Việt Nam không thể “chặn” mạng xã hội phát triển

Mặc dù mạng xã hội Facebook đã bị chặn tại Việt Nam nhưng điều đó không ngăn chặn được sự bùng nổ của các hội, nhóm mới được thành lập thời gian gần đây trong giới thanh niên Việt Nam.

0:00 / 0:00

Điểm hẹn “nóng”

Thế giới hội nhóm đã phản ánh những suy nghĩ, lối sống, sở thích và quan niệm của giới trẻ Việt Nam ngày nay. Chỉ trong một thời gian rất ngắn tiếp cận thị trường Việt Nam, mạng xã hội Facebook đã trở thành điểm hẹn “nóng” trên mạng của đủ mọi tầng lớp thanh thiếu niên ở mọi nghề nghiệp, lứa tuổi. Con số 40.000 người sử dụng vào cuối năm 2008 đã tăng lên gấp 10 lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Thế nhưng, trang mạng đang có nhiều triển vọng này đã vấp phải một trở lực lớn từ phía chính quyền Việt Nam. Facebook chính thức bị chặn vào cuối năm ngoái vì khả năng thông tin vượt trội của nó. Mặc dù vậy, cộng đồng mạng Facebook ngay lập tức đã tìm được nhiều cách “leo” qua bức tường lửa một cách dễ dàng. Facebook vẫn là trang mạng được yêu thích và là công cụ giao tiếp không thể thiếu của rất nhiều thanh thiếu niên. Số người sử dụng Facebook ngày càng đông và lớn mạnh kéo theo nhu cầu lập hội, nhóm trên trang mạng ngày càng nhiều.

Để giải tỏa tâm trạng cô đơn và cô độc, các em phải tìm đến bạn bè có chung một điểm gì đó để tâm sự, chia sẻ cho nhau, thế là họ gặp nhau.

TS Võ Văn Nam

Một trong những nguyên nhân ban đầu của các hội trên Facebook là do nhu cầu tập hợp tiếng nói của những người có cùng quan điểm đối với các chính sách, cơ chế, thay đổi trong xã hội. Hội “Phản đối ban hành quy chế quản lý du học sinh”, là một ví dụ. Với mục tiêu ban đầu là 1.000 thành viên, hội đã vượt chỉ tiêu trong vòng vài tuần lễ. Tất cả những bức xúc của du học sinh được dịp “xả” trên trang mạng. Tuy không được công bố chính thức, nhưng những ảnh hưởng của hội “phản đối ban hành quy chế quản lý du học sinh” cùng với một số phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ tạo ra những thay đổi liên quan đến dự thảo.

Cho đến nay, phong trào lập hội trên Facebook đã bước vào giai đoạn nở rộ, mở ra một bức tranh đa sắc về thế giới của người trẻ. Ở đó, tất nhiên có cả mảng sáng và mảng tối.

Rất nhiều nhóm tình nguyện, công tác xã hội mới ra đời, những nhóm đã có trước cũng tranh thủ chiêu nạp người bằng cách lập hội trên Facebook. Được biết đến nhiều có thể kể đến các hội nhóm như “Nhóm Change”, “Vì một Việt Nam xanh – hãy chung tay hành động”, “Ngàn hạc giấy”, “Hà Nội xanh”…

Hiệu quả của mạng xã hội. Photo courtesy of Wikipedia.
Hiệu quả của mạng xã hội. Photo courtesy of Wikipedia.

Ngoài những hội nhóm với mục đích từ thiện, trên Facebook còn có sự xuất hiện của các hội nhóm đối kháng về chính trị, quan điểm, ý thức hệ, bên cạnh một số hội nhằm phản ánh một vấn đề, một sự kiện được nhiều người quan tâm, như “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Hội ghét FPT”, “Hội những người hoảng hốt vì diễn viên – ca sĩ – người mẫu – nhà văn Lê Kiều Như”…

Tuy nhiên, chiếm ưu thế hiện nay lại là một xu hướng lập hội mới mà theo nhận xét của Hiền, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, thì:

Nhiều hội nhảm nhí lắm chị. Ví dụ như em thấy hội “Những sự kiện văn hóa Hà Nội” rất ít người join nhưng những hội như “Lập ra trại để làm gì?” hay là “Hội thích ngủ muộn buổi sáng”… thì bao nhiêu người hưởng ứng. Em cũng chẳng hiểu để làm gì nữa?

Cùng sở thích

Nếu lướt một vòng Facebook, người sử dụng sẽ dễ dàng nhận thấy một đặc điểm là các hội càng lạ, càng kỳ cục, càng khác người, càng nhảm nhí bao nhiêu thì số hội viên càng đông bấy nhiêu, chẳng hạn như “Hội làm biếng” có đến 5.412 thành viên, “Hội những người đẹp trai và xinh gái mà chẳng hiểu sao không có người yêu” có 1.195 hội viên. Thậm chí, ngay cả những hội như “Hội những bạn trẻ hâm mỗi khi trời bị các kiểu” cũng tập hợp được hơn 300 thành viên, “Hội những người muốn chết nhưng không đủ can đảm tự vẫn” có gần 200 thành viên.

Sinh viên Minh Tâm, một trong những thành viên ban quản trị của một hội nhóm trên Facebook, cho rằng các hội được thành lập bắt nguồn từ sở thích của giới trẻ và sở thích ấy có muôn hình vạn trạng. Tâm nói:

Có những người có sở thích rất quái dị nhưng đôi khi họ tìm cũng tìm được vài trăm người. Họ tìm kiếm những người có cùng sở thích với mình, họ lập ra những hội để bàn về những sở thích đó. Đôi khi những sở thích đó đối với người khác thì rất quái dị nhưng đối với họ thì rất hay chẳng hạn.

Những người có cùng sở thích, họ lập ra những hội để bàn về những sở thích đó. Đôi khi những sở thích đó đối với người khác thì rất quái dị nhưng đối với họ thì rất hay.

SV Minh Tâm

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của một chuyên viên tâm lý, TS Võ Văn Nam, giảng viên tâm lý, nhận xét:

Theo tôi, do tâm trạng của giới trẻ hiện nay cảm thấy cô đơn và cô độc, không có người chia sẻ với mình. Cho nên, để giải tỏa tâm trạng cô đơn và cô độc, các em phải tìm đến bạn bè có chung một điểm gì đó để tâm sự, chia sẻ cho nhau. Thế là họ gặp nhau để chia sẻ dù chỉ là một vài điểm chung nhỏ nhặt. Do đó, nó cũng có mặt tiêu cực bên cạnh mặt tích cực. Mặt tích cực đó là giải tỏa tâm trạng, để hết cô đơn, để hết cô độc. Nhưng mà mặt tiêu cực là có những hội đúng là “nhảm nhí”, tức là chung một sở thích, thị hiếu nào đó, mà nó chẳng phải là nét tâm lý để hướng con người về chân thiện mỹ, để làm cho con người hoàn thiện, tốt đẹp hơn, mà chỉ là để giải trí thôi. Thậm chí, (mục đích) là để giải tỏa tâm trạng mà cuối cùng chẳng giải tỏa được gì hết bởi vì điểm chung đó không phải là điểm bản chất trong nhân cách của con người. Cho nên cuối cùng thì họ cũng rơi vào cô đơn, cô độc. Càng cô đơn, cô độc thì họ lại càng đi tìm những người bạn khác, những nhóm khác để gia nhập. Thế là hết hội này đến hội nọ cứ xảy ra như nấm gặp mưa nhưng mà mục tiêu giải tỏa tâm trạng thì vẫn không đạt được. Đó là bi kịch của giới trẻ hiện nay.

Có lẽ, chính vòng lẩn quẩn và sự bế tắc về một lý tưởng sống của một bộ phận giới trẻ đã tạo ra sự hỗn tạp của thế giới hội nhóm trên trang mạng Facebook. Âu cũng là hình ảnh thu nhỏ của một thế giới lớn hơn ở bên ngoài xã hội.

Theo dòng thời sự: