Vài ngày trước, các cơ quan ngôn luận trong hệ thống truyền thông chính thống ở Việt Nam chỉ nói xa, nói gần về điều đó.
Trong sự kiện vừa đề cập, có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, liên quan đến nhân cách của cán bộ, viên chức cũng như việc bảo vệ, thực thi công lý.
Sau thầy là... quan
Tháng 9 năm ngoái, vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, khiến dư luận bàng hoàng vì người mua dâm hàng chục nữ sinh theo học tại ngôi trường đó lại là ông Sầm Đức Xương, hiệu trưởng.
Chị có đưa bản án sơ thẩm cho tôi đọc, với nhãn quan nghề nghiệp, tôi thấy đó là một bản án không trung thực, kết tội oan, bỏ lọt tội phạm.
LS Trần Đình Triển.
Trong vụ án được nhiều người xem như bằng chứng đáng ngại về sự suy đồi đạo đức ấy, còn có hai nữ sinh là Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng, cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã “môi giới mại dâm”.
Đầu tháng 11 năm ngoái, Tòa án huyện Vị Xuyên đưa vụ án này ra xử sơ thẩm. Ông Sầm Đức Xương bị phạt 10 năm 6 tháng tù. Cô Nguyễn Thị Hằng bị phạt 6 năm tù, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy bị phạt 5 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, cả ba bị cáo cùng kháng cáo.
Cuối tháng vừa qua, Tòa án tỉnh Hà Giang đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm, dư luận thêm một lần bàng hoàng khi phiên xử kéo dài cho đến đầu tháng này, xuất hiện thêm hàng loạt tình tiết mới. Chẳng hạn hai bị cáo là nữ sinh khai rằng, cả hai đã bị cưỡng ép để phải ăn nằm với nhiều quan chức và doanh nhân tại Hà Giang khi chưa thành niên. Đồng thời bị cưỡng ép để phải tác động hàng chục bạn bè đồng lứa cùng làm như vậy.
Đáng lưu ý là trong số những viên chức, doanh nhân bị tố cáo là đã ăn nằm với các nữ sinh chưa thành niên, có ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh.
Cũng cần nhắc lại là vào cuối năm ngoái, khi Tòa án huyện Vị Xuyên đưa vụ án "mua dâm người chưa thành niên" ra xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang, từng dõng dạc tuyên bố với báo giới: Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh là một việc động trời, không thể hình dung được. Đây là một việc làm đáng xấu hổ và không thể chấp nhận với một thầy giáo đồng thời là người đứng đầu một trường cấp ba.
Ép cung?
Tường thuật của báo giới Việt Nam về phiên xử phúc thẩm vụ án “mua dâm người chưa thành niên” còn cho thấy nhiều dấu hiệu khiến người ta tin rằng, hệ thống bảo vệ pháp luật tại huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang đã vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Cả hai nữ sinh cùng khẳng định trước Tòa rằng những bản tự khai mà các em đã viết trong giai đoạn bị điều tra là do điều tra viên đọc cho các em ghi lại. Nếu viết không đúng ý của điều tra viên thì phải viết lại. Cả hai phải cùng ký khống một số biên bản hỏi cung mà không biết nội dung. Cả hai còn bị ép viết giấy từ chối luật sư trong quá trình điều tra. Thậm chí trước phiên tòa phúc thẩm, cả điều tra viên lẫn kiểm sát viên đã đến gặp để dặn dò phải khai đúng như cáo trạng thì mới có lợi, mới được giảm án.
Không chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên vi phạm các quy định về tố tụng hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm cũng có những vi phạm nghiêm trọng tương tự: Xét xử bị cáo vị thành niên mà không có sự tham dự của luật sư.
Văn phòng của tôi nên bỏ, không thu một ít tiền mà chi thêm một ít tiền để bảo vệ các cháu, bảo vệ đạo đức. Không thể cho phép người lớn sử dụng những đưa bé làm trò vui chơi của mình.
LS Trần Đình Triển.
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm cũng đã được hai nữ sinh cung cấp một danh sách kèm lời khai trực tiếp, chi tiết về 9 cá nhân là viên chức, doanh nhân ở Hà Giang đã từng ăn nằm với các em. Trong đó có ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh.
Sau bốn ngày xét xử phúc thẩm, hôm 1 tháng 2, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án “mua dâm người chưa thành niên” đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Vị Xuyên và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát huyện Vị Xuyên để điều tra lại từ đầu vì toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử ở cấp sơ thẩm được nhận định là có nhiều sai sót.
Không đành đứng ngoài
Để có thêm những thông tin liên quan đến vụ án, chúng tôi đã phỏng vấn luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, người tham gia bào chữa cho một trong hai nữ sinh:
Trân Văn: Thưa ông, từ đâu mà ông biết về vụ án và vì sao ông nhận bào chữa miễn phí ?
Luật sư Trần Đình Triển: Vụ án này báo chí có đưa, sau đó tôi nhận được điện thoại của mẹ cháu Thúy. Tôi có hỏi chị ấy là tại sao chị biết tôi thì chị nói chị đọc qua báo chí và xem trên mạng về Văn phòng Luật sư Vì Dân và đặc biệt là tôi nên chị tìm tôi.
Khi xong phiên sơ thẩm, cháu Thúy bị phạt 5 năm tù, cháu Hạnh 6 năm tù, đã gây bất bình trong dân chúng tại đó thì chị dẫn một đưa con nhỏ khoảng 5, 6 tuổi, từ Hà Giang khoảng 8 giờ rưỡi tối đi Hà Nội. Khoảng 4 giờ sáng thì đến Hà Nội và chị ngồi ở một cây cầu gần nhà tôi ngồi đợi đến 7 giờ mới gọi tôi để không làm phiền giấc ngủ của tôi.
Tôi lấy xe gắn máy chở cả hai mẹ con đi ăn sáng và ngồi uống nước chè ở một cái quán bên đường. Dân chúng thấy chị khóc, hỏi, biết sự tình... Đó cũng là một sự động viên tôi.
Khi gia đình người ta nghèo như vậy, và từ Hà Giang lên Hà Nội không phải là ngắn: 320 kilômét, đi ô tô cũng mất 10 tiếng đồng hồ, rồi ăn, ở,... nếu phải trả chi phí thì không ai có thể nhờ luật sư được.
Chị có đưa bản án sơ thẩm cho tôi đọc, với nhãn quan nghề nghiệp, tôi thấy đó là một bản án không trung thực, kết tội oan, bỏ lọt tội phạm. Do đó tôi thấy rằng Văn phòng của tôi nên bỏ, không thu một ít tiền mà chi thêm một ít tiền để bảo vệ các cháu, bảo vệ đạo đức. Không thể cho phép người lớn sử dụng những đưa bé làm trò vui chơi của mình như vậy. Đó là vô trách nhiệm truớc đảng, nhà nước, nhân dân và trước pháp luật, đã vậy lại còn chễm chệ ngồi ở ghế đó, đưa vài cháu vào tù.
Do vậy, Văn phòng của chúng tôi nhận làm miễn phí...
Đó là lý do vì sao những bị cáo là nữ sinh có người bào chữa cho họ trong phiên xử phúc thẩm.
Sau nhiều oan án giống như vụ án “mua dâm người chưa thành niên” mà chúng tôi vừa tường thuật, có hàng loạt vấn đề cần đặt ra, ví dụ vì sao lại có thể xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật, từ cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, đến Tòa án như ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang? Việt Nam có thể phòng ngừa sự lũng đoạn hệ thống tư pháp để vừa thực thi công lý, vừa bảo đảm công bằng xã hội?
Đó sẽ là nội dung cuộc trao đổi giữa chúng tôi với luật sư Trần Đình Triển trong bài kế tiếp. Mời quý vị đón xem.