Father’s Day, ngày Lễ Cho Cha

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Hôm nay, 18 tháng Sáu 2006 là Father’s Day. Hằng năm, người Mỹ dành ra một ngày để ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha, đó là Chủ nhật thứ 3 trong tháng Sáu.

0:00 / 0:00
FatherSon150.jpg
Cha và Con vào ngày lễ đầu năm tại Nhật. AFP PHOTO

Ca khúc “Papa” Tuấn Ngọc đang trình bày lời Việt là “Cha yêu quí” nói đến hoàn cảnh “Gà trống nuôi con” tương tự như tình huống của một gia đình mà đã đưa tới việc chính phủ Hoa Kỳ công bố dành một ngày trong năm để vinh danh người Cha ...

Dịp Father’s Day, các ông bố, ông nội, ông ngoại (hay các vị mang vai trò người cha) được con cháu biếu quà. Thế nhưng quà cho đàn ông thì hơi khó.

Các ông hay diễu là năm nào cũng nhận cả đống cà-vạt và vớ, nếu không thì những thứ mang tiếng là “Quà” nhưng lại khiến phải làm lụng thêm, ví dụ như thùng quà, mở ra là bộ dụng cụ để sửa sang nhà cửa, vườn tược chẳng hạn … Thế các bạn đã tặng bố mình gì nào?

“Con viết bài thơ nhỏ để tưởng nhớ về Cha và những ngày xưa đó giờ đây đã quá xa

Thơ con sao đủ ý Nói hết lòng kính yêu Nhưng con đây thầm nghĩ Cha sẽ hiểu con nhiều …

Từ Cha, con được thấy Tình phụ tử linh thiêng Trường Sơn dài một dãy Tình Cha dài vô biên.”

( trích “Bài thơ gấu gởi Cha” của S.C. )

“Người cha” ca khúc quý vị đang nghe Thiên Kim hát …

Thy Nga có đọc được một bài viết, lột tả tình Cha dành cho con, đó là bài "Một bông hồng cho Cha" của nhà văn Võ Hồng. Dạy bảo cho con nên người, thương con tuy nhiên trong các xã hội Á đông, người đàn ông ít bày tỏ tình cảm với con cái. Thy Nga xin trích đoạn bài này để chia xẻ cùng quý thính giả. "Công cha như núi Thái Sơn …". Núi này nhất định là phải lớn lắm, và công cha cũng lớn như vậy. Tìm trong văn chương thì không thấy ghi lại nét cảm động về người cha mà chỉ phác qua một hình ảnh uy nghi nhưng xa cách, gợi sự tôn sùng.

Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, và bầy con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu biết bao nhiêu cực nhọc lo toan đối phó làm mệt mỏi gân cốt và trí óc cha. Về đến nhà tìm sự yên tĩnh, nhiều khi mang cái bực bội từ ngoài xã hội về theo. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy.

Cha thương con nhưng cuộc sống phân công, mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp càng gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ, hút nhựa nuôi hoa, nuôi trái. Thân vươn lên những nhánh cao, phủ trên đầu che mưa che nắng. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng, cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực.

Hãy chớ quên cái thời cha giúp mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót cho con. Khi con đầy tháng, cha châm hương đốt đèn, thành kính cầu xin Mụ Bà, và cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận.

Tới khi con tập đi. Tiếng reo vui, khuyến khích vang lên rộn ràng, trong đó có lẫn tiếng của cha. Tiếng cười làm rạng rỡ khuôn mặt với những nếp nhăn của cha.

Cha được phân công ngồi bón cho con những miếng cơm đầu tiên, cha phải la "Ùi ùi ! Coi kìa con chuột. Ăn mau chớ nó ăn hết" rồi thừa lúc con ngơ ngác đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng.

Từ ngày có con, cha thật là buồn cười! con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về mà chọn những câu thích hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó. Cha không dám cất giọng, sợ người khác nghe biết cha đang tràn trề niềm vui, no nê hạnh phúc.

Vả chăng, mặt con ngây ngô thế đó thì cha biểu diễn nghệ thuật để chi? cha phải ngây ngô theo. Quả là những giây phút hân hoan cực độ nhưng phải chợt dừng lại, phải che giấu hạnh phúc để tỏ rằng mình không tầm thường, cha tạo vẻ mặt nghiêm trang (dưới thời Nho giáo, người cha còn được gọi là “nghiêm đường”).

Xã hội ngày nay cởi mở hơn tuy nhiên, tình quấn quít cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ. Quá bậc tiểu học, con bắt đầu lớn thì cha chỉ đóng vai người cung cấp tiền cho con ăn học, may sắm; nguồn kinh nghiệm khôn dại để chỉ bảo khuyên răn. Tình cha thì phải suy nghĩ mới thấy, bởi mọi sự thương yêu chỉ hiện rõ khi mình còn nhỏ.”

“Người cha” …

“Con sắp lớn nghĩa là Cha sắp già Cha tiếp tục thịt da con sống mãi Mỗi một tiếng kêu nhẹ nhàng êm ái Cha tưởng đâu tiếng nói của thiên thần Ôi những cánh tay, ôi những bàn chân Cành với lá xum xuê tàng cổ thụ

Cha sẽ cỗi nhưng mầm non sẽ nhú Cuộc sống Cha nhân gấp đến bao nhiêu Rồi mai đây khi nắng sớm trăng chiều Con chắc lại làm thơ dâng vũ trụ Cha là trái, các con cha là nụ Cha trẻ hoài, Cha có biết già đâu …

Các con ơi … nắng mới vẫn tươi màu Đời hữu hạn mà hóa ra bất tận …”

( trích bài thơ “Hạnh phúc đơn sơ” của Hà Thượng Nhân )

Điệp khúc bài “Papa” của ngoại quốc cũng mang ý nghĩa tương tự

“Papa” …

Và trong âm thanh rộn rã của ca khúc “Cha và con” do ban nhạc “Bức tường” trình bày, Thy Nga xin gởi đến những người cha khắp nơi lời chúc “Happy Father’s Day!”