Phương Anh, phóng viên đài RFA
Ở Việt Nam ngày nay, song song với sự phát triển về kinh tế, hoàn cảnh xã hội cùng môi trường sống cũng thay đổi thật nhanh. Đặc biệt, hai nơi được coi là có sự biến chuyển nhiều nhất là Hà Nội và TPHCM. Những người dân từ những làng quê nghèo xa xôi càng ngày càng kéo về hai khu vực này để kiếm sống.

Cũng chính vì vậy, con số trẻ em lang thang trên đường phố ngày càng gia tăng. Mãi cho đến hiện nay, tình trạng này mới có chiều hướng giảm sút đôi chút. Tuy nhiên, hoàn cảnh sống của các em ngày càng bi đát hơn. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe những thông tin về tình trạng trẻ em lang thang trên đường phố ở Việt Nam.
Nhiều trường hợp khác nhau
Theo lời chị Dương Kim Hồng, tác giả đề án nghiên cứu Trẻ Em Trên Đường Phố Ở Việt Nam do trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân và Viện Nghiên Cứu Chính Sách Nhật Bản thực hiện vào năm ngoái thì:
“Trong báo cáo đã hoàn thành vào năm ngoái thì em đã nghiên cứu về các nguyên nhân trẻ em lang thang trên đường phố. Em nghĩ trẻ đường phố là trẻ lao động và kiếm sống ở trên đường phố, nó có thể sống cùng gia đình và không cùng gia đình, có rất nhiều trường hợp khác nhau. Nhưng mình chỉ định mghĩa chung như thế, nhưng có thể chia ra làm nhiều loại, tùy vào từng trường hợp.
Một là những trẻ em sống cùng gia đình hay không cùng gia đình, hai là trẻ em sống một mình, không có sự trợ giúp, có thể mắc một số bệnh của xã hội, nhóm thứ ba, là trẻ đường phố nhưng chỉ ở trong một quãng thời gian nhất định thôi. Thí dụ như ở nông thôn lên, khi vụ mùa đã hết, hay muà hè, các em nghỉ học, lên thành phố ra đường phố sống để kiếm thêm cho gia đình, dựa vào tiêu chí thời gian thay đổi và hoàn cảnh sống.”
Trước đây, mọi người thường hay gọi là trẻ bụi đời, nhưng em không nghĩ là như vậy bởi vì có rất nhiều em sống không như bụi đời, các em lao động, có thu nhập và có cuộc sống không quá sức thiếu thốn như bụi đời vì bụi đời là một nhóm rất khó giúp đỡ, gặp rất nhiều khó khăn…Đối tượng đó không nhiều.
Cũng theo lời chị Dương Kim Hồng, ngày nay, trẻ em lang thang đường phố không còn bị coi là "trẻ bụi đời" như trước đây nữa. Chị nói tiếp: "Trước đây, mọi người thường hay gọi là trẻ bụi đời, nhưng em không nghĩ là như vậy bởi vì có rất nhiều em sống không như bụi đời, các em lao động, có thu nhập và có cuộc sống không quá sức thiếu thốn như bụi đời vì bụi đời là một nhóm rất khó giúp đỡ, gặp rất nhiều khó khăn…Đối tượng đó không nhiều."
Khi hỏi thăm về số liệu trẻ em lang thang đường phố ở hai đô thị chính là Hà Nội và TPHCM, chị cho hay:
“Thực ra, cũng không có một cuộc điều tra chính thức nào để có thể biết được tổng số hiện nay có bao nhiêu em vì việc thống kê ấy rất khó. Ví dụ, thống kê trong vòng một tháng thì đầu tháng nó khác, cuối tháng nó khác, cho nên con số chỉ ước lượng được thôi.
Theo cuộc điều tra của em, thì ước lượng trong TPHCM thì khoảng 8000 em, Hà Nội có khoảng 2000 em, nhưng con số này dao động rất mạnh, tùy theo từng trường hợp. Thí dụ như Tết đến, hay những dịp quan trọng của gia đình thì số lượng các em trở về quê rất nhiều nên số trẻ em đường phố lại giảm đi nhiều. Đến thời gian hè, số trẻ em đường phố lại tăng.”
Kế mưu sinh
Về tuổi tác, theo tài liệu báo cáo của chị Dương Kim Hồng, thì đa số các em từ 12 đến 15 tuổi. Nguyên nhân là với lứa tuổi này, đa số đều có thể đi bán vé số, đánh giầy, bán hàng rong, v..v…Chị cũng cho biết về tình hình hiện nay:
“Chiều hướng không gia tăng vì theo số lượng trẻ hiện nay đang giảm sút, chỉ dao động lên xuống chứ không đột biến một tí nào cả và nguyên nhân chính vẫn là sự thu nhập chênh lệch giữa nông thôn và thành thị cho nên vẫn thu hút các em từ những khu vực kinh tế khó khăn ra thành phố để cải thiện thêm cho mình và cho gia đình.”
Phương Anh cũng liên lạc với chị Trần Thị Hằng, hiện đang làm việc cho tổ chức Công Giáo Mary Knoll, có trụ sở ở Hà Nội. Là người đã phụ trách chương trình giúp trẻ lang thang trên đường phố ở Hà Nội gần 15 năm qua, chị cũng cho biết:
“Tình hình trẻ tăng lên không đáng kể, tuy nhiên trẻ lang thang đường phố hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vì kế mưu sinh duy nhất của trẻ là bán hàng trên đường phố và khu vực Hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội, thí dụ như bán tranh ảnh cho người nước ngoài, nhưng hiện nay công an bắt rất nhiều, các em đi lang thang ngoài hồ hay đi bán tranh ảnh mà không có giấy tờ thì sẽ bị túm, và sau đó sẽ bị đưa lên một cái trại cách xa Hà Nội khoảng mấy chục cây.
Sau một thời gian có giấy tờ thì sẽ được ra, do vậy các em không có kế sinh nhai nữa, nên trẻ dạt đi các vùng quanh Hà Nội để kiếm ăn.”

Bị lạm dụng tình dục
Ngòai ra, chị cũng cho hay về hoàn cảnh vô cùng đáng thương của một số các em lang thang trên đường phố, nhất là tình trạng bị lạm dụng về tình dục. Chị nói: "Rất nhiều, tụi em cũng chứng kiến một số em gái bị bán sang Trung Quốc và thoát về, các em nghiện ma túy cũng nhiều, làm gái mại dâm tại đây cũng nhiều. Thời điểm này, các em nghiện ma tuý thì vẫn còn, nhưng bán dâm hay bị bắt đi thì không còn nhiều lắm. Điều kiện sống của các em thấp nhất trong các tầng lớp thấp trong xã hội. .."
Riêng với chị Trần Y Quân, hiện đang là tình nguyện viên ở Phòng Tư Vấn Gia Đình và Trẻ Em ở TPHCM, người cũng đang giúp cho các em trên đường phố Sàigòn, thì cho rằng:
“Hiện nay trẻ em trên đường phố cũng bão hoà rồi, tuị nó không còn đi một mình nữa mà đi theo gia đình từ những thôn xã nghèo, bị thiên tai, nên các em lên thành phố kiếm sống. Họ không sống ở vỉa hè, tuị nó cùng nhau mướn nhà để ở nhưng nơi tụi nó cư trú thì không tiện nghi, chật hẹp.. cái môi trường sống không được tốt.”
Về độ tuổi, trẻ em lang thang trên đường phố tại Sàigòn thì nhỏ hơn so với các em ở Hà Nội. Chị cho hay:
“Từ 6 tuổi đến 16 tuổi cũng có, 6 tuổi đã đi giúp cho mẹ bán vé số , càng bé nó càng kiếm tiền được nhiều hơn. Đêm thì ngủ ở các nhà trọ. Tụi nó bị lạm dụng về tinh thần, thể xác và tâm lý luôn.”
Cuộc sống lang thang
Trở lại với các em lang thang trên đường phố ở Hà Nội, hiện nay, được biết có một nhóm 3 phụ nữ, đã tình nguyện giúp đỡ các em từ 3 năm qua. Chị Hường, một trong 3 người đã kể với Phương Anh rằng:
Rất nhiều, tụi em cũng chứng kiến một số em gái bị bán sang Trung Quốc và thoát về, các em nghiện ma túy cũng nhiều, làm gái mại dâm tại đây cũng nhiều. Thời điểm này, các em nghiện ma tuý thì vẫn còn, nhưng bán dâm hay bị bắt đi thì không còn nhiều lắm. Điều kiện sống của các em thấp nhất trong các tầng lớp thấp trong xã hội.
“Tụi em đến những bờ sông, có những gia đình nghèo lắm, căng những túp lều trên thuyền rách nát. Những người này ở quê lên, nghèo lắm. Họ nhiều thành phần lắm. Các em lang thang trên đường phố thì chạy tới tụi em. Chúng em không có vật chất nên chỉ dùng tinh thần giúp các em. Em nào khó khăn quá thì tụi em chạy đi xin và cho các em.
Cuộc sống của các em đa số không có nghề nghiệp, lang thang đi đánh giầy, mai đây mốt đó, làm được tiền thì có ăn , không thì nhịn đói, rồi bị bắt vào trong trại vài tháng lại thả ra…cho nên cũng khổ.”
Vì sinh hoạt với trẻ em lang thang trên đường phố mỗi ngày, nên chị rất thấu hiểu tình cảnh vô cùng khổ cực của các em. Chị nói:
“Gia đình các em ở quê hết, đa số thì các em thì không còn cha mẹ. Các em về nhà thì anh em không đón nhận, nên nếu các em làm được đồng nào thì ăn, không thì lại chạy tới tụi em, hoặc khi bệnh tật, chúng em lại phải đi đưa bệnh viện. Các em nhỏ có gia đình thì cũng khổ lắm, ba mẹ toàn là đi lượm rác để sinh sống hàng ngày.
Sống ở bờ sông Hồng thì đa số là thất nghiệp. Họ ở trên những chiếc thuyền rất khổ, nhiều chiếc thuyền rách nát, con cái đi học lớp tình thương thì không có giấy tờ, rất khó khăn. Nhiều khi muốn làm giấy khai sinh để nhập lớp thì không có tiền. Họ đi lang thang bị bắt vô trại, đợt đầu thì 3 tháng, đợt sau thì 6 tháng, đợt sau nữa thì một năm, hết thời hạn họ lại thả ra…Cho nên các em lại trở lại môi trường ban đầu.”
Theo lời chị Hường, với các em nữ, hầu hết khi đến tuổi mười tám đôi mươi thì lại trở thành gái mại dâm để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Tình trạng trẻ em lang thanh ngày càng tăng chứ không giảm. Có em thì lại bị lạm dụng tình dục ngay từ thuở 12, 13. Đó là chưa kể những em bé trai cũng bị lạm dụng về tình dục nhất là với những người nước ngoài.
Biện pháp giúp đỡ
Ngoài ra, chị cũng cho biết, ngoài tổ chức Mary Knoll, thì hiện nay, không có một tổ chức nào giúp cho các em lang thang trên đường phố cả. Thỉnh thoảng, cũng có những sinh viên tình nguyện đến với các em một đôi lần mà thôi.
Vì nhóm chị không có tài chính, nên chủ yếu, chị Hường cùng hai chị em khác chỉ biết đi đến những nhà nào có quần áo cũ thải ra, xin đem về và giặt lại rồi phát cho các em. Đứng trước tình trạng vô cùng đáng thương của trẻ em lang thang trên đường phố như thế, chị Hường mơ ước:
Em chỉ muốn cho các em học được một nghề nào đó để trở thành một con người tốt, để khỏi bị lạm dụng tình dục, để cho các em có việc làm, chứ lang thang như thế rất tội. Nhưng các em muốn đi học một nghề cũng không ai giúp. Bắt buộc các em về quê làm giấy tờ, thì các em nói là về nhà làm giấy tờ cũng phải có tiền, thì làm sao mà làm được.…Nhiều khi thấy các em rơi vào hoàn cảnh thật tội mà mình bất lực…
“Em chỉ muốn cho các em học được một nghề nào đó để trở thành một con người tốt, để khỏi bị lạm dụng tình dục, để cho các em có việc làm, chứ lang thang như thế rất tội.
Nhưng các em muốn đi học một nghề cũng không ai giúp. Bắt buộc các em về quê làm giấy tờ, thì các em nói là về nhà làm giấy tờ cũng phải có tiền, thì làm sao mà làm được.…Nhiều khi thấy các em rơi vào hoàn cảnh thật tội mà mình bất lực…”
Với chị Trần Thu Hằng, nhân viên của tổ chức Mary Knoll, thì cho rằng: "Biện pháp tốt nhất theo tôi nghĩ là phối hợp các tổ chức phi chính phủ với nhà nước, vừa dậy nghề cho các em tại chỗ, vừa tạo việc làm cho các em tại chỗ."
Còn chị Dương Kim Hồng, hiện đang công tác tại Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam, thì phát biểu: "Nhà nước mình cũng làm rất nhiều như có các mái ấm tình thương, để đem các em về, có những chương trình giúp đỡ trẻ lang thang, để giúp tái hoà nhập với gia đình và cộng đồng, và những trẻ được đưa về gia đình thì cũng được nhận trợ giúp hàng tháng.
Bên Bộ LĐTBXH cũng đang có dự án rất lớn để giúp trẻ lang thang trên đường phố do EU tài trợ. Nhưng theo em, nếu để giúp đỡ được trẻ lang thang trên đường phố một cách hiệu quả nhất thì phải có sự phối hợp, không chỉ ở những cơ quan nhà nước mà còn ở các tổ chức phi chính phủ, các tư nhân, các nghiên cứu viên ở các tổ chức nghiên cứu. Mọi người phải cùng nhau và networking với nhau thì sự phối hợp sẽ rất hiệu quả, hơn là sự giúp đỡ đơn lẻ.”
Quí vị vừa nghe những thông tin về trẻ em lang thang trên đường phố. Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.