Nhã Trân phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh, Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ và cũng là một nhà luật học về công pháp quốc tế, để ghi quan điểm của tổ chức này về giải pháp cho Việt Nam đối với vấn đề này, chiếu theo công pháp quốc tế và Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Văn thư hành chánh
Được hỏi công pháp quốc tế hay Luật Biển của LHQ nhận định ra sao về các hành động của Trung Quốc trong khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong cả chục năm nay như tấn công và giết hại binh sĩ và ngư dân Việt Nam ngay trong lãnh hải của họ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh trả lời:
TS Nguyễn Văn Canh : Hành vi của Trung Quốc khi làm như vậy là xâm lăng lãnh thổ của một quốc gia khác thì luật biển quốc tế cũng như nguyên tắc chung của luật pháp không bao giờ cho phép, không bao giờ chấp nhận hành vi xâm lăng như vậy.
Hành vi của Trung Quốc khi làm như vậy là xâm lăng lãnh thổ của một quốc gia khác thì luật biển quốc tế cũng như nguyên tắc chung của luật pháp không bao giờ cho phép
TS Nguyễn Văn Canh
Nhã Trân: Thưa Tiến Sĩ, cũng chiếu theo công pháp quốc tế hay Luật Biển của LHQ, công hàm của ông Phạm Văn Đồng đưa ra hồi năm 1958 ủng hộ tuyên bố của Trung Hoa lúc đó về chủ quyền lãnh hải của họ trong phạm vi 12 hải lý bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thì công hàm này có giá trị và hiệu lực pháp lý hay không?
TS Nguyễn Văn Canh : Cái văn thư của ông Phạm Văn Đồng chỉ công nhận 12 hải lý mà nhà cầm quyền của Trung Hoa lúc đó tuyên bố (thì) không có giá trị pháp lý. Cái công hàm của một thủ tướng chính phủ, tức của hành pháp, chỉ là một cái văn thư hành chánh trong lãnh vực ngoại giao, còn vấn đề chuyển nhượng lãnh thổ thì hiến pháp của các quốc gia quy định rằng phải có hiệp ước quy định vấn đề đó. Hay nói khác là quốc hội quyết định vấn đề đó, mà quốc hội là phản ánh cái ý chí của toàn dân khi mà chuyển nhượng lãnh thổ.
Còn văn thư hành chánh đây không có giá trị pháp lý; hành pháp không có thẩm quyền làm cái công việc này. Vã lại, điều quan trọng là khi mà Chu Ân Lai tuyên bố 12 hải lý đó, ông ta đã nhận vơ cái chủ quyền của một quốc gia khác trên một hải đảo như Hoàng Sa và Trường Sa vì tự nhiên ông ta ra một bản tuyên bố bảo là "Trưòng Sa và Hoàng Sa là của Trung Hoa" thì như vậy ông Phạm Văn Đồng có gửi cái văn thư sang để mà xác chuyện đó thì cái tuyên bố của Chu Ân Lai đã bất hợp pháp rồi thì hành vi của Phạm Văn Đồng cũng bất hợp pháp luôn.
Nhã Trân: Thưa, Tiến Sĩ vừa nói rằng hành vi của cả hai người này đều là bất hợp pháp?
TS Nguyễn Văn Canh : Vâng. Đều là bất hợp pháp! Cái bản tuyên bố của Chu Ân Lai đã bất hợp pháp rồi thì cái hành vi của ông Phạm Văn Đồng nhìn nhận cái tuyên bố bất hợp pháp đó cuối cùng cũng là bất hợp pháp, cuối cùng chẳng có giá trị gì cả. Đó là một cái nguyên tắc chung của luật pháp và ngay cả Luật Biển LHQ cũng chấp nhận như vậy.
Cái bản tuyên bố của Chu Ân Lai đã bất hợp pháp rồi thì cái hành vi của ông Phạm Văn Đồng nhìn nhận cái tuyên bố bất hợp pháp đó cuối cùng cũng là bất hợp pháp, cuối cùng chẳng có giá trị gì cả.
TS Nguyễn Văn Canh
Nhân nhượng để được viện trợ
Nhã Trân: Thưa, theo Tiến Sĩ thì động lực nào giải thích cho việc cựu thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hồi năm 1958 tán thành tuyên bố chủ quyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa trên phần biển bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong khi hai quần đảo này chính thức thuộc quyền quản trị, kiểm sóat của Miền Nam và các chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã luôn mạnh mẽ khẳng định chủ quyền đó kể từ sau khi ký Hiệp Định Genevè 1954?
TS Nguyễn Văn Canh : Đây là một việc như là hành trình của tờ Far Eastern Economic Review nói Năm 1979 rằng ông Phạm Văn Đồng đã bán những cái gì mà ông ta không có, hay nói khác đi ông ta muốn lừa dối Trung Cộng để đổi lại Trung Cộng hỗ trợ, viện trợ cho nhà cầm quyền Hà Nội mang quân xâm chiếm Miền Nam.
Nhưng mà chẳng may khi mà nhà cầm quyền Hà Nội chiếm được Miền Nam thì lúc này lại trở thành ra một vấn đề lớn. Trung Cộng bây giờ mang tất cả sức mạnh của họ ra, họ dòi hỏi phải thực thi cái lời tuyên bố đó. Đấy là nguyên do thành ra sự việc ngày hôm nay.
Nhã Trân: Công hàm của cựu thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cũng đã được Bắc Kinh sử dụng làm hậu thuẫn cho những hành vi xâm lấn chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy thì về yêu cầu pháp lý, trong hoàn cảnh này Việt Nam phải làm những gì để vô hiệu hoá giá trị của công hàm đó và để tái khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
TS Nguyễn Văn Canh : Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải làm nhiều việc. Thứ nhất là lên tiếng công khai và long trọng bác bỏ những đòi hỏi của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, tức là Trung Quốc.
Thứ hai nữa là đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải huỷ bỏ cái đạo luật 1992 về việc hành sử chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc họ nói rằng nếu mà ai đi qua những vùng biển đó, tức là những người làm về khoa học, người nghiên cứu về địa chấn cũng như là tàu quân sự đi qua, đều phải xin phép nhà cầm quyền Bắc Kinh, dựa trên cái tuyên bố của Phạm Văn Đồng đó. Thành ra bây giờ phải yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh huỷ bỏ cái đó.
Điểm thứ ba là cũng phải đòi hỏi Trung Quốc phá huỷ tất cả các kiến trúc quân sự trên đảo Hoàng Sa và vùng Trường Sa.
Tòa án quốc tế can thiệp?
Nhã Trân:
Thưa, trong những năm gần đây có nhiều bằng chứng cho thấy trở thành bá chủ Biển Đông là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc. Như vậy các đòi hỏi này liệu có hy vọng gì không? Đặt trường hợp Bắc Kinh làm ngơ trước những yêu cầu này thì Hà Nội có thể đưa vấn đề ra Toà Án Quốc Tế không?
TS Nguyễn Văn Canh : Nếu nhà cầm quyền Trung Cộng không thực hiện những điều đó thì Việt Nam nhân danh một nước có chủ quyền, có độc lập, đưa vấn đề ra Toà Án Quốc Tế, vì quyền lợi bị xâm phạm. Tư nhân thì không có danh nghĩa để đưa vấn đề đó ra Toà Án Quốc Tế.
Nhà cầm quyền XHCN Việt Nam phải có nghĩa vụ đưa vấn đề đó ra Toà Án Quốc Tế. Cũng như trong mấy ngày nay chúng tôi có công bố Bạch Thư về Chủ Quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, và đòi hỏi quốc tế phải can thiệp. 192 thành viên của Liên Hiệp Quốc cũng như nhiều nguyên thủ quốc gia phải đứng ra để mà giải quyết vấn đề này để trả lại những phần đất mà nhà cầm quyền XHCN Việt Nam đã chuyển cho Đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Nhã Trân: Xưa nay đã có những trường hợp như thế này đưa ra trước Toà Án Quốc Tế hay chưa ạ?
nhà cầm quyền Việt Nam chuyển lãnh hải cho Trung Hoa, mặt khác thì để mặc cho Trung Hoa xâm lấn Biển Đông của mình. Đó là hành vi của một nhà cầm quyền bán nước
TS Nguyễn Văn Canh
TS Nguyễn Văn Canh : Giống như Việt Nam thì không có trường hợp nào cả. Trường hợp của Việt Nam thì hết sức đặc biệt là vì chính nhà cầm quyền Việt Nam chuyển lãnh hải cho Trung Hoa, mặt khác thì để mặc cho Trung Hoa xâm lấn Biển Đông của mình. Đó là hành vi của một nhà cầm quyền bán nước hơn là những quốc gia khác.
Nhã Trân: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh, Chủ Tịch Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ, về cuộc trao đổi ngày hôm nay.
TS Nguyễn Văn Canh : Đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Muốn giải thích toàn bộ cần phải nhiều chi tiết. Nếu trả lời ngắn thì không có đầy đủ. Tất cả chi tiết thì xin vào website của chúng tôi www.vietnamadvisory.org.
Nhã Trân : Vâng. Xin chào ông ạ.