Phát biểu tại Hội nghị, các Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đều cho rằng nền giáo dục Việt Nam còn quá nhiều bất cập; và đặt vấn đề cần phải rà sóat, tổ chức lại công tác giáo dục đại học trên toàn quốc.
Ban Việt Ngữ chúng tôi hỏi chuyện giáo sư tiến sĩ Phạm Phụ để tìm hiểu thêm về các khía cạnh của nền giáo dục bị cho là “bất cập, đứng yên”. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kỹ sư công chánh và thuỷ điện, là người sáng lập khoa quản lý công nghiệp, đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Rà soát lại cả hệ thống
Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, tại hội nghị tổng kết năm học diễn ra hôm thứ 3, 25 tháng 8 ở Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đều đưa ra nhận xét là cần phải rà soát lại nền giáo dục của Việt Nam vì có nhiều điều chưa ổn, ý kiến của ông ra sao về thực tế đó?
GS Phạm Phụ: Những nhận xét đó rất đúng, tất nhiên nói về khía cạnh quản lý giáo dục thôi. Các quan chức giáo dục nước ngoài cũng cho là giáo dục là lãnh đại cuối cùng mà nhà nước phải sớm thực hiện đổi mới. Chính chúng tôi cũng từng nhiều lần trình bày điều đó, trước các hội nghị quốc tế.
Ở Việt Nam, bài toán cơ bản là chuỵên phân phối quyền lực, giữa nhà nước với cấp lãnh đạo trường đại học, mà một khi phân phối hợp lý thì phía bộ giáo dục lại sợ bị mất quyền lực, đó là lý do khiến tình trạng giậm chân tại chỗ, khó tránh khỏi.
GS Phạm Phụ
Đỗ Hiếu: Thưa ông, lãnh đạo chánh phủ cùng ngành giáo dục, đào tạo cũng cho là sau 22 năm, việc quản lý giáo dục vẫn "giậm chân tại chỗ", giáo sư có thể phân tích thêm về cụm từ đó không?
GS Phạm Phụ: Vấn đề cải tiến phương cách quản lý trong giáo dục đã được giới hữu trách Việt Nam nói tới từ bao nhiêu năm nay rồi, mấy chục năm qua cả thế giới cũng đã tập trung cải cách hai lãnh vực quản lý và tài chánh.
Ở Việt Nam, bài toán cơ bản là chuỵên phân phối quyền lực, giữa nhà nước với cấp lãnh đạo trường đại học, mà một khi phân phối hợp lý thì phía bộ giáo dục lại sợ bị mất quyền lực, đó là lý do khiến tình trạng giậm chân tại chỗ, khó tránh khỏi.
Chất lượng giáo dục?
Đỗ Hiếu: Cũng tại hội nghị tổng kết năm học vừa qua và triễn khai nhiệm vụ cho năm học tới, bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, toàn ngành phải có giải pháp chuyển biến quản lý cấp bộ và cấp địa phương, vì dư luận nói, quy mô thì có nhưng chất lượng đứng yên, theo giáo sư thì yêu cầu đó có đạt được không?
GS Phạm Phụ: Chính phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay là Việt Nam hiện có trên 400 trường đại học và cao đẵng và nếu cần đi kiểm tra thì cũng sẽ mất thì phải mất 3 năm mới làm xong công tác đó, không ai trên thế giới này mà làm như vậy.
Trước mắt là chánh phủ nên giao quyền tự chủ cho các hội đồng quản trị đại học, chứ không ai lại giao quyền cho ông hiệu trưởng.
Những quy định về quản lý giáo dục đại học đã được thủ tướng ký ban hành từ nhiều năm trước, 5, 6 năm đã trôi qua rồi , luật có rồi, quy chế có rồi mà sao không thực hiện. Phải thành lập hội đồng trường cho đúng với ý nghĩa và chức năng của nó, như thế mới giải quyết được thế tự chủ của việc quản lý đại học một cách hữu hiệu.
Ai cũng đã thấy rõ sự yếu kém và bất cập của nền giáo dục và ngay cả ở bậc đại học, từ lãnh đạo, đến thầy giáo và dân chúng, cần phải có giải pháp đột phá và tổng thể có bài bản hơn, phù hợp thực chất hơn.
GS Phạm Phụ
Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, với kinh nghiệm gần 50 năm phục vụ ngành giáo dục, hịên còn tư vấn cho bậc đại học, theo ông những bất cập được mỗ xẻ có thể được khắc phục trong thời gian bao nhiêu lâu nữa?
GS Phạm Phụ: Ai cũng đã thấy rõ sự yếu kém và bất cập của nền giáo dục và ngay cả ở bậc đại học, từ lãnh đạo, đến thầy giáo và dân chúng, cần phải có giải pháp đột phá và tổng thể có bài bản hơn, phù hợp thực chất hơn, phải làm cho được việc đó từ giờ đến năm 2010.
Nếu làm được như vậy thì đó là chính sách khôn ngoan, và với quyết tâm rất lớn của lãnh đạo, may ra giáo dục đại học Việt Nam sẽ đạt đến mức tiến bộ của thế giới trong vòng 5 năm hay 10 năm nữa.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Giáo sư Phạm Phụ.