Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Một bản tin đăng trên báo Thanh Niên ở trong nước nói rằng cho đến nay, khoảng 1000 bài hát được sáng tác trước năm 1975 được cho phép hát chính thức tại Việt Nam. Con số này chỉ vào khoảng 10 phần trăm trong số trên 10 ngàn bài được sáng tác từ năm 1945 đến 1975.

Điều đặc biệt, trong khi hàng loạt ca sĩ, nhạc sĩ từ nước ngoài về trong nước trình diễn, thì các hãng sản xuất băng đĩa nhạc lại gặp khó khăn trong việc xin giấy phép sử dụng các ca khúc này cho mục đích thương mại.
Hãng sản xuất gặp khó khăn, còn người dân thường muốn nghe thì sao? Thiện Giao có bài tường thuật sau đây, kèm theo một số chi tiết về sinh hoạt âm nhạc trước năm 1975 tại miền Nam.
Chỉ 1/10 được phép phát hành
Việt Nam trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 20 có 3 thời điểm đánh dấu lịch sử, đó là các năm 1945, 54 và 75. Và tính nhạy cảm về mặt chính trị của 3 thời điểm này cũng gây ra sự cấm cản về mặt âm nhạc từ năm 1975 kéo dài mãi đến nay.
Trong bài viết “Long Đong Ca Khúc Trước 1975” đăng trên báo Thanh Niên ngày 12 tháng Hai vừa qua, tác giả bài báo đặt vấn đề những khó khăn mà các nhà sản xuất trong nước gặp phải khi đi xin phép dùng những bài hát trước 1975 để phát hành.
Bài báo nói rằng, có khoản trên 10 ngàn bài hát được sáng tác trước 1975 trở ngược về thời điếm 1945, nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ mới có khoảng 1 ngàn bài được cấp giấy phép biểu diễn. Nói nôm na, cứ 10 được sáng tác thì hết 9 bài bị cấm.
Có được hay không được phép thì chuyện thụ hưởng âm nhạc không phải bây giờ mà đã diễn ra 20 năm nay trong một underground của cảm thụ văn hoá này. Người Việt Nam đã tự cho mình nghe những tác phẩm cũ mà không cần phải xin phép ai, vì họ nghe trong một nơi rất riêng, nghe ở nơi mà người đồng cảm của họ cùng hát, cùng thưởng thức.
Việc cấm nhạc liên quan đến 3 thành phần. Thứ nhất là các nghệ sĩ sáng tác. Thứ nhì là giới thưởng ngoạn. Và thứ ba là những nhà sản xuất, đóng vai trò gạch nối giữa nghệ sĩ và giới thưởng ngoạn.
Cả 3 thành phần này đều bị Bộ Văn Hoá Thông Tin ngăn cản quyền của mình. Vì Bộ Văn Hoá Thông Tin là cơ quan chủ quản của Phòng Quản Lý Biểu Diễn và Băng Đĩa Nhạc Sân Khấu thuộc Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn.
Hoạ sĩ Trịnh Cung, người cũng có một số tác phẩm thơ được phổ nhạc trước 1975 và hiện vẫn sống trong nước, nhận xét về tình trạng khó khăn của giới sản xuất băng đĩa tại Việt Nam:
“Bây giờ thì đã nghe được nhiều. Các phòng trà, các tụ điểm hát cho nhau nghe, người ta nghe và hát đủ loại nhạc của Sài Gòn cũ. Tuy nhiên, trên thị trường thì chưa được cho phép. Muốn cho phép thì phải đợi một chủ trương. Mà điều này thì gây khó khăn cho những nhà sản xuất băng đĩa nhạc.”
Những nhận định của ông Trịnh Cung phản ảnh được những khó khăn phức tạp mà các nhà sản xuất gặp phải.
Vấn đề phức tạp?
Bài báo đăng trên Thanh Niên trích lời ông Huỳnh Tiết, giám đốc Bến Thành Audio – Video, rằng "Hãng sản xuất băng đĩa xin Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn cấp phép ca khúc nào trước 1975 thì chỉ có đơn vị đó biết. Do đó, công ty khác muốn xin cấp phép ca khúc đã được duyệt phải lặp lại công đoạn này, rất mất thời gian."
Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng cũng có nhận định tương tự: "Vấn đề quản lý ca khúc trước 1975 cực kỳ phức tạp. Có những đơn vị xin trực tiếp Cục Nghệ Thuật biểu diễn, khi được phép rồi, Cục lại không thông báo hoặc thông báo trễ đến Sở Văn Hoá Thông Tin nên các công ty băng đĩa gặp trở ngại vì không được Sở Văn Hoá Thông Tin cấp phép."
Việc cấm sử dụng các nhạc phẩm trước năm 1975 khiến người ta nhớ lại cách đây 3 năm, cơ quan chức năng Việt Nam đã điều tra một nhà sản xuất trong nước chỉ vì trên một CD của hãng này có một bài hát rất nổi tiếng, không hề dính dáng đến chính trị. Đó là bài “Bang Bang”.
Việc cấm sử dụng các nhạc phẩm được sáng tác trước 1975, xét trong một khía cạnh nào đó, lại không có hiệu quả. Lý do là lệnh cấm ấy chỉ có tác dụng trực tiếp lên nhà sản xuất, còn người dân thì vẫn nghe ở nơi riêng tư, ở nhà, ở quán cà phê, hoặc ngay cả những tụ điểm hát cho nhau nghe.

“Nhưng mà họ có được hay không được phép thì chuyện thụ hưởng âm nhạc không phải bây giờ mà đã diễn ra 20 năm nay trong một underground của cảm thụ văn hoá này. Người Việt Nam đã tự cho mình nghe những tác phẩm cũ mà không cần phải xin phép ai, vì họ nghe trong một nơi rất riêng, nghe ở nơi mà người đồng cảm của họ cùng hát, cùng thưởng thức.”
Giới yêu nhạc với các sáng tác trước 1975
Vài năm sau 1975, ngay tại Sài Gòn, người yêu nhạc sáng tác trước 1975 vẫn có thể mua nhạc, nhưng là mua lén, từ những người bán trên lề đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi.
Cách mua bán được thực hiện như sau: người mua cầm theo danh sách các bản nhạc mình yêu cầu, người bán nhận danh sách ấy và phải 3 ngày sau, hai bên mới gặp nhau lại ở một nơi khác nhận băng nhạc và thanh toán tiền.
Đúng như nhận xét của hoạ sĩ Trịnh Cung, việc cấm nhạc không có hiệu quả đối với người nghe. Có một bài hát rất hay, rất nổi tiếng nhưng lại mang một số phận bi đát một thời ít ai biết đến.
Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” trước khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở nên nổi tiếng trong Nam, đã bị cấm trên toàn miền Bắc. Một người đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn bài thơ ra đời kể rằng thi phẩm Màu Tím Hoa Sim nổi tiếng ngay từ lúc ra đời, và cũng bị cấm ngay sau đó.
Vì bị cấm, bộ đội thời ấy không đọc cho nhau nghe nhưng ghi lại trong những mảnh giấy nhỏ và giấu trong ba lô. Khi tử trận, đồng đội của họ phải soạn lại balô để gởi các kỷ vật về cho gia đình. Đến khi ấy, mới biết trong hành trang của mỗi bộ đội đều có bài thơ “Màu Tím Hoa Sim.”
Việc cấm nhạc khiến người ta nhớ lại sinh hoạt âm nhạc miền Nam trước 1975. Những ca khúc và những bài thơ có nguồn gốc từ miền Bắc đã được lưu hành rộng rãi tại miền Nam, thậm chí được các nhạc sĩ trong Nam phổ nhạc.
Bài thơ “Các Anh Đi” của một thi sĩ miền Bắc được Văn Phụng phổ nhạc. Bài thơ của Hữu Loan “Màu Tím Hoa Sim” do Phạm Duy soạn thành “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” đã nổi tiếng một thời và được người dân miền Nam ưa thích.
Đặc biệt, ca khúc “Đợi Anh Về Em Nhé,” thơ của Simonov, lời dịch của Tố Hữu, do Văn Chung phổ nhạc được ban hợp ca Thăng Long trình diễn nhiều năm.
Thậm chí, ca khúc “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn cũng được các ca sĩ Sài Gòn hát rất nhiều. Và nhạc sĩ Trần Hoàn chính là cựu bộ trưởng Bộ Văn Hoá Thông Tin, cơ quan có quyền ra lệnh cấm nhạc.
Bản tin của tờ Thanh Niên thống kê cho thấy năm 1989, 49 bài hát sáng tác trước 1945 được cho phép biểu diễn. Đến năm 1991, thêm 66 ca khúc trước 1975 được cho phép. Một năm sau, thêm 66 ca khúc nữa, rồi thêm 90 ca khúc nữa. Cho đến nay, sau nhiều đợt cho phép nhỏ giọt, tổng số 1 ngàn bài hát trước 1975 đã được cho phép.
Nói với báo Thanh Niên, ông Phạm Đình Thắng, trưởng phòng Quản Lý Biểu Diễn và Băng Đĩa Ca Nhạc Sân Khấu khẳng định bất cứ đơn vị nào thắc mắc có thể gọi đến số điện thoại của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn là 048437451 sẽ được giải đáp thoả đáng.
Chúng tôi gọi đến số điện ấy 3 lần. Ba lần đều không có người nhấc máy.