“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 2)

Lần trước, quý vị đã nghe Trân Văn tường thuật những diễn biến của vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra ở trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

0:00 / 0:00

Vụ án này không chỉ có dấu hiệu biến nạn nhân thành tội phạm để che đậy tội phạm của hàng chục cán bộ, doanh nhân ở Hà Giang mà còn là dịp để ngẫm nghĩ về nhiều vấn nạn khác.

Mời quý vị nghe Trân Văn tường trình tiếp...

Chọn trẻ con gánh tội thay thượng cấp

Tuy bản án sơ thẩm vụ “mua dâm người chưa thành niên” ở Vị Xuyên, Hà Giang đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại, song câu hỏi lớn nhất vẫn là: Tại sao các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể thản nhiên bắt tay nhau để tạo ra oan sai? Chúng tôi đã nêu một số câu hỏi với luật sư Trần Đình Triển – một trong những người tình nguyện bào chữa miễn phí cho các nạn nhân...

Trân Văn: Thưa ông, nếu những thông tin mà thân chủ của ông tiết lộ là đúng thì theo Luật Hình sự Việt Nam, các bé gái là nạn nhân hay tội phạm như án sơ thẩm đã tuyên?

LS Trần Đình Triển: Tất cả thông tin mà các cháu đưa thì chưa có kết luận của cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta coi đó như một dấu hiệu và một luồng căn cứ để xem xét vụ án. Thế nhưng theo niềm tin nội tâm của tôi thì tôi khẳng định những chuyện đấy là có thật, bởi vì tại phiên tòa các cháu khai rất cụ thể, rất chi tiết.

Tóm lại, những người đó khó mà chối cãi tội của mình trước sự thực như vậy. Ở đây, các cháu chỉ là nạn nhân. Tức là từ thầy giáo ép buộc các cháu trong việc học hành, rồi đưa lại cho những quan chức như vậy để phục vụ sự vui chơi giải trí của họ. Cuối cùng các cháu không vì gì cả. Ai thương các cháu trong vấn đề đó, cho nhiều hay ít thì các cháu cầm thôi.

Ở đây, các cháu chỉ là nạn nhân. Tức là từ thầy giáo ép buộc các cháu trong việc học hành, rồi đưa lại cho những quan chức như vậy để phục vụ sự vui chơi giải trí của họ. <br/>

LS Trần Đình Triển<br/>

Đây không phải là sự mua bán thì tại sao từ chỗ họ trở thành nạn nhân như vậy lại truy cứu trách nhiệm hình sự? Họ cố tình đưa ra để che lấp cho những người đã chơi bời, đã vi phạm pháp luật. Bây giờ trách nhiệm của các cơ quan pháp luật là phải làm rõ và phải xử lý.

Tôi kiến nghị là phải thả ngay hai cháu bé, bởi vì ngoài chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong chính sách hình sự thì còn có luật bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Thứ ba là Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Quốc tế về Quyền trẻ Em và Công ước Quốc tế về Bảo vệ phụ nữ.

Phải quán triệt những văn bản pháp luật đó và phải đình chỉ ngay vụ án môi giới mãi dâm, trả tự do cho các cháu mới là đúng pháp luật.

Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.
Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác. (AFP PHOTO)

“Ba ngành thống nhất”: Sai nhưng không hiếm

Trân Văn: Theo ông, vì sao lại có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong suốt tiến trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án?

Chúng tôi được biết là Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam quy định khá chi tiết và chặt chẽ về trình tự, thủ tục tố tụng để tránh lạm quyền, gây oan sai. Tuy nhiên, theo dõi thông tin về vụ án trên báo chí thì nhiều người có cảm giác là có vẻ như hệ thống bảo vệ pháp luật ở Việt Nam không kiểm soát lẫn nhau. Cả cơ quan điều tra, rồi viện kiểm sát, rồi tòa án, tuy là có những chức trách rất khác nhau nhưng tất cả có vẻ như là một khối thống nhất vậy.

Là một luật sư chuyên tranh tụng, ông hay gặp những trường hợp như vậy hay không, hay là những vụ án như vừa qua chỉ là cá biệt ?

LS Trần Đình Triển: Về luật pháp mà nói thì trong quy định của pháp luật, cơ quan điều tra phải độc lập, cơ quan kiểm sát phải độc lập, cơ quan tòa án phải độc lập. Pháp luật là như vậy và có sự đối trọng lẫn nhau, có sự hạn chế quyền lực lẫn nhau. Ví dụ như Viện Kiểm sát có chức năng kiểm soát việc điều tra trong quá trình điều tra của cơ quan điều tra và giám sát cả công việc xét xử. Họ phải độc lập.

Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi, sự vi phạm tính độc lập này rất nghiêm trọng. Ví dụ như có thể họp liên ngành hoặc họ trao đổi lẫn nhau, họp bàn với nhau, thậm chí có những bản án người ta gọi là "thỉnh thị án" hay trong ngôn ngữ dân Việt Nam, người ta cho là "án bỏ túi".

Song đó là công tác thực hiện, còn luật thì đã có quy định như vậy. Do đó nơi nào mà có những vi phạm đó thì nhân dân cũng như nhà nước Việt Nam không chấp nhận điều đó. Cần phải tìm mọi cách để giải quyết, để tránh sự oan sai.

Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi, sự vi phạm tính độc lập này rất nghiêm trọng. Ví dụ như có thể họp liên ngành hoặc họ trao đổi lẫn nhau, họp bàn với nhau, thậm chí có những bản án người ta gọi là "thỉnh thị án" hay trong ngôn ngữ dân Việt Nam, người ta cho là "án bỏ túi".

LS Trần Đình Triển

Trong thực hiện cũng có những trường hợp là “thống nhất” giữa các ngành với nhau trong tố tụng dẫn đến oan sai, làm cho công tác bào chữa của luật sư rất khó. Tuy nhiên, đấy là cấp dưới. Mọi sự oan sai, chúng tôi phát hiện có như vậy thì chúng tôi kiến nghị với cấp trung ương, không Tòa án Tối cao thì Bộ Công an, không Bộ Công an thì Viện Kiểm sát Tối cao, và không nữa thì phải thông qua bên Quốc hội... Chúng tôi thấy rằng mọi oan sai mà chúng tôi kiến nghị thì riêng với tôi, tôi làm đến cùng để sáng tỏ vụ án. Các cấp, các ngành, cấp trên cũng quan tâm và giải quyết theo đúng pháp luật.

Trân Văn : Thế nhưng tình trạng cả hệ thống bảo vệ pháp luật gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, thống nhất với nhau giống như là một khối độc lập thì có phổ biến không?

LS Trần Đình Triển: Cũng có nơi nọ, nơi kia, vụ này, vụ kia có sự "thống nhất" đó nhưng không phải là tất cả. Qua quá trình làm việc của tôi thì không phải là tất cả.

Sự “thống nhất” đó không phải là đúng luật, bởi vì Tòa phải độc lập, Kiểm sát phải độc lâp, Điều tra phải độc lập. Còn họ họp với nhau... Tất cả hồ sơ chúng tôi làm chưa bao giờ có biên bản đó để trong hồ sơ vụ án, họ bí mật làm với nhau thôi.

Cho nên là nếu có bí mật đó thì với luật sư chúng tôi, chúng tôi thấy rằng không đúng thì chúng tôi kiến nghị lên các cấp cao hơn để giải quyết trở lại thôi. Thế nhưng điều đó đòi hỏi luật sư phải bản lĩnh, hai nữa là mình đã nhận thì vì trách nhiệm của mình trước thân chủ mình phải làm đến cùng, chứ không thể đi nửa đường rồi mình bỏ cuộc thì sự oan sai nó cứ xảy ra.

Đảng CSVN có nghị quyết cải cách tư pháp để đưa đến công bằng, xử cho đúng pháp luật, thực thi cho đúng pháp luật. Đấy là một điều rất đúng. Tuy nhiên giữa đường lối với việc thực hiện thì đây là một quá trình. Tôi cho rằng đất nước nào cũng vậy thôi.

Truy cứu không dễ

Trân Văn: Thưa ông, trên thực tế, từ trước tới nay đã có trường hợp nào mà các cơ quan bảo vệ pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi "thống nhất" với nhau trong việc xử lý một vụ án hình sự không ạ?

LS Trần Đình Triển: Thực ra mà nói, bây giờ tôi nói là nói theo luật và nói theo chứng cứ.

Người ta nói đến cái “trào lưu” có việc họp giữa ba ngành để xin ý kiến về việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với một vụ án nhưng tôi đọc hồ sơ thì chưa bao giờ tôi thấy một biên bản nào họp các ngành cả. Trừ vụ án về phân bón “19 tháng 8” của Hải Phòng cách đây đâu khoảng gần chục năm... Tôi phát hiện trong hồ sơ có một biên bản họp ba ngành để quyết định vụ án đó. Tôi đã sử dụng văn bản đó, tôi đã phân tích là vi phạm nghiêm trọng về pháp luật và sau đó cũng đã được cơ quan ngôn luận, các đồng chí lãnh đạo, nhiều cơ quan đảng và nhà nước ủng hộ rất nhiều.

Từ đó trở đi thì cũng chỉ nghe nói như vậy nhưng còn hồ sơ, chứng cứ để chứng minh rằng có việc đó thì cũng không thấy. Đã là luật thì mình nói phải có bằng chứng chứ không thể suy đoán được, phải không ngài?

Trân Văn: Dạ đúng.

Lỗi hệ thống

Cho đến nay, giới hữu trách chưa xác định ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang, có phạm tội “mua dâm người chưa thành niên” hay không. Ông ta mới chỉ được nhắc đến trong các lời khai và tên ông ta được nêu trong danh sách những cá nhân là viên chức, doanh nhân đã từng ăn nằm với nhiều trẻ vị thành niên.

Trước Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng phân bua là dù pháp luật có quy định, song ông muốn bắt chước ông Phạm Văn Đồng, vì vậy, trong hơn ba năm làm Thủ tướng, ông Dũng chưa xử lý kỷ luật "đồng chí" nào!

Có phải vì sự dính líu của ông Nguyễn Trường Tô đến vụ án này mà từ Cơ quan điều tra, tới Viện Kiểm sát, rồi Tòa án huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cùng vi phạm pháp luật nghiêm trọng tới mức, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm? Đó là thắc mắc của nhiều người nhưng đến nay chưa có câu trả lời.

Đã có một vài thắc mắc liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô từng được nêu ra và cũng chưa có câu trả lời. Ở kỳ họp Quốc hội Việt Nam hồi cuối năm trước, một đại biểu Quốc hội là ông Lê Văn Cuông đã từng nhắc đến Chủ tịch tỉnh Hà Giang như một điển hình của tình trạng không tôn trọng kỷ cương. Đó là đã phớt lờ việc thực hiện một chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam, bất kể nhân vật đứng đầu Chính phủ có văn bản nhắc nhở đến năm lần. Lần đó, trước Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng phân bua là dù pháp luật có quy định, song ông muốn bắt chước ông Phạm Văn Đồng, vì vậy, trong hơn ba năm làm Thủ tướng, ông Dũng chưa xử lý kỷ luật “đồng chí” nào!

Bất kể sóng gió dư luận, “đồng chí” Nguyễn Trường Tô vẫn yên vị.

Bao giờ câu: “Dù pháp luật có quy định nhưng vì thế này nên phải thế kia...” không được các “đồng chí” vận dụng mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trường hợp như trước nay nữa?