Công cụ tuyên truyền và sự sắc bén (phần 1)

Hôm 19 tháng 9, khi tường thuật về việc Thủ tướng Việt Nam thăm Hungary, Thông tấn xã Việt Nam đã phạm một sai lầm nghiêm trọng.

0:00 / 0:00

Đó là đã kể như thật về một cuộc hội kiến, mà trong thực tế chưa bao giờ xảy ra, giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và bà Szili Katalin...

Đáng chú ý là sai lầm của Thông tấn xã Việt Nam đã trở thành sai lầm của cả hệ thống truyền thông Việt Nam, khi có rất nhiều báo in, đài truyền hình, đài phát thanh đồng loạt sử dụng tin này.

Sự kiện vừa đề cập khiến người ta liên tưởng tới một chỉ thị mà Thủ tướng Việt Nam, ban hành hồi giữa tháng chín. Qua đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đề ra một số giải pháp, nhằm giúp Thông tấn xã Việt Nam trở thành một “hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế, phù hợp với sự phát triển chung của báo chí thế giới”.

Những giải pháp và yêu cầu của ông Dũng với Thông tấn xã Việt Nam khả thi tới mức nào? Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình…

Liên tục phạm sai lầm

Sai sót mới nhất của Thông tấn xã Việt Nam là nhầm lẫn không thể hiểu được, về nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội của Hungary.

Bà Szili Katalin – nhân vật được Thông tấn xã Việt Nam “cho” gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Hungary, vốn đã từ nhiệm từ ngày 14 tháng 9.

Người thay bà Szili Katalin trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Hungary là ông Katona Bela.

Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước có trách nhiệm sử dụng nguồn tin chính thống của Thông tấn xã Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.

TT Nguyễn Tấn Dũng

Thế nhưng khi đưa tin về cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Hungary, hôm 19 tháng 9, Thông tấn xã Việt Nam vẫn tường thuật là ông Nguyễn Tấn Dũng đã "gặp" bà Szili Katalin. Thậm chí, Thông tấn xã Việt Nam còn kể rằng – xin dẫn nguyên văn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng ngài Szili Katalin mới được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Đáng lưu ý là cả Thông tấn xã Việt Nam lẫn những cơ quan truyền thông Việt Nam đã sử dụng tin Thông tấn xã đều không biết mình phạm sai lầm nghiêm trọng. Sai sót này do một số blogger như Hoàng Linh, Đông A phát giác và sau đó, nhiều diễn đàn điện tử cùng nêu thắc mắc. Một số blogger đã xem sự kiện này như bằng chứng đáng xấu hổ cho cả nền báo chí Việt Nam.

Mãi tới ngày 24 tháng 9, Thông tấn xã Việt Nam mới lẳng lặng sửa lại sai sót vừa kể trong tin đã đưa trên website của mình và giống như nhiều lần trước đó, Thông tấn xã Việt Nam không hề xin lỗi, cũng chẳng thèm cám ơn những người đã góp ý.

Trong một bài viết ngắn có tựa là "Một nền báo chí đáng xấu hổ", blogger Đông A nhận xét: Với kiểu đưa tin như vậy mà Thông tấn xã Việt Nam lại được trao "quyền được tuyên bố" thì thật là nguy hiểm!

Đây không phải là lần đầu tiên Thông tấn xã Việt Nam phạm sai lầm. Hôm 14 tháng 8, cơ quan này đã từng phạm một sai lầm còn nghiêm trọng hơn sai lầm vừa kể bởi nó liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Lúc đó, trong tin tường thuật sự kiện 25 ngư dân Việt Nam được Trung Quốc trả tự do, Thông tấn xã Việt Nam mặc nhiên xác nhận đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa – đang bị Trung Quốc chiếm đóng và dùng làm nơi giam giữ 25 ngư dân Việt Nam - là... lãnh thổ Trung Quốc!

Sai lầm mới đề cập cũng do một số blogger phát giác và được một số diễn đàn điện tử như Bauxite Việt Nam, Talawas phân tích. Giống như thường lệ, Thông tấn xã Việt Nam lẳng lặng sửa lại sai sót trong tin đã đưa trên website của mình và không hề xin lỗi, cũng chẳng thèm cám ơn.

Đặc quyền bác bỏ, cải chính

Chính những chuyện như vừa kể đã làm gia tăng sự ngạc nhiên của công chúng khi ngày 14 tháng 9, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam ban hành một Chỉ thị, giao thêm cho Thông tấn xã Việt Nam rất nhiều quyền.

Ngoài việc được phép "ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc về các vấn đề thời sự, những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia", Thông tấn xã Việt Nam còn có quyền "cải chính những thông tin sai lệch với những quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước".

Thông tấn xã Việt Nam là công cụ sắc bén trên mặt trận đấu tranh thông tin, chỉnh hướng những thông tin sai lệch, phản bác những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

TT Nguyễn Tấn Dũng

Bên cạnh việc giao cho Thông tấn xã Việt Nam những quyền trên, Thủ tướng Việt Nam còn yêu cầu: Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước có trách nhiệm sử dụng nguồn tin chính thống của Thông tấn xã Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.

Đối với những tin, bài, tài liệu, văn kiện chính thức, các cơ quan báo chí và truyền thông phải sử dụng nguyên bản. Các trường hợp khác cần biên soạn ngắn gọn nhưng phải đảm bảo tính toàn diện, trung thực, trong trường hợp trích dẫn không được làm sai lệch nội dung thông tin.

Đồng thời, ông Dũng ra lệnh: Các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có trách nhiệm chủ động và ưu tiên cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, chính xác cho Thông tấn xã Việt Nam để đảm bảo phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác.

Vì sao Thông tấn xã Việt Nam lại được chính quyền Việt Nam ưu ái như vậy? Trong Chỉ thị đã dẫn, ông Nguyễn Tấn Dũng giải thích:

Thông tấn xã Việt Nam là công cụ sắc bén trên mặt trận đấu tranh thông tin, chỉnh hướng những thông tin sai lệch, phản bác những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Cũng theo ông Dũng, sở dĩ Thông tấn xã Việt Nam được dành hàng loạt đặc quyền bởi: Đã có nhiều nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông tấn Nhà nước, là hãng tin tức quốc gia cung cấp thông tin thời sự chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhân dân.

Mâu thuẫn

Những nội dung vừa dẫn khiến người ta có cảm giác chính chúng mâu thuẫn với nhau. Ông Vũ Đình Trọng, một biên tập viên của tờ Viet Herald tại Nam California nhận xét:

Về mặt ngữ nghĩa, Thông tấn xã hay

Hãng thông tấn là

cách gọi

một tổ chức

truyền thông,

chuyên thu thập thông tin và làm ra các sản phẩm

thông tin

như tin, bài, hình ảnh,... để cung cấp

cho khách hàng

là những cơ quan truyền thông khác.

Thông tấn xã hay Hãng thông tấn có thể đại diện cho một chính phủ như Thông tấn xã Việt Nam , h ay một tổ chức truyền thông độc lập, chuyên kinh doanh các sản phẩm thông tin như nhiều hãng tin mà chúng ta đã biết.

Tuy nhiên, dù đại diện cho chính phủ hoặc chuyên kinh doanh thông tin thì Thông tấn xã hay Hãng thông tấn vẫn phải tuân thủ các tiêu chí của truyền thông, đó là thông tin vừa phải nhanh, vừa phải trung thực, chính xác, toàn diện.

Do vậy, chỉ xét riêng về ngữ nghĩa, không cơ quan thông tấn nào có thể vừa thực hiện vai trò thông tấn, vừa đảm nhận nhiệm vụ “công cụ tuyên truyền”, bởi đây là hai loại hành vi mâu thuẫn với nhau ngay từ bản chất.

Ai cũng biết t uyên truyền là nhào nặn thông tin rồi vận dụng các phương tiện truyền thông để dẫn dụ quần chúng nhận thức, hành động nhằm đ ến mục tiêu nào đó có lợi cho mình .

Tôi có theo dõi tin tức của Thông tấn xã Việt Nam và cũng đã xem qua chỉ thị của ông Nguyễn Tấn Dũng về việc " Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới". Trước nay, Thông tấn xã Việt Nam mới chỉ chứng minh được vai trò "công cụ tuyên truyền". Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện vai trò này, họ cũng chưa "sắc bén" như nhận định của ông Dũng.

Khi chỉ thực hiện vai trò "công cụ tuyên truyền" và liên tục phạm sai lầm, liệu Thông tấn xã Việt Nam có thể trở thành "một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế, phù hợp với sự phát triển chung của báo chí thế giới" như ông Dũng yêu cầu? Trong bài tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thêm câu trả lời cho thắc mắc này. Mời quý vị đón nghe.