
Đây chỉ là một trong rất nhiều công văn của Bộ Giáo dục Đào tạo thường xuất hiện vào đầu mỗi năm học. Tuy nhiên, nó đã chạm đến một trong những cái gai nhức nhối của nền giáo dục nước nhà.
Khánh An có bài tường trình về vấn đề này.
Cần chấn chỉnh, giáo dục lại
Nội dung công văn của Bộ Giáo dục Đào tạo gồm có ba phần. Trong đó, đề cập đến việc phải tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhằm đảm bảo trong nhà trường không có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.
Em nghĩ rằng đâu phải cứ bắt họ học thuộc đạo đức thì người ta trở thành một con người tốt được đâu.
Cô Nga, giáo viên tiểu học tại Hà Nội
Việc các nhà giáo vốn dĩ là những người chịu trách nhiệm giáo dục người khác nay bỗng trở nên những người cần phải được giáo dục lại về vấn đề đạo đức thì quả là xót xa!
Thông thường, việc đào tạo một nhà giáo dục là cả một quá trình mà trong đó nền tảng đạo đức phải được đặt ra trước hết. Thế nhưng, với những diễn tiến đang xảy ra trong môi trường giáo dục cho thấy quá trình này có chiều hướng đi ngược, theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Phải đến sau khi hàng loạt những vụ việc vi phạm đạo đức của giáo viên xảy ra vào năm ngoái khiến cho dư luận, báo chí phải lên tiếng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Quyết định số 16 quy định về đạo đức nhà giáo.
Còn công văn về việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo chỉ xuất hiện sau vụ bê bối lớn của một hiệu trưởng trường THPT đã xâm hại tình dục hàng loạt nữ sinh trung học. Không cần phải nói thì ai cũng ngầm hiểu rằng, các quyết định hay công văn như trên mang ý nghĩa trấn áp dư luận và răn đe nhiều hơn là xây dựng một nền tảng đạo đức cho giáo viên.
Còn nhiều tiêu cực
Có thể nói, vấn đề đạo đức của một con người phải được chăm bón ngay từ thưở nhỏ, qua nhiều giai đoạn và môi trường tiếp xúc. Một trong những môi trường góp phần quan trọng trong việc hình thành đạo đức con người là môi trường giáo dục. Thế nhưng, ngay trong chính môi trường đáng lẽ ra phải “sạch” nhất thì lại tồn tại quá nhiều tiêu cực.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với biên tập viên Mặc Lâm của Đài chúng tôi, GS Nguyễn Minh Thuyết, đương kim đại biểu Quốc Hội, tỏ ra bi quan trong vấn đề xây dựng một môi trường nhà trường trong sạch. Ông nói:
“Một khi mà trong xã hội có rất nhiều hiện tượng xấu, hiện tượng trái với truyền thống thì (việc) đòi hỏi phải có một môi trường nhà trường thật sự trong sạch cũng rất là khó.”
Một khi mà trong xã hội có rất nhiều hiện tượng xấu, hiện tượng trái với truyền thống thì (việc) đòi hỏi phải có một môi trường nhà trường thật sự trong sạch cũng rất là khó.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Ngoài ra, hiện trạng chương trình và môi trường giáo dục ở các trường đại học sư phạm còn nhiều bất cập cũng góp phần ảnh hưởng đến ý thức đạo đức của người thầy tương lai. Đơn cử như việc đi thực tập ra trường của các sinh viên sư phạm. Thông thường, thời gian thực tập của sinh viên từ 2 – 8 tháng và quá trình này được thực hiện như một “thủ tục đầu ra” của sinh viên, chứ không phản ánh đúng khả năng của họ. Ngay chính Phó hiệu trưởng trường Đại học An Giang, Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng, cũng đã có lần thừa nhận với báo Vietnamnet rằng: “Các trường phổ thông khi đánh giá kết quả thực tập của sinh viên thường rộng tay lắm. Nhưng sinh viên tốt nghiệp đưa về trường lại không dám nhận”. Nghịch lý mang tính truyền thống này đã nghiễm nhiên trở thành một “chuyện thường ngày ở huyện” khiến cho chẳng mấy thầy giáo tương lai buồn đặt câu hỏi về vấn đề trung thực. Chưa kể chính họ phải tập làm quen với những thủ thuật để có thể bước ra an toàn ở chặng cuối với một giáo viên hướng dẫn luận án “biết điều”.
Nói cho công bằng, nhà giáo vốn là tầng lớp được xã hội đặt kỳ vọng nhiều nhất về những giá trị căn bản của con người nên họ cũng dễ bị đưa lên bàn cân xét nét khi phạm phải những lỗi lầm mà rất nhiều thành phần khác trong xã hội rơi vào. Bởi vậy, nhiều người cho rằng những vụ việc đáng tiếc xảy ra chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Còn đại đa số vẫn giữ một chuẩn mực nào đấy. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, sẽ thấy một sự rạn nứt về vấn đề đạo đức nhà giáo mà không phải chỉ một vài quy định, công văn hay hình thức xử lý là có thể giải quyết vấn đề.
Nói như cô Nga, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội:
“Em nghĩ rằng đâu phải cứ bắt họ học thuộc đạo đức thì người ta trở thành một con người tốt được đâu.”
Và như vậy, đạo đức nhà giáo là một vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc tận sâu bên trong gốc rễ.