Nói chuyện với Bùi Minh Quốc

Nhà văn Hoàng Khởi Phong

Hơn ba chục năm trước đây trong chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam, những ngưòi lính có tên là Cao Xuân Huy, Phan Nhật Nam, Bảo Ninh, Bùi Minh Quốc cùng với hàng triệu người lính có tên họ là Lý, Trần, Lê, Nguyễn mang quân phục và võ khí của hai miền Nam, Bắc hăm hở lên đường ra mặt trận.

0:00 / 0:00
BuiMinhQuoc150.jpg
Nhà thơ Bùi Minh Quốc. Photo courtesy Thongluan.org

Do ảnh hưởng của các guồng máy tâm lý chiến của cả hai miền, chúng ta có thể tin một điều: Hầu như tòan bộ những người lính của chiến tranh Nam - Bắc khi tiến ra mặt trận, ai nấy đều vững tin vào lý tưởng của đạo quân mình.

Các tính danh Cao Xuân Huy, Phan Nhật Nam, Bảo Ninh, Bùi Minh Quốc sở dĩ được nêu lên trong bài phỏng vấn dành cho nhà thơ Bùi Minh Quốc lần này, vì bên cạnh tư cách người lính còn sống sót sau trận chiến, họ còn là những nhà văn nhà thơ lúc nào cũng suy nghĩ về tương lai của đất nước.

Hiện nay những ngưòi này tuy không còn mặc quân phục, không còn mang ba lô, súng đạn ở quanh người, nhưng ám ảnh của cuộc chiến chắc chắn là một gánh nặng sẽ đeo theo họ cho tới cuối đời.

Trong chiến tranh rất có thể Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy đã từng gặp gỡ Bảo Ninh, Bùi Minh Quốc trong tầm đạn. Phan Nhật Nam và Cao Xuân Huy đã từng bị thương, đổ máu hơn một lần trong khi bảo vệ phần đất miền Nam của mình, thì ở miền Bắc có lẽ Bảo Ninh đã từng vuốt mắt cho nhiều đồng đội.

Riêng Bùi Minh Quốc, ông đã phải chứng kiến người bạn đường, và là người bạn đời của mình là nhà văn Dương Thị Xuân Quý nằm xuống khi hai vợ chồng ông tình nguyện lên đường giải phóng miền Nam.

Hơn ba chục năm đã qua đi, lý tưởng của Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy cũng như lý tưởng của Bảo Ninh, Bùi Minh Quốc càng ngày càng lộ ra những điều không thật. Chỉ tiếc là hai miền Nam Bắc đã mất đi hơn hai triệu sinh linh trong cuộc nội chiến vừa qua, và hậu quả của chiến tranh thì dường như không bao giờ tẩy xóa hết được.

Kính mời quý vị thính giả lắng nghe cuộc phỏng vấn nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ông hiện sinh sống ở Đà Lạt, là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam và đã nhiều lần bị quản chế tại nhà do những hoạt động của ông trong lãnh vực văn chương.

Hoàng Khởi Phong: Xin chào nhà thơ Bùi Minh Quốc. Trước tiên xin hỏi ông về nhà văn Dương Thị Xuân Quý, khi cùng tình nguyện lên đường giải phóng miền Nam, ông bà chỉ mới quen nhau, hay đã thành vợ thành chồng?

Bùi Minh Quốc: Thưa ông khi chúng tôi lên đường vào chiến đấu ở miền Nam thì chúng tôi đã là vợ chồng được một năm ba tháng.

Hoàng Khởi Phong: Khi tình nguyện lên đường vào giải phóng miền Nam, ông bà đã là hội viên Hội Nhà Văn chưa? Cả hai lúc đó đã có đứa con ruột thịt giữa hai vợ chồng hay đứa con tinh thần (tác phẩm) nào được ra mắt bạn đọc?

Bùi Minh Quốc: Thời gian đó chúng tôi chưa là hội viên Hội Nhà Văn. Chúng tôi đã có với nhau một cháu gái 6 tháng tuổi. Tôi lên đường vào Nam trước vào đầu năm 1967, mãi một năm sau khi cháu Uyên Ly đựoc 16 tháng, nhà tôi gửi lại bà ngọai rồi lên đường vào Nam sau.

Vào thời điểm đó thì bản thân tôi có một số bài thơ và truyện ngắn được đăng tải trong các tuỷên tập nhiều tác giả. Xuân Quý cũng có một số truyện ngắn đựoc đăng tải rải rác trên các báo, hay các tuyển tập.

Về sau chúng tôi gom góp lại, đem in thành một tuyển tập riêng của hai người, được chúng tôi đặt tên là “Chỗ Đứng”, và được nhà xuất bản Hội Nhà Văn in. Nhưng khi sách in xong, gửi vào trong chiến trường miền Nam thì Xuân Quý đã hy sinh...

Hoàng Khởi Phong: Thật tình chúng tôi không muốn nhắc tới những đau buồn cũ, nhưng xin ông cho biết bà Xuân Quý đã mất ở đâu, năm nào, mất trong khi đụng độ với quân đội miền Nam, bị bom, hay bị bệnh trên đường xâm nhập?

Bùi Minh Quốc: Nhà tôi vào sau tôi khoảng chừng một năm, nhưng chúng tôi công tác cùng một cơ quan. Đó là tờ báo tuyên truyền được đặt ở trên núi. Tháng 12 năm 68, nhà tôi đi công tác xuống vùng đồng bằng trong vùng Quảng Đà, mà chúng tôi gọi là vùng trọng điểm. Lúc đó tôi còn đang bận làm dở tờ báo nên xuống sau nhà tôi một tháng.

Trong một cuộc hành quân của quân đội Nam Triều Tiên ở vùng này, nhà tôi và một số đồng đội bị kẹt trong vòng vây, chui xuống hầm bí mật trốn. Đến đêm thì mọi người cố đội nắp hầm lên, định bò ra ngoài vòng vây thì bị lính Nam Triều Tiên phát giác.

Họ nổ súng và nhà tôi chết ngay tại chỗ, tại huyện Duy Xuyên. Khi nhà tôi hy sinh thì tôi đang đứng ở huyện Thăng Bình bên cạnh...

Hoàng Khởi Phong: Tháng Tư năm 75 ông đang ở đâu, đang làm gì và nghĩ gì về chiến tranh?

Bùi Minh Quốc: Lúc đó tôi đang ở Đà Nẵng. Bây giờ nhớ lại tôi thật tình không biết cảm nghĩ của tôi lúc đó thật sự như thế nào. Chỉ biết là nó lâng lâng.

Tôi cũng mừng là chiến tranh đã kết thúc, chấm dứt hàng triệu gia đình bị phân ly, mất mát người thân. Tôi cũng tiếc cho vợ tôi không còn sống để hưởng cái giây phút chiến thắng. Nhưng dù sao thì cũng vui mừng, vì từ đây sẽ không còn chết chóc.

Trong tư cách một ngưòi cầm bút tôi còn nghĩ là rồi đây sẽ là một cuộc đại đoàn viên của anh em văn nghệ sĩ hai miền. Thật là vui, thật là đẹp và không thể tưởng tuợng nổi của những anh chị em văn nghệ là những con người đầy sáng tạo, đầy tình yêu cuộc sống...

Từ đây anh em văn nghệ sĩ của hai miền có thể bắt tay vào việc xây dựng một nền văn hóa, một dòng văn học xứng đáng với dân tộc và thời đại.

Hoàng Khởi Phong: Ông đựoc đưa vào Đà Lạt từ bao giờ, và lý do nào khiến cho ông cùng với một số nhà văn khác như Tiêu Dao Bảo Cự thành lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng – Đà Lạt?

Bùi Minh Quốc: Mùa thu năm 1985 tôi từ Đà Nẵng vào thăm Đà Lạt lần đầu. Tôi đựoc gặp một số anh em đồng nghiệp rủ rê chèo kéo tôi ở lại làm việc. Một số anh em còn đưa tôi lên gặp Bí Thư Tỉnh Ủy, và được ông này đề nghị tôi về giúp lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng Đà Lạt.

Bởi vì thời gian đó ở tỉnh nào người ta cũng có Hội Văn Nghệ, chỉ trừ Lâm Đồng Đà Lạt là chưa có mà thôi. Nhưng phải nói là tôi không bị ai thuyết phục, mà chính cái vẻ đẹp mê hồn của thành phố Đà Lạt đã khiến cho tôi có ý định đổi vùng sinh hoạt.

Sau một hồi vận động với Đà Nẵng, tôi được cấp trên bố trí cho về Đà Lạt để lập hội Văn Nghệ cho tỉnh này. Trong kỳ đại hội thành lập hội Văn Nghệ ở đây được tổ chức, tôi đựoc bầu vào chức vụ Chủ Tịch.

Anh Tiêu Dao Bảo Cự khi đó đang là Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc ở đây, đã từng là ngưòi hoạt động nội thành ở đây từ trước năm 75, và cũng là một nhà văn đã được bầu vào chức vụ then chốt thứ hai. Tôi đựoc quen với anh Bảo Cự vào thời gian này. Trước đó chúng tôi không hề biết nhau.

Hoàng Khởi Phong: Tờ báo Lang Biang đựoc thành lập vào năm nào, bị đóng cửa bao giờ, vì nguyên nhân nào?

Bùi Minh Quốc: Tôi và anh Bảo Cự đồng ý với nhau một điểm là để cho Hội Văn Nghệ Đà Lạt Lâm Đồng có thể phát triển mạnh, thì việc đầu tiên là phải làm một tờ báo cho ra hồn. Mặc dù tờ báo này xuất bản tại địa phương, nó phải thu hút được những bài viết hay nhất của anh chị em địa phương, nhưng đồng thời nó cũng phải có các bài viết của các cây bút có tầm cỡ quốc gia.

Tờ báo đựoc chúng tôi đặt tên là Lang Biang, liên quan tới một câu chuyện thần thoại của vùng này. Nhưng để có thể mang cái tên này chúng tôi đã phải giải trình cho ông Bí Thư Tỉnh Ủy, mặc dù ông này rất thích cái tên đó, nhưng ông ấy cũng không dám quyết, mà phải mở một cuộc họp để ban Thường Vụ Tỉnh quyết định…

Chẳng qua chỉ vì những ý nghĩ sơ cứng của các cấp lãnh đạo địa phương. Chúng tôi đã phải nhờ đến một nhà chuyên nghiên cứu văn hóa sắc tộc để thuýêt phục.

Quý thính giả vừa nghe phần đầu cuộc nói chuyện giữa nhà văn Hoàng Khởi Phong và nhà thơ Bùi Minh Quốc hiện đang cư trú tại Đà Lạt. Kỳ tới, nhà thơ Bùi Minh Quốc sẽ nói lý do tại sao báo Lang Biang phải ngưng xuất bản và kể lại về chuyến đi thăm các vùng đất nứơc của ông, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và nhà thơ Hữu Loan. Mong quý thính giả đón nghe.

Theo dòng câu chuyện:

- Nói chuyện với Bùi Minh Quốc (phần 2)