Tình cảnh công nhân xuất khẩu Việt Nam

Trong thời gian gần đây, rất nhiều người lao động xuất khẩu Việt Nam bị mất việc nơi đất khách và được thông báo phải về nước trước hạn hợp đồng.

0:00 / 0:00

Thực chất vấn đề ra sao? Thanh Quang tổng hợp các thông tin và ý kiến liên hệ.

Trắng tay về nước

Cuộc khủng hoảng tài chính tòan cầu hiện là nguyên nhân chủ chốt khiến nhiều công ty, nhà máy ở hầu hết thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam phải hạn chế hoạt động sản xuất, thậm chí đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm của lao động xuất khẩu Việt Nam.

Trước tình hình như vậy, Bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam đã thông báo về việc công nhân về nước trước hạn hợp đồng, cũng như đề ra đường hướng giải quyết chế độ bồi thường cho người lao động ở từng thị trường.

Báo điện tử Lao Động số ra hôm thứ Sáu tuần rồi có bài tựa đề “Không để trắng tay về nước”, đề cập tới lời của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Thanh Hòa khẳng định rằng:

“Trước tình hình thị trường lao động ngòai nước có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng suy thóai kinh tế thế giới, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngòai phải về nước trước thời hạn.

Bộ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thực hiện bồi thường cho người lao động đúng theo những gì luật pháp đã đề ra. Doanh nghiệp nào không thực hiện được sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa

Trước tiên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thực hiện bồi thường cho người lao động đúng theo những gì luật pháp đã đề ra.

Doanh nghiệp nào không thực hiện được sẽ phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, các doanh nghiệp cũng phải thanh lý sòng phẳng cho người lao động các lọai phí (như tiền môi giới, tiền dịch vụ) đã đóng…”

Doanh nghiệp phải bồi thường?

Qua báo Tuổi Trẻ online, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngòai Nước cũng cho biết là “Trường hợp người lao động rủi ro mất việc làm về nước trước hạn, khi thanh lý hợp đồng, các doanh nghiệp phải hòan trả một phần phí môi giới và phí dịch vụ cho NLĐ”… “bên cạnh việc được bồi thường tiền lương, lo vé máy bay về nước…” hay “được quyền chuyển đổi chỗ làm” ở thị trường tiếp nhận lao động.

Qua cuộc phỏng vấn mới đây của Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng Phòng Thông tin của Cục Quản Lý Lao Động Ngòai Nước giải thích:

“Những lao động phải về trước hạn hợp đồng vì doanh nghiệp nước ngỏai đóng cửa hoặc giảm sản xuất thì doanh nghiệp ấy phải bồi thường theo quy định trong hợp đồng và theo pháp luật của nước sở tại. Đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Việt Nam cũng phải hỗ trợ cho họ theo hợp đồng đã ký”.

Khi được hỏi là nếu công nhân không được doanh nghiệp nước ngòai hỗ trợ thì sao, ông Nguyễn Gia Liêm đáp rằng: "Tại mọi nước chúng tôi đều có ban quản lý lao động. Công nhân có thể liên lạc với ban quản lý lao động, ở Đại Sứ Quán Việt Nam."

Lao động phải về trước hạn hợp đồng thì doanh nghiệp phải bồi thường theo pháp luật của nước sở tại. Đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Việt Nam cũng phải hỗ trợ cho họ theo hợp đồng đã ký.<br/>

Ô. Nguyễn Gia Liêm<br/>

Đó là chưa kể "lời khuyên" của ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám Đốc Công ty Dịch vụ và Thương mại hàng không, rằng "…Thời điểm này, lao động không nên quá nặng về thu nhập, chế độ hoặc các quyền lợi khác. Hãy cố gắng chờ đợi và cùng nhau chia sẻ khó khăn với nước bạn và doanh nghiệp".

Tình cảnh người lao động

Những lời khẳng định, giải thích, cam kết, khuyên bảo… như vậy của các quan chức Việt Nam được lồng trong các bài báo do nhà nước kiểm soát với những tựa đề màu hồng như “Lao động về nước trước hạn được hòan trả một phần phí môi giới, dịch vụ”, “Lao động mất việc ở nước ngòai được bồi thường”, “Không để trắng tay về nước”, “Lao động xuất khẩu nên ‘vượt bão’ cùng doanh nghiệp”… Hẳn đó là bức tranh khá ổn thỏa đối với giới lao công phải làm việc bằng mồ hôi và cả nước mắt của họ ở xứ lạ quê người.

Nhưng qua những lời phát biểu cùng những nguồn tin như vậy, người ta khó hình dung ra tình cảnh của đông đảo người lao động xuất khẩu Việt Nam hiện ra sao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS trụ sở tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, thì hiện có hàng ngàn lao động Việt Nam lâm cảnh đói khát, vô gia cư vì mất việc làm trên đất khách trong khi giới chủ nhân và các quan chức liên hệ tỏ ra tắc trách.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết:

“Chúng tôi biết được có cả ngàn đồng bào của chúng ta đã bị mất việc, đã bị sa thải ở tại các quốc gia như là Tiệp, Đài Loan, Mã Lai và nhiều nước khác nữa. Những công nhân bị sa thải như vậy đã không được sự trợ giúp nào cả của phía chủ sử dụng lao động.

Họ hòan tòan bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngòai, không được ở trong những khu ký túc xá nữa, khiến họ trở thành vô gia cư, không hề được đồng lương trợ giúp nào về vấn đề thất nghiệp. Thành ra họ hòan tòan trắng tay, phải đi xin ăn chỗ này, chỗ kia, sống nhờ và sống lậu với những người bạn của mình ở những ký túc xá khác…”

Có cả ngàn đồng bào của chúng ta đã bị mất việc, đã bị sa thải ở tại các quốc gia như là Tiệp, Đài Loan, Mã Lai và nhiều nước khác nữa. Những công nhân bị sa thải như vậy đã không được sự trợ giúp nào cả.

TS Nguyễn Đình Thắng

Khi được hỏi về việc bồi thường tiền lương, lo vé máy bay cho những công nhân này trở về nước có dễ dàng như các quan chức Bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam mô tả hay không. TS Nguyễn Đình Thắng đáp:

“Họ không được đưa về nước mới là điều óai oăm, vì họ không có tiền để trả tiền vé máy bay về nước. Thật ra trong hợp đồng ở VN mà họ đã ký kết với công ty môi giới có điều khỏan là tiền phí dịch vụ họ đóng cho công ty môi giới bao gồm việc can thiệp trong trường hợp một công nhân bị nghỉ việc mà không do lỗi của họ, thì công ty môi giới phải can thiệp trợ giúp.

Thứ 2 là phải trả tiền vé máy bay cho họ, thứ 3 là phải hòan trả lại cho công nhân một phần phí dịch vụ cũng như tiền ký quỹ. Thế nhưng các công ty môi giới VN hòan tòan bỏ rơi họ, khiến các công nhân, sau khi bị sa thải, phải đứng đường, không được sự trợ giúp nào cả”.

Vẫn theo TS Thắng, thì tình cảnh người lao động xuất khẩu VN tiếp tục gặp răc rối khi họ bị những chủ lao động cố tình không trả lương cho họ đúng thời hạn, với lời hứa suông là sẽ trả từ từ. Đến khi sa thải công nhân, thì số lương nhiều tháng ấy của công nhân bị lờ đi – tức công nhân bị quịt lương.

Trước tình cảnh của công nhân như vậy, thì trách nhiệm của các công ty môi giới và các quan chức liên hệ ra sao ? TS Nguyễn Đình Thắng nhận xét:

“Cho đến giờ này chúng tôi thấy hòan tòan thiếu tinh thần trách nhiệm từ phía công ty môi giới cũng như từ phía chính phủ VN… Đối với những công nhân sau khi làm việc và bị sa thải sớm thì họ đã cầu cứu với công ty môi giới, nhưng cho tới hiện nay, chưa hề có sự hồi đáp hoặc là tiếp ứng, hỗ trợ nào cả.

Trong khi đó, chính phủ VN cũng chưa có biện pháp nào để một mặt giải cứu cho công nhân, tiếp trợ cho họ thay vì để họ đứng đường, vô gia cư, mặt khác điều tra và phải có biện pháp kỹ luật đối với các công ty môi giới.”

Thưa quý vị, tình cảnh của lao động xuất khẩu Việt Nam trên thực tế gặp nhiều gian truân, như bài báo đăng trong Tuổi Trẻ online số ra hôm thứ Tư tuần rồi mô tả cảnh đời lao đao của người lao động xuất khẩu Á châu, rằng “Ngày ra đi họ ấp ủ hòai bão về một sự đổi đời, nhưng thực tế đón chờ họ lại là cảnh mất việc nơi đất khách và trở thành con nợ ở quê nhà.”