Câu trả lời được chính cư dân và những người yêu thành phố du lịch này bày tỏ trong bài do Thanh Trúc thực hiện:
Trong văn bản trình lên chính phủ, Bộ Xây Dựng Việt Nam đề xuất Dalat là đô thị loại một vì thành phố này vừa là trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc gia vừa là trung tâm chính trị kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao của toàn tỉnh Lâm Đồng.
Hạ tầng cơ sở
Về kinh tế chủ yếu em thấy đâu có phát triển gì đâu! Còn Dalat là thành phố du lịch mà cảnh quang thì chưa được khang trang cho lắm.
Nga, sinh viên viện đại học Dalat
Ngay khi được tin này, ông Nguyễn Hữu Đông giám đốc công ty cổ phần du lịch Hương Giang ở Huế, thành phố được liệt vào đô thị loại 1 trước Dalat, góp ý về những điều thành phố cần phát huy:
“Khi một thành phố được chấp thuận được phê duyệt trở thành thành phố loại một trực thuộc tỉnh thì về hạ tầng xây dựng các cơ sở vật chất được quan tâm và được đầu tư nhiều. Vấn đề thứ hai, các thiết kế về văn hóa, về du lịch, về thể thao, cơ sở kinh tế, cơ sở giáo dục, y tế đều được quan tâm và đầu tư.
Dalat là một thành phố có tính đặc thù về môi trường, về không khí, là một thành phố nghỉ mát. Trên cơ sở nền tảng đó phải cần tiếp tục đầu tư hơn nữa về hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ và giữ gìn tốt môi trường sinh thái để góp phần xây dựng một thành phố nghỉ mát đặc trưng của Việt Nam.”
Số liệu chính thức cho thấy năm 2007 Dalat có tổng thu ngân sách nhà nước trên 960 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 890 đô la, tăng trưởng kinh tế hơn 17%.
Thế nhưng cũng theo đánh giá của Bộ Xây Dựng thì Dalat còn tồn tại những điểm chưa đạt chỉ tiêu, thí dụ hệ thống chiếu sáng đô thị còn yếu, hệ thống cống thoát nước và tiêu chuẩn xử lý nước thải còn thấp so với qui định.
Sau năm 1975, từ chính sách di dời và những vùng kinh tế mới, Dalat cũng như vùng phụ cận càng ngày càng trở nên đông đúc, trong lúc chính sách qui hoạch lỏng lẻo khiến tình trạng xây dựng bừa bãi làm mất nét thiên nhiên cảnh quang của một thành phố miền cao. Người dân Dalat nghĩ sao về việc thành phố nhà được đề xuất lên đô thị loại một. Cô Nga, sinh viên viện đại học Dalat, cho biết:
“Cũng mừng cho Dalat. Ví dụ nói tới thì ai cũng kêu là Đại Học Dalat không bằng mấy trường đại học ở thành phố hay ở Hà Nội. Nhưng giờ được lên đô thị loại một mình cũng mừng, mình cũng hãnh diện.”
Nhưng sau niềm hãnh diện thì suy tư của người Dalat là làm thế nào để thành phố đạt tiêu chuẩn của đô thị loại một? Cô Nga nói tiếp:
“Biết sao không, vì đô thị loại một đòi hỏi nhiều yếu tố nói chung là về du lịch, về văn hóa, về kinh tế nữa. Về kinh tế chủ yếu em thấy đâu có phát triển gì đâu! Còn Dalat là thành phố du lịch mà cảnh quang thì chưa được khang trang cho lắm.
Nếu mà nói về đô thị loại một thì chưa được đâu. Cảnh quang mỹ quang cũng còn sơ sài. Tiếng là lên đây du lịch thôi chứ còn những thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội thì có những khu vui chơi lớn mà ở Dalat thì chưa có. Mấy khu du lịch thì cũng chỉ có sông suối, nói chung dựa vào cảnh quang thiên nhiên là chính chứ còn chưa đầu tư vô nhiều.
Khí hậu Dalat giờ cũng không còn như trước do là người ta khai thác nhưng mà khai thác không đúng mức. Cho nên những cái đó cần phải chú ý nhiều.”
Phát triển du lịch
Cô sinh viên tên Nga còn nhấn mạnh đến một nét đặc thù khác của Dalat là du lịch sinh tháimà cô cho rằng chưa gì đã bị mai một:
Giống như cái Thung Lũng Tình Yêu hay Đập Đa Thiện ngày xưa nó đẹp hơn, bây giờ xây cái tượng này, xây cái hình kia lung tung hết phá cảnh hết, chia cắt ra hết chứ đâu còn cái thiên nhiên nữa.
Ông Minh, cư dân Dalat
“Ngày xưa là dân tộc ở nhiều. Người Kinh mình đi mua đất của người dân tộc thì giờ càng ngày họ càng đi vô sâu hơn, người Kinh mình thì ở đông đúc lên, bây giờ người dân tộc thấy hiếm lắm. Trên Lanbiang thì vẫn còn nhưng mà không còn những cái bản sắc như ngày xưa nữa, vẫn có nhưng mà ít đi rồi.”
Ông Minh, cư ngụ tại phường Một thành phố Dalat, cho rằng lên được hạng đô thị loại một là điều tốt vì thực tế thì Dalat chỉ được biết đến như thành phố của rau, hoa và du lịch chứ không phải một thành phố có mức phát triển mạnh như các nơi khác.
Về mặt du lịch, ông nói tiếp, Dalat không hấp dẫn được khách phương xa đến độ phải trở lại đây nhiều lần bởi vì:
“Dalat chỉ được cái khí hậu thôi chứ đâu có cái gì phát triển đâu. Du lịch thì chỗ nào cũng thâu tiền, du khách người ta than là lên Dalat cái gì cũng tiền, cái gì cũng chặt chém, chỗ nào cũng mười ngàn, hai mươi lăm ngàn vô cửa, chỉ trừ vô chùa là không tính. Hầu như chỗ nào cũng tính tiền mà người ta vô người ta thấy đâu có gì hơn.
Giống như cái Thung Lũng Tình Yêu hay Đập Đa Thiện ngày xưa nó đẹp hơn, bây giờ xây cái tượng này, xây cái hình kia lung tung hết phá cảnh hết, chia cắt ra hết chứ đâu còn cái thiên nhiên nữa.”
Một nguyên nhân đáng chú ý ông Minh nêu lên để chứng minh vì sao ngành du lịch Dalat không phát triển không mang lợi nhuận kinh tế về cho thành phố:
“Lãnh đạo họ đâu phải người Dalat, họ đâu có biết cái gì về Dalat, họ đâu có biết trước giờ Dalat như thế nào rồi bây giờ thành phố thay đổi ra sao, họ đâu có để ý tới. Mà người Dalat thì họ không dùng.”
Dưới mắt bà Phụng, cựu giáo chức với mấy chục năm hành nghề tại thành phố bà được sinh ra, thì Dalat thực sự có phát triển, có thay đổi theo xu hướng thời đại và theo qui luật tất yếu. Theo bà, việc được đề xuất thành đô thị loại một là điều cần thiết:
Du lịch không có gì hấp dẫn hết, không mang tính chất di dưỡng tinh thần của một trung tâm văn hóa, chính trị hoặc là khoa học kỹ thuật.
Bà Phụng, cựu giáo chức Dalat
“Người Dalat cũng mong lắm. Khi mà thành phố được nâng lên như vậy thì tất cả những việc đầu tư tài trợ những cơ sở vật chất đường xá rồi các hệ thống nước điện này kia được tu bổ. Thành ra dân người ta cũng mong được lên đô thị loại một để có sự lưu tâm hơn, có sự đầu tư hơn về đời sống và sinh hoạt hạ tầng.”
Không chối cãi rằng du lịch là nền kinh tế mũi nhọn của thành phố, người cụu giáo viên chỉ tiếc rằng ngành công nghiệp không khói này đã không được khai thác đến nơi đến chốn:
"Du lịch không có gì hấp dẫn hết, không mang tính chất di dưỡng tinh thần của một trung tâm văn hóa, chính trị hoặc là khoa học kỹ thuật.
Có Viện Hạt Nhân ở đây, có trường đại học ở đây, rồi có nhiều cảnh quang môi trường nhưng việc khai thác du lịch chưa đúng tầm cỡ của nó. Tức là chưa thể hiện được cái bản sắc, cách nghĩ, nếp nghĩ, cách sống của người Dalat.
Tất cả phải từ ý thức mà ra. Khai thác du lịch cái chuyện lợi nhuận thì phải có thôi nhưng cái chuyện hấp dẫn tạo được cái gì rất riêng phù hợp với cảnh quang, với môi trường, với nếp sống, với tất cả những gì Dalat đã có thì phải xuất phát từ con người.”
Việt Nam có bốn thành phố đã được chấp thuận đô thị loại một, đó là cố đô Huế và thành phố Đà Nẵng ở miền Trung, Hải Phòng và Vinh ở miền Bắc.
Để được nâng lên cấp đô thị loại một, một thành phố cần hội đủ những điều kiện như giữ được vai trò trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng lãnh thổ liên tỉnh.
Mặt khác, tỷ lệ lao động trong các ngành phi công nghiệp trong tổng số lao động phải là 85% hoặc hơn, và qui mô dân số phải từ nửa triệu trở lên.