Đang di chuyển trên công lộ, họ bổng dưng bị sập những hầm hố giăng đầy khắp ngoài đường, nhưng những người có trách nhiệm vẫn hoàn toàn giữ yên lặng.
Xin mời quý vị theo dõi về những nguy cơ đang rình rập ngày đêm, từng làm thiệt mạng nhiều người trên đường đi kiếm sống do Đỗ Hiếu trình bày.
Những cái chết thương tâm
Mấy hôm nay các báo có bài viết kèm hình ảnh thuật lại về cái chết đau thương của chị Hà Thị Tuyết Mai, 44 tuổi, mới đón con từ trường về, bị thiệt mạng khi xe máy của chị phải chạy sát lề đường, tránh xe vận tải lớn chạy cùng hướng, chẳng may xe chị Mai vấp vào miệng hố ga nhô ra đường. Người và xe ngã lăng ra, đúng vào lúc ấy một xe vận tải hạng nặng lao nhanh tới cán ngang đầu chị Mai khiến chị chết tại chỗ, con trai chị văng xa vào lề, may mắn thoát hiểm.
BS Nguyễn Xuân Mai
Nơi xảy ra tai nạn chết người là trên con đường Kha Văn Cận, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh và hôm ấy là thứ bảy 9 tháng 10. Con đường này nhỏ hẹp, với nhiều khúc cua, quẹo gắt, có rất nhiều xe tải qua lại ngày đêm, được người dân trong vùng gọi là “con đường tử thần”.
Qua ngày hôm sau, cũng tại quậnThủ Đức, dưới cơn mưa lớn kéo dài, một người đàn ông đi xe đạp, bị rơi xuống miệng cống bên đường, rồi bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Cách đây hai năm, cũng ngay tại địa điểm chị Mai thiệt mạng, ông Võ Thanh Tòng, bị va vào hố ga khi cầm lái xe hai bánh trên đường từ sở làm về nhà, chẵn may lúc ấy có xe chở đầy cát trờ tới, không kịp tránh nên xe cán qua người ông Tòng, khiến ông tử vong tại chỗ.
Cư dân địa phương cho biết trên đoạn đường “tử thần” có hàng chục miệng hố ga nhô ra lòng đường là những cái bẫy vô tình gieo tai họa, bất trắc, thương vong bất ngờ, cho người di chuyển trên con đường Kha Văn Cân.
Một cư dân địa phương nói lên nỗi lo sợ khi phải ra đường và mong muốn những tai nạn như vậy phải sớm chấm dứt:
“Nghe em sợ quá, biết thì thấy thương tiếc vậy thôi, chứ không biết phải nói như thế nào nữa, đau xót luôn, em cũng mong muốn đường được tốt, sửa chữa tốt hơn, để cho mọi người đi không bị tai nạn gì hết.”
Nhiều thắc mắc được nêu lên với báo chí qua câu hỏi “ai chịu trách nhiệm về những cái bẫy trên đường làm thiệt mạng oan ức người dân?”
Một bạn đọc khẳng định là việc thi công làm đường xá mà cẩu thả, vô trách nhiệm của các nhà thầu và sự buông lỏng công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan hữu trách là nguyên nhân gây ra những cái chết đau lòng.
“Nhà nước cần có quy định rõ ràng trong trường hợp những nhà thầu, cơ quan quản lý, chủ đầu tư, phải chịu trách nhiệm trước những cái chết do công trình mình xây dựng gây ra, phải có sự chế tài nhất định, đối với cộng đồng xã hội chung, nếu xét ở một góc độ xa hơn nữa thì nhà nước phải chịu trách nhiệm về tất cả những cái chết này.”
Nếu bị sụp bẫy, sụp hầm thì nhà nước phải chịu trách nhiệm, còn nếu một nhân viên làm việc cho một hãng mà không được hưởng sự an toàn, nhân viên bị tai nạn, hãng đó chịu trách nhiệm.
Bà Thư
Có ý kiến khác cho rằng, kiểu làm ăn tắc trách, vô tâm của một số nhà thầu, công ty xây dựng, là hành vi gây tội ác. Vậy những sai phạm đó có được xử lý đúng mức hay không, vì trên thực tế dường như các nhân viên hay tổ chức vi phạm chỉ bị phê bình, khiển trách qua loa. Có bao nhiêu mạng người vô tội đã chết, vậy mà nhà thầu hay cơ quan chức năng vẫn có thái độ dững dưng, yên lặng?
Một người làm công tác chăm sóc y tế công cộng đồng thời cũng là một người hàng ngày sử dụng công lộ, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cho biết về tai nạn chết người mới đây:
“Cái vụ này là do thi công gây ra, hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh đang có dự án về môi trường nước và cải tạo đường, họ đào đường đặt ống cống rồi lắp lại, nhưng mình làm thiếu đồng bộ, mấy anh đặt cống bị vướng anh điện, vướng cáp ngầm rồi lại vướng anh nước. Quá trình thi công thì chỗ được, chỗ không, cứ anh nọ chờ anh kia. Có chỗ được lắp tạm, đến khi có mưa lớn, nước xoáy lở, việc này đúng là các công ty nhận thầu thi công phải chịu trách nhiệm, còn đối với cơ quan quản lý nhà nước thì sở Giao thông phải gánh trách nhiệm đó. Sở Giao thông với Sở Tài nguyên, Môi trường và Ban quản lý Môi trường Nước của thành phố phải chịu trách nhiệm về nhiều tai nạn xảy ra mấy ngày nay, người và xe bị sụp cống, nói thật là đường ở nước ta rất xấu, lại hẹp, xe cộ rất đông mà người tham gia lưu thông, ý thức chưa tốt.”
Qua một số góp ý của người dân gởi đến các báo, thì chánh phủ nên bãi nhiệm ông giám đốc sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, không hiểu vì sao người dân cứ tiếp tục bị chết oan uổng như vậy?
Tuy nhiên điều đáng sợ hơn hết là sau những cái chết làm động lòng mọi người, những ai có trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp vẫn cứ mãi giữ im lặng.
Ở các quốc gia khác, như bên Châu Âu chẳng hạn, một khi xảy ra tai nạn lưu thông chết người thì chuyện gì sẽ xảy ra, bà Thư, một doanh nhân có cơ sở làm ăn tại nhiều nước gồm có Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ chia sẻ suy nghĩ về vấn đề đó:
“Nếu bị sụp bẫy, sụp hầm thì nhà nước phải chịu trách nhiệm, còn nếu một nhân viên làm việc cho một hãng mà không được hưởng sự an toàn, nhân viên bị tai nạn, hãng đó chịu trách nhiệm. Còn đối với công trình của nhà nước thì nhà nước phải chịu trách nhiệm, cái đó phải coi theo từng hoàn cảnh, trường hợp một, chuyện xảy ra ở đâu.”
Bức xúc thì cái gì cũng có nhưng người ta không nói ra được, người ta quá chán nản rồi, có nói cũng vậy thôi.
Ông Danh
Ra đường hàng ngày kiếm ăn, chạy theo cuộc sống, mà không yên tâm vì có biết bao rủi ro, cạm bẫy đang rình rập, với những sự may rủi đó, người dân cảm thấy quá chán chường nên có thái độ nhắm mắt, làm ngơ, chuyện tới đâu tính tới đó.
Ông Danh, một tài xế taxi phục vụ khách trong phạm vi Sài Gòn và vùng ngoại ô than thở:
“Bức xúc thì cái gì cũng có nhưng người ta không nói ra được, người ta quá chán nản rồi, có nói cũng vậy thôi. Tình trạng hiện nay là thành phố bị ngập úng, đường xá kẹt xe, hố bẫy, đào xới rồi vô trách nhiệm, tai nạn xảy ra rồi thì đùn đẩy cho nhau. Sự thật là người dân ở đây muốn sống yên phận, có nói ra cũng như không, người ta nói trên đường có hố trâu chứ không phải ổ gà nữa. Xe taxi mà chạy lọt xuống cống thì cũng phải đành chịu thôi, xem như huề cả làng..”
Dư luận cũng như giới truyền thông cho rằng sự im lặng thật đáng sợ, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, của các đơn vị thi công, cơ quan quản lý khiến người dân lo âu, cảm thấy bất an, ngao ngán, không biết những cái bẫy vô tình giăng đầy khắp đường phố, gây bao nhiêu cảnh chết chóc, ngộ sát, đến bao giờ mới được khắc phục, giải tỏa để mang lại niềm tin và sự an toàn cho người dân Việt.