Sự thật về thành quả xóa đói giảm nghèo?

Hồi tháng 2 năm 2007, Chính phủ VN phê duyệt chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, qua đó, “huy động mọi nguồn lực để đạt các mục tiêu quốc gia về xóa đói và giảm nghèo”.

0:00 / 0:00

Giữa lúc các viên chức VN nhấn mạnh tới sự thành công vượt bực của chương trình này, thì tình hình nghèo đói trong nước thực sự ra sao?

Nhanh hơn kế hoạch?

Hôm mùng 2 tháng này, báo Saigòn giải phóng online có bài tựa đề “Tốc độ giảm nghèo của VN”, đề cập tới hội nghị đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo tại VN trong giai đoạn 2006-2010, do Bộ LĐTBXH VN phối hợp với Tổ chức Phát triển LHQ tại VN tổ chức.

Qua những gì chúng tôi nhận thấy thì thật ra, chương trình "xóa đói giảm nghèo" của chính quyền cộng sản VN, không biết thực tế nó như thế nào, nhưng mà mắt tôi chứng kiến và những gì chúng tôi thấy thì sự nghèo khổ của VN thì tôi không thể tưởng tượng được.

Bà Hoàng Vĩnh

Theo bài báo thì “một trong những nội dung quan trọng mà nhóm công tác đánh giá giữa kỳ về giảm nghèo đưa ra là sau hơn 3 năm triển khai, VN đã đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh hơn so với mục tiêu đề ra.

Cho đến cuối năm 2008, tỷ lệ nghèo trong cả nước chỉ còn 12% trong khi ở thời điểm cuối năm 2005, cả nước có tới 18% hộ nghèo”.

Bài báo trích dẫn nhận định lạc quan của nhóm công tác tại hội nghị vừa nói cho rằng “mục tiêu giảm nghèo đến năm 2010 của VN có thể hoàn toàn đạt được...”.

Lên tiếng mới đây tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng VN Nguyễn Sinh Hùng dự kiến số người nghèo tại VN sẽ giảm xuống còn 11% trong năm nay so với hơn 12% hồi năm ngoái và 59% trong năm 1991.

Vẫn theo ông Nguyễn Sinh Hùng, thì “VN coi thách thức là cơ hội để đề ra biện pháp kích thích kinh tế sao cho người nghèo là nhóm hưởng được lợi chính”.

Trong khi đó, báo điện tử Pháp Luật hôm đầu tháng trích dẫn lời bà Sue Wardell, viên chức cao cấp thuộc Cơ quan đặc trách Phát triển Quốc tế của Anh Quốc cho rằng “Chúng tôi rất ấn tượng. VN là một trong những nước có thành tựu về xóa đói giảm nghèo mạnh nhất thế giới”.

Mặc dù có những nhận định màu hồng như vậy, nhiều đại biểu Quốc Hội VN tại phiên họp hôm 22 tây tháng 10 vừa rồi không khỏi bày tỏ “băn khoăn về chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của người dân”, báo điện tử Người Lao Động cho biết như vậy.

Nghe thế giới ca ngợi VN xóa đói giảm nghèo nhanh thấy tự hào, nhưng đến cơ cở, địa phương lại thấy sao mà đồng bào ta còn nghèo thế!

Đại biểu Bùi Thị Bình

Tờ báo trích dẫn lời đại biểu Bùi Thị Bình thuộc tỉnh Hòa Bình “băn khoăn” rằng “nghe thế giới ca ngợi VN xóa đói giảm nghèo nhanh thấy tự hào, nhưng đến cơ cở, địa phương lại thấy sao mà đồng bào ta còn nghèo thế!”

Bà Hoàng Vĩnh, Phó Ngoại Vụ của Hội Trợ Giúp Người Nghèo “Help The Poor” trụ sở tại California, Hoa Kỳ, từng tới thăm nhiều nơi ở VN, mô tả những gì bà chứng kiến như sau:

“Tất cả những nơi chúng tôi đến, chúng tôi có sự giúp đỡ ở nước VN- miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Mặc dù nó chỉ là một số điểm thôi nhưng mà những điểm chúng tôi đến thì thường là những điểm rất là nghèo. Chúng tôi có những người mà chúng tôi tín cẩn, chẳng hạn như một linh mục, hay một nữ tu, hay một thượng tọa, một sư cô nào đó, hay là một người dân thường nhưng rất tín cẩn và đã làm việc có sự tín nhiệm, thì những nơi đó chúng tôi đặt những điểm của hội. Nơi đó chúng tôi tìm cách giúp đỡ qua những người ở địa phương đó.

Qua những gì chúng tôi nhận thấy thì thật ra, chương trình “xóa đói giảm nghèo” của chính quyền cộng sản VN, không biết thực tế nó như thế nào, nhưng mà mắt tôi chứng kiến và những gì chúng tôi thấy thì sự nghèo khổ của VN thì tôi không thể tưởng tượng được. Có những nơi mà tôi về cách đây mấy chục năm, trước năm 75, mình đã coi những chỗ đó là nghèo, người dân ở đó nghèo lắm. Thế mà bây giờ nó còn thê thảm hơn nhiều.

Với tình cảnh mà những gì tôi biết được thì sự nghèo khó của con người (có thể mình đi ngoài đường thì thấy nhà xây, đường phố rộng rãi hơn, cầu cống mở mang, các phương tiện như tivi nhiều hơn. Nhiều người nhìn thấy như vậy và nói rằng kinh tế VN đang phát triển, VN bây giờ không nghèo như ngày xưa ), thật sự ở những vùng sâu vùng xa, ở trong những hang cùng ngõ hẻm thì người dân rất nghèo đói.

Thành ra chỉ có một thành phần nào đó như cán bộ, hay những người buôn bán ở thành phố có điều kiện có thể có đời sống khá giả. Nhìn ra bề ngoài có vẻ sung túc như vậy, nhưng thật sự bên trong tôi vẫn thấy người dân nghèo lắm.”

Phân hóa giàu-nghèo

Tại cuộc hội thảo mới đây do trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Hội đồng Lý luận Trung ương VN tổ chức, các chuyên gia bày tỏ quan ngại – theo lời báo điện tử Hà Nội Mới – rằng “ sự lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng không mạnh và khuynh hướng ảnh hưởng tiêu cực có phần gia tăng”.

Bài báo trích dẫn lời GS-TS Nguyễn Văn Nam nhận định trong buổi hội thảo rằng “ Điều đáng nói là thực tế tác động của tăng trưởng kinh tế tới giảm nghèo đang có xu hướng giảm và bất bình đẳng lại tăng lên...”.

Nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ đói nghèo (tại VN) sẽ lên khoảng 23-25% dân số, tức khoảng 22 triệu người.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng

Cuộc hội thảo cũng lưu ý về xu hướng xóa đói giảm nghèo tại VN hiện đã chậm lại trong khi tỷ lệ số người rơi trở lại cảnh nghèo ngày càng tăng, giữa lúc hố sâu giàu-nghèo, tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng.

Tình cảnh giới nghèo tại VN đáng ngại như vậy, nhưng thời buổi kinh tế khó khăn tiếp diễn hẳn khiến họ gặp khó khăn hơn.

Báo điện tử Pháp Luật số vừa nói có bài nêu lên nghi vấn “Chính sách vị người nghèo ?”, mở đầu rằng “Người nghèo là đối tượng hỗ trợ của nhiều chính sách trong thời kinh tế suy giảm, nhưng trong thực tế, có vẻ còn lâu họ mới trở thành người hưởng lợi.”

Cuộc khảo sát mới nhất của Viện chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp-Nông thôn VN lưu ý rằng “nông dân là đối tượng đầu tiên chịu tác động rõ rệt nhất từ suy giảm kinh tế”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN, ông Bùi Bá Bổng, cho biết thêm rằng “rất ít người dân ở khu vực nông thôn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất để làm nhà, mua vật tư, máy móc...”.

Báo điện tử Pháp Luật trích dẫn lời Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhìn nhận rằng “nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ đói nghèo (tại VN) sẽ lên khoảng 23-25% dân số, tức khoảng 22 triệu người”, con số mà VN chưa bao giờ công bố.

Theo Tin Nhanh trong nước thì tại phiên họp Quốc Hội VN hôm thứ Tư tuần này (10/28), các “đại biểu Quốc hội phê phán báo cáo của Chính phủ”, cho rằng báo cáo ấy “chưa phản ánh sát thực tế”.

Tờ báo trích dẫn lời đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng “báo cáo của Chính phủ gởi tới các đại biểu là một bức tranh tổng quát về nền kinh tế, nhưng lại rất trừu tượng , ít tả thực, chưa phản ánh đúng thực tế đời sống xã hội mà cử tri cả nước quan tâm”.

Theo các đại biểu thì “Năm 2009, GDP được xếp vào mức thấp nhất trong 10 năm, nhưng Chính phủ lại ‘lôi’ con số của một số nước có GDP cực thấp để chứng minh rằng GDP của VN tăng trưởng tốt”.