Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, một vấn đề luôn được đặt ra trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Một mặt lên án Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, nhưng mặt khác, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ký các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa hai nước, ủng hộ việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới.
Câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề nhân quyền mà Hoa Kỳ vẫn yêu cầu Việt Nam cần phải có những cải thiện có thực sự đủ nặng để khiến Hoa Kỳ gây sức ép về thương mại lên Việt Nam hay không? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Thương mại và chính trị
Từng là kẻ thù trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, giờ đây, Việt nam và Hoa Kỳ đã trở thành những đối tác thương mại. Thế nhưng, trong lúc quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đang ngày càng phát triển, thì vẫn còn một khoảng tối cần được giải quyết, đó là vấn đề nhân quyền mà từ lâu phía Hoa Kỳ đã liên tục yêu cầu Việt nam phải có những cải thiện.
Đây là một quốc gia trẻ với 85 triệu người. Chỉ trong vòng vài năm kể từ khi ký kết hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, chúng tôi đã thấy con số thương mại tăng cao, từ 1 tỷ đô la năm 2001 lên đến 15 tỷ đô la vào năm ngoái.
Ô.Demetrios Marantis
Đánh giá về tiềm năng thương mại của hai nước sau khoảng thời gian 6 năm kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết hiệp định thương mại song phương, ông Demetrios Marantis, Phó Đại diện Thương mại Mỹ nói:
Demetrios Marantis: theo tôi thị trường Việt Nam là một cơ hội lớn cho Hoa Kỳ. Đây là một quốc gia trẻ với 85 triệu người. Chỉ trong vòng vài năm kể từ khi ký kết hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, chúng tôi đã thấy con số thương mại tăng cao, từ 1 tỷ đô la năm 2001 lên đến 15 tỷ đô la vào năm ngoái. Đây là một cơ hội lớn và còn tăng trưởng nữa. Và Hoa Kỳ rất mong được làm việc chặt chẽ với Việt nam hơn nữa.
Các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam ngày một nhiều để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Bà Virginia Foot, Chủ tịch Hội Kinh doanh Việt Mỹ cho biết:
Virginia Foote: Trong hơn 10 năm qua, Mỹ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực khác nhau và đã khá thành công tại đây. Theo số liệu của năm ngoái thì Việt Nam có khoảng 42 tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài được cam kết. Theo ước tính thì Mỹ đứng thứ tư hoặc 5 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Có nhiều lĩnh vực các công ty Mỹ quan tâm như sản xuất, chế tạo, dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, cũng trong suốt khoảng thời gian quan hệ hợp tác thương mại đầu tư hết sức tốt đẹp theo như đánh giá của quan chức hai nước, thì phía Hoa Kỳ vẫn lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền và kêu gọi phải có những cải thiện rõ rệt. Những kêu gọi này được thể hiện trên các báo cáo về nhân quyền, về tự do tôn giáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong hơn 10 năm qua, Mỹ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực khác nhau và đã khá thành công tại đây. Theo số liệu của năm ngoái thì Việt Nam có khoảng 42 tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài được cam kết.
Bà Virginia Foot
Thậm chí tháng 9 năm 2004, chính phủ Mỹ đã đặt Việt Nam vào danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt vì vấn đề tự do tôn giáo, còn gọi là danh sách CPC.
Quốc tế và Mỹ tạo sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền khi Việt Nam đàm phán để gia nhập tổ chức Thương mại thế giới. Sức ép này đã khiến Việt Nam phải nhượng bộ phần nào trong lĩnh vực nhân quyền. Năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, mở đường cho việc Việt Nam được nhận quy chế quan hệ thương mại vĩnh viễn với Hoa Kỳ năm 2007 và gia nhập vào WTO vào cùng năm.
Thế nhưng kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì tình hình nhân quyền của Việt nam lại xấu đi, gây quan ngại cho nhiều dân biểu tại quốc hội Mỹ. Dân biểu Loretta Sanchez cho biết:
Loretta Sanchez: tôi tin là kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, thì chính phủ Việt nam đã tiếp tục đàn áp những người tranh đấu cho tự do. Tôi tin là tình hình ở Việt Nam đã trở nên xấu hơn rất nhiều.
Một số các dân biểu ở Quốc Hội Mỹ liên tục kêu gọi chính phủ Hoa kỳ phải tạo sức ép thương mại lên Việt Nam để khiến Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Dân biểu Joseph Cao nói mặc dù ông không kêu gọi cắt bỏ hay giảm thương mại giữa hai nước nhưng phải có điều kiện tiên quyết đối với Việt Nam. Các dân biểu liên tục vận động chính phủ Mỹ phải đưa Việt Nam quay lại danh sách CPC. Mặc dù vậy, năm nay một lần nữa Hoa Kỳ đã không đặt Việt nam vào danh sách này trở lại. Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho rằng không có đủ bằng chứng để đưa Việt Nam vào danh sách này. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu là Mỹ không có lợi ích gì khi đặt Việt nam vào danh sách CPC.
Tôi tin là kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, thì chính phủ Việt nam đã tiếp tục đàn áp những người tranh đấu cho tự do. Tôi tin là tình hình ở Việt Nam đã trở nên xấu hơn rất nhiều.
Dân biểu Loretta Sanchez
Chính trị hóa vấn đề thương mại
Trong một chuyến thăm hồi tháng 10 năm nay sang Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm đã thúc giục phía Hoa Kỳ sớm trao cho Việt Nam Quy chế thuế quan phổ cập để một số các hàng hóa của Việt nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi.
Tuy nhiên, Phó đại diện Thương Mại Mỹ, ông Demetrios Marantis nói phía Mỹ vẫn chưa thể trao cho Việt Nam quy chế này vì những quan ngại về vấn đề bản quyền và quyền của người lao động.
Phía Việt nam cho rằng, việc Mỹ dùng dằng chưa chịu trao cho Việt nam quy chế này là vì các yếu tố chính trị hơn là chỉ vì 2 điều kiện vừa nêu. Tham tán Thương mại Việt nam tại Hoa Kỳ, ông Ngô Văn Thoan phát biểu:
Ngô Văn Thoan: Đối với Mỹ thì họ lại chính trị hóa nó ra. Họ cho ai hay cho nước nào đấy thì họ đặt điều kiện. Đặt điều kiện đối với một nước như Việt Nam là một sự rất vô lý. Vô lý ở chỗ là Việt nam là một nước đang phát triển, các nước khác thì người ta công nhận để Việt Nam hưởng GSP rồi, các nước phát triển gần như công nhận hết rồi, chỉ còn trừ Mỹ thôi.
Đối với Mỹ thì họ lại chính trị hóa nó ra. Họ cho ai hay cho nước nào đấy thì họ đặt điều kiện. Đặt điều kiện đối với một nước như Việt Nam là một sự rất vô lý. Vô lý ở chỗ là Việt nam là một nước đang phát triển, các nước khác thì người ta công nhận để Việt Nam hưởng GSP rồi
Ô. Ngô Văn Thoan
Nhận xét về vấn đề này, ông Lê Long, chuyên gia về Việt Nam, Giám đốc Trung tâm International Initiative for Global Study thuộc đại học Houston nói:
Long Lê: Về vấn đề GSP thì phía Việt Nam có lợi là chủ yếu và phía Mỹ biết vậy. Do đó nó mang tính chính trị ở đây. Có nhiều công ty Mỹ thì ủng hộ Việt nam vì họ cho rằng Việt nam đã hôi đủ điều kiện để nhận GSP. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền ông Obama có nghĩ rằng bằng cách trao quy chế này cho Việt Nam thì có khiến Việt Nam đổi mới hơn nữa hay không. Vì thế nó giống như là chính sách cây gậy và củ cà rốt.
Lúc này dường như là chỉ bằng cách đổi mới trong lĩnh vực quyền của người lao động không thôi thì chưa đủ để Việt Nam nhận được quy chế này. Việt nam còn cần phải chỉ cho Hoa Kỳ thấy là họ đang đi theo một hướng khác trong vấn đề quyền con người. Tôi cho rằng trừ khi Việt nam có những cải thiện rõ rệt về quyền con người trong thời gian ngắn thì Việt Nam sẽ không nhận được GSP, vì một khi Hoa kỳ đã đưa cho Việt Nam quy chế này, họ sẽ mất thứ để mặc cả với Việt Nam về nhân quyền.
Ông Long nói tiếp, rằng ngoài ra, Việt Nam cũng còn là một nước quan trọng trong chính sách địa chính trị của Hoa Kỳ tại khu vực để đối phó với Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh. Và điều này cộng với mối lợi thương mại mà các công ty Mỹ nhận được từ thị trường Việt Nam cũng là điều mà Mỹ phải cân nhắc, song song với việc yêu cầu Việt Nam phải cải thiện tình trạng quyền con người.