Việt Nam ngày nay: kẻ ăn không hết, người lần không ra

Chuyện giàu nghèo trong xã hội Việt Nam ngày thường tuy thấy khá rõ nhưng dù sao thì cũng chỉ một phần. Mãi khi Tết đến thì bức tranh này mới lộ hết những góc cạnh tương phản của nó.

0:00 / 0:00

Mặc Lâm mời quý vị theo dõi những chi tiết sau đây về hố cách biệt giữa giai cấp giàu nghèo hiện nay trong những ngày giáp Tết.

Mua vui bạc tỷ

Giàu nghèo là chuyện muôn thuở trên trái đất này. Người giàu cảm thấy sức mạnh vô tận của đồng tiền mà họ kiếm được cần phải trưng ra với xã hội để chứng tỏ bản lãnh kinh doanh hay tài năng mà họ trui luyện trong nhiều năm mới đạt được trên thương trường hay trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Sự thành công của doanh nhân là các viên gạch đầu tiên cho một tòa kiến trúc phát triển của quốc gia. Sự giàu có và phong phú trong cách sống đáng được đề cao như những gương thành công góp phần cho nước giàu dân mạnh.

Tục ngữ ngày trước có câu, kẻ ăn không hết người lần không ra, thì đấy không phải là đẹp đẽ gì.

GS Tương Lai.

Thế nhưng, tài sản kiếm được bằng trí tuệ luôn song hành với sự tiêu xài cũng trí tuệ không kém. Những trò mua vui bạc tỷ thường chỉ cốt khoe mẽ xuất hiện nơi những người mà báo chí xưng tụng là đại gia, chỉ nói lên được tính bốc đồng ngạo mạn và đôi khi trở thành hợm hĩnh. Đối với các đại gia loại này, xã hội thường có cái nhìn khác, thiếu tôn trọng và nhiều khi đi tiến tới mức lên án, dè bỉu.

Báo chí trong những ngày cận Tết đăng tải hai tin được xem là nổi bật. Tin thứ nhất, “đại gia” Phan Văn Toàn (thường được gọi là Toàn đô la) ở phố Đoàn Kết, thành phố Việt Trì, Phú Thọ vừa mua một cây sanh cổ giá 10 tỷ rưỡi đồng để trưng Tết. Có người bàn rằng: Cây càng cổ càng có giá trị nên người chơi cây phải am hiểu và biết cách chăm nó không thì quả là phí vì thường là "đại gia" thì mới mua nổi những cây sanh có giá vài trăm triệu”.

Cây sanh cổ thụ của “đại gia” Phan Văn Toàn. Photo courtesy of ktdt.com.vn
Cây sanh cổ thụ của “đại gia” Phan Văn Toàn. Photo courtesy of ktdt.com.vn

Cái cây đặc biệt giá trị này khiến cho ông Toàn sung sướng bao nhiêu thì người đọc báo thấy ngậm ngùi bấy nhiêu. Số tiền quá lớn mà ông Toàn bỏ ra dĩ nhiên không làm mất đi phần nào ngân sách nhà nước, cũng không hao hụt ngân quỹ của cái phường mà ông đang sống nhưng nếu có ai đó hỏi ông rằng ông có tốn đồng thuế nào cho cái cây đáng giá 1 triệu hai trăm ngàn đô la này hay không thì chắc là ông không trả lời thỏa đáng.

Chuyện thứ hai là một đám cưới tại thành phố HCM khiến người bên đường tưởng đang tham dự một cuốn phim tại Hollywood. Tất cả tổng cộng hơn 10 chiếc Roll Royce đưa đón cô dâu. Những gì xa hoa nhất, sang trọng nhất đều thể hiện trên đám cưới này. Hơn 1 triệu đô la cho một đám cưới tại Sài Gòn vào đầu năm 2010 không phải là chuyện dễ gặp và người dân cứ mãi xì xào trước sự hào nhoáng của vị đại gia này.

Khi xe Roll Royce bắt đầu thay thế cho những chiếc mô tô phân khối lớn trên đường phố trong những dịp lễ lạc thì người dân có quyền hy vọng rằng đất nước đã bắt đầu thay da đổi thịt. Nhưng khi những chiếc xe cực kỳ đắt giá này chỉ dùng trong phạm vi gia đình thì hố giàu nghèo đã trở thành hội chứng. Tiêu chuẩn một tháng kiếm được 200.000 đồng được xem là nghèo như nhà nước báo cáo cho các định chế quốc tế về xóa đói giảm nghèo của Việt nam thì rõ ràng xã hội Việt nam không có người nghèo hay người nghèo rất ít. Và cũng tương tự như thế, nếu lấy trị giá số tiền mua một chiếc Roll Royce nhân lên mười như trong đám cưới vừa nhắc tới thì chủ nhân của chúng có quyền hãnh diện cho rằng mình là người giàu không nhất thì cũng về nhì.

Bắt ốc – Đong gạo

Hai trăm ngàn một tháng lương và một cây sanh hơn 10 tỷ thì cái khoảng cách ấy bao lớn? Không mấy ai đo khoảng cách này bằng tiền mà chính xác hơn là phải đo bằng nhãn quan xã hội. Ông Phan Văn Toàn có toàn quyền mua cái cây mà ông thích, nhưng chính phủ và trí thức phải có bổn phận phân tích sự chênh lệch này do đâu mà có. Và bằng cách nào để giảm thiểu hố ngăn cách này qua các nghiên cứu, phân tích thuộc về công việc của nhà nước và trí thức. Ít ra họ phải tìm được biện pháp khả dĩ giảm thiểu hội chứng khoe của từ thành phần giàu có trong xã hội. Nhà giáo Phạm Toàn, một người có nhiều nghiên cứu về hố chênh lệch giàu nghèo cho biết:

“Tôi thấy bất bình ở điều này: Các nhà trí thức không làm một cuộc điều tra nào cả. Họ không để ý người giàu, người nghèo gì nữa đâu. Cái khoảng cách giàu nghèo, sự làm giàu trắng trợn thì các nhà nghiên cứu các sinh viên trẻ tuổi chả có ai buồn để ý cả, đấy mới là cái nguy chứ còn giàu nghèo thì nước nào cũng có. Sự làm giàu bất chính thì nước nào cũng có. Sự hờ hững với người nghèo thì ở đâu cũng có, thế nhưng tầng lớp trí thức thì phải làm cho người ta không hờ hững nữa; đấy là sứ mệnh của anh. Cái đau lòng ở Việt Nam hiện giờ, người có học thì lờ tịt. Tôi chú ý khía cạnh ấy.”

Cái khoảng cách giàu nghèo, sự làm giàu trắng trợn thì các nhà nghiên cứu các sinh viên trẻ tuổi chả có ai buồn để ý cả, đấy mới là cái nguy chứ còn giàu nghèo thì nước nào cũng có.

Nhà giáo Phạm Toàn.

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Hà Nội nhận xét:

“Gần đây nhất trong những ngày giáp Tết này, những hình ảnh trái ngược càng lộ rõ hơn trên mặt báo. Đương nhiên nếu người ta làm ăn một cách chính đáng thì người ta giàu lên mà khi giàu thì người ta có quyền hưởng thụ. Nhưng đứng về đạo lý xã hội mà nói, nếu như không có một cái nhìn đúng đắn thì nó gây nên một sự bất ổn trong tâm lý xã hội. Tục ngữ ngày trước có câu, kẻ ăn không hết người lần không ra, thì đấy không phải là đẹp đẽ gì.”

GS Tương Lai kể lại một bài báo mà ông cho là điển hình của người nghèo, ông nói:

“Vừa qua một số trang phóng sự trên các báo, trong đó trang phóng sự ảnh trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài và hình tựa đề thân cò 76 tuổi, miêu tả một bà cụ 76 tuổi tên Phạm Thị Đoàn ở tình Khanh Hòa phải dầm mình dưới nước biển từ 1 giờ sáng, mò cua bắt ốc để mà đong gạo. Trên bức ảnh đó bà cụ 76 tuổi lưng còng xuống, rất xúc động. Và không phải chỉ có một phóng sự ấy mà còn nhiều phóng sự khác nữa.”

Kết quả là sau khi đăng, bài báo đã nhận được phản hồi hết sức tích cực. Số lượng người biết đến câu chuyện này lên rất cao và người ta đã gửi tới giúp bà cụ một cái Tết ấm áp. GS Tương Lai kể:

“Sau khi tờ báo đưa tin thì bà cụ gọi là thân cò 76 tuổi đó thì nhận được ngay sự hưởng ứng của xã hội. Nhiều người đã gửi tiền gửi quà và nhờ vậy mà bà cụ Đoàn nhận được sự giúp đỡ và năm nay bà cụ có một cái Tết ấm cúng vui vẻ. Vấn đề đặt ra là phải có một đường lối, một quan điểm cho đúng, và trong cái hoạt động văn hóa văn nghệ làm thế nào để đưa cái này lên để cân bằng trở lại nếu không mà cứ đề cao GDP, đề cao cái việc người giàu thì phải hưởng thụ thì nó sẽ đánh mất cái đạo lý dân tộc.”

Nếu những vụ tương tự như bà lão 76 tuổi này xảy ra trước đây thì cơ may mà bà nhận sẽ là rất hiếm. Nhà giáo Phạm Toàn kể lại:

“Ngày trước thì nhà nước còn quy định thí dụ như tấm lòng vàng tặng quà cho dân thì phải tập trung lại một nơi, không cho các tổ chức, các tờ báo, các cá nhân làm nữa. Gặp chuyện lũ rồi mới bắt đầu nới ra, giờ đây không làm xuể nữa. Trước thì phải đưa về một mối là mặt trân tổ quốc thôi. Tức là ngay cả lòng thương cũng được quốc doanh hóa.”

Xe Rolls Royce DropHead trắng trên đường phố Sài Gòn. Photo courtesy of otosaigon.com
Xe Rolls Royce DropHead trắng trên đường phố Sài Gòn. Photo courtesy of otosaigon.com

Ngày nay việc lòng thương được quốc doanh hóa không còn nữa nhưng nhà nước cũng chưa cho thấy mình có cái nhìn toàn cảnh về những hình ảnh trái ngược quá lớn trong xã hội. Những thân cò cặm cụi lượm bao nylon chung quanh những chiếc Roll Royce không thể là hình ảnh đẹp. Thế nhưng nếu những cây cảnh trị giá 1 triệu 200 ngàn đô la được đóng thuế sòng phẳng thì số tiền an sinh xã hội có thể tăng dần lên để có thể dùng chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Lúc đó cho dù khoảng cách giàu nghèo chưa thật sự rút ngắn đi chăng nữa thì bất công cũng không còn chỗ để mà lộng hành trong một xã hội vốn dĩ còn quá nhiều người cùng khổ.