây dựng những tổ chức xã hội đó vững mạnh hơn. Đó là sự đóng góp.

Hay là lãnh đạo các công ty có thể một năm tài trợ cho một số nhân viên, trả lương để những nhân viên đó hay những người quản lý đó làm cho các đại học hay cho các công ty, để giúp các đại học đó phát triển nhiều hơn, hiểu vấn đề xã hội nhiều hơn, hiểu vấn đề doanh nghiệp nhiều hơn. Hay là làm cho các tổ chức từ thiện.

Một cái khái niệm nữa là Social Entrepreneurship, làm doanh nghiệp không chỉ để phục vụ cho cái gọi là lợi nhuận mà còn phục vụ cho xã hội. Tức là không những làm cho công ty tốt đẹp hơn, có lợi nhuận nhiều hơn, nhưng còn làm sao cho môi trường sinh sống của chúng ta, môi trường sinh thái của chúng ta tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn, ít tiếng động hơn, ít ồn ào hơn. Và còn đóng góp cho văn hóa, cho giáo dục, ngay cả vấn đề bảo vệ những di tích lịch sử hay tôn giáo.

Thanh Trúc: Thưa ông, tất cả những điều ông vừa trình bày thì đối với những xã hội tiên tiến như Hoa Kỳ hoặc các nước trong khối EU, đều có áp dụng và thấy được hiệu quả của nó. Thiết tưởng Việt Nam cũng cần phải theo trong giai đoạn gọi là hội nhập, thì ông thấy Việt Nam đã theo được đến mức nào hay vẫn còn trong khái niệm chứ chưa được thực hiện?

GS Hà Tôn Vinh: Thực sự là bây giờ các doanh nghiệp đều muốn phát triển và phát triển bền vững. Vậy thì áp dụng những nguyên tắc qui chuẩn về CSR (Corporate Social Responsibility, Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp) hay là về Social Entrepreneurship hay trở thành những Social Enterprise là Doanh Nghiệp Xã Hội, thì làm cho uy tín của doanh nghiệp tăng lên. Mà khi uy tín của doanh nghiệp tăng lên, thương hiệu của doanh nghiệp tăng lên, thì có nghĩa là doanh nghiệp sẽ được lợi.

Đây không phải là cái lợi một chiều từ doanh nghiệp đến cho cộng đồng. Không phải chỉ doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng theo nghĩa đó. Nhưng vì đóng góp cho cộng đồng mà uy tín của doanh nghiệp tăng lên và chính vì thế doanh nghiệp được hưởng lợi.

Các công ty ở nhiều nước tiên tiến đóng góp rất nhiều cho xã hội, từ tiền bạc, từ bảo vệ môi trường đến đóng góp cho người lao động, đóng góp cho vấn đề nhân quyền trong lao động và đóng góp ngay cả những vấn đề giao dục cho xã hội. Chính vì thế những người gọi là consumers, những người tiêu dùng, họ chấp nhận họ tin tưởng những công ty đó thực sự đóng góp. Chính vì thế họ mua hay là họ làm cho những công ty như vậy được phát triển bền vững và phát triển rất lớn.

Thủ tướng Ấn Độ (phải), Bill và Melinda Gate tại New Delhi trong một lần tài trợ vắc xin cho trẻ em. AFP PHOTO.
Thủ tướng Ấn Độ (phải), Bill và Melinda Gate tại New Delhi trong một lần tài trợ vắc xin cho trẻ em. AFP PHOTO.

Tăng uy tín thương hiệu

Thanh Trúc: Khi mà nói về Doanh Nghiệp Xã Hội thì trên thế giới có biết bao nhiêu công ty lớn đã thực hiện được vai trò Doanh Nghiệp Xã Hội thí dụ công ty Microsoft của ông Bill Gates chẳng hạn, hay những đại công ty những đại tổ hợp Coca Cola, Pepsi, IBM, Ford…

GS Hà Tôn Vinh: Bây giờ nói tới những tập đoàn lớn của nước ngoài như Ford, IBM rồi GM (Genaral Motors) hay Toyota hay Coca…Tất cả những công ty đã thành công là vì được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Tại sao họ được ủng hộ? Không những là những doanh nghiệp đó có sản phẩm tốt, có chất lượng tốt, giá cả phải chăng, mà người dân thấy rằng những công ty đó thực sự có đóng góp lại cho xã hội. Thí dụ hãng Ford bao nhiêu năm nay đã lập ra Ford Foundation, một quĩ Ford hỗ trợ cho vấn đề bảo tồn văn hóa, hỗ trợ cho vấn đề bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho sinh viên.

Hay như ông Bill Gates và bà vợ, lập ra Bill and Melinda Gates Foundation, lo vấn đề HIV/AIDS tại các nước Châu Phi, đại khái như thế.

Doanh nghiệp nên tổ chức những quĩ xã hội, những quĩ cộng đồng, những quĩ giáo dục hay văn hóa để vừa đóng góp cho xã hội vừa có thể cách nào đó tăng uy tín tăng thương hiệu.

GS Hà Tôn Vinh.

Thì ở Việt Nam bây giờ chúng tôi nhận thấy đã bắt đầu có khà nhiều tập đoàn. Ngoài chuyện đóng thuế cho chính phủ, họ đã tổ chức xóa đói giảm nghèo bằng cách là trong những trường hợp có lũ lụt thì họ đóng góp họ gây quĩ. Rồi họ đóng góp trong những chương trình hỗ trợ những người có công với đất nước, hay là hỗ trợ những bản những thôn của người dân tộc hay những chương trình về văn hóa về giáo dục, chương trình dành cho sinh viên nghèo. Tất cả những cái đó là những bước tiến để khẳng định rằng họ muốn trở thành một yếu tố một thành tố của xã hội. Chính vì thế họ được xã hội nhìn nhận bằng cách tiếp tục mua tiếp tục ủng hộ.

Chính vì thế chúng tôi nghĩ rằng sau này, dần tới, các doanh nghiệp nên tổ chức những quĩ xã hội, những quĩ cộng đồng, những quĩ giáo dục hay văn hóa để vừa đóng góp cho xã hội vừa có thể cách nào đó tăng uy tín tăng thương hiệu của mình lên.

Cty TNHH Nhựt Thành Tân tặng nhà tình nghĩa cho người nghèo ở Tiền Giang. Photo courtesy of Cty Nhựt Thành Tân.
Cty TNHH Nhựt Thành Tân tặng nhà tình nghĩa cho người nghèo ở Tiền Giang. Photo courtesy of Cty Nhựt Thành Tân.

Thanh Trúc: Có một câu hỏi là những tổ hợp sản xuất thuốc lá uy tín trên thế giới như Philip Morris, 555 hay Dunhil chẳng hạn, thưa họ có đóng được cái vai trò Doanh Nghiệp Xã Hội hay không?

GS Hà Tôn Vinh: Trong bao nhiêu năm, gần như cả một trăm năm nay, những công ty thuốc lá đã sản xuất nhiều và tạo nên một số rất đông những người lệ thuộc vào thuốc lá, lệ thuộc vào vấn đề hút hay nghiện hút. Họ làm thiệt hại cho các quĩ xã hội rất nhiều, bệnh viện hay là ngân sách nhà nước rồi môi trường.

Gần đây chúng ta thấy là ngoài chuyện chính phủ các nước chế tài họ, không cho họ được bán thuốc là đại trà như trước, không được quảng cáo như trước và cũng cấm những người hút thuốc lá không được hút ở những nơi mà có những người khác, phải ra ngoài hút hoặc là không hút.

Ngoài ra thì các công ty đó cũng bắt đầu đóng góp cho xã hội bằng những chương trình để cho nhiều người biết rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Điểm thứ hai là họ cũng đóng góp vào những quĩ phòng chống hút thuốc hay đề phòng trẻ em phụ nữ không nên hút thuốc lá. Đó là một phần thôi, nhưng mà cái tai hại của thuốc lá rất ư là lớn và vẫn là có những dấu ấn rất tiêu cực trong xã hội.

Tôi nghĩ là đến một lúc nào đó thì chính phủ các nước, có thể nhất là Việt Nam, cũng nên dần dần chuyển đổi các công ty thuốc lá thành những hoạt động xã hội khác và đưa thuốc lá hoàn toàn ra khỏi vấn đề kinh tế buôn bán thuốc lá ở trong nước.

Thanh Trúc: Tóm lại Doanh Nghiệp Xã Hội cũng là một vấn đề cấp thiết đối với đất nước Việt Nam, đối với các doanh nghiệp Việt Nam?

GS Hà Tôn Vinh: Vâng, hoạt động xã hội của doanh nghiệp là vấn đề thiết thân với doanh nghiệp và xã hội nữa. Ngày xưa nói đóng thuế là đủ bây giờ không đủ. Làm hại không làm hại môi trường cũng không đủ mà phải đóng góp cho môi trường. Môi trường đây đừng nghĩ rằng chỉ là song ngòi hay không khí mà là tất cả những gì liên hệ đến cuộc sống. Môi trường sinh thái thì đúng hơn. Đó là người lao động, trẻ em, rồi không dùng những chất độc hại để trồng cà phê, không lạm dụng trẻ em để mà làm rẻ, giả dụ như vậy.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn những lời giải thích của ông.

Theo dòng thời sự: