Khi người dân Bắc Giang đồng lòng đòi công lý (phần 1)

Trong những ngày qua, người dân tỉnh Bắc Giang đã dấy lên cơn sốc khi anh Nguyễn Văn Khương bị công an huyện Tân Yên đánh chết và loan tin cái chết của anh do sử dụng ma túy.

0:00 / 0:00

Liệu có chìm xuồng?

Việc làm này khiến gia đình nạn nhân cùng hàng ngàn người kéo nhau phản đối tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang. Trường hợp của anh Khương không phải là trường hợp duy nhất. Hàng loạt vụ công an đánh hoặc bắn chết người liên tiếp xảy ra trong nhiều năm qua đã khiến lòng dân đang tiến dần đến chỗ bất mãn nặng nề và họ đã tự phát nổi lên chống lại.

Hãng thông tấn AFP ngày 27 tháng 7 loan tin dựa theo các báo trong nước về vụ anh Nguyễn Văn Khương bị công an huyện đánh chết đang là đề tài của người dân tỉnh Bắc Giang.

AFP cũng tường thuật lại việc hàng ngàn người dân kéo nhau đến Ủy Ban Nhân Dân tỉnh để phản đối nhà cầm quyền và đòi trừng trị kẻ giết người.

Ở cuối bản tin, AFP cho rằng đây là một điều hiếm thấy tại Việt Nam, khi người dân tự phát tập trung hàng ngàn người một lúc lên tiếng tranh đấu cho công lý và đòi phải trừng phạt kẻ thủ ác.

Trong tố tụng hình sự người ta cũng quy định nếu cần thiết sẽ khai quật tử thi để xét nghiệm pháp y. Có những trường hợp chôn lâu rồi vẫn tìm ra nguyên nhân vì sao chết.

LS. Phạm Hồng Hải

Vụ công an giết người tại Bắc Giang có những diễn tiến khá bất thường so với những vụ trước đó. Người dân đã không còn tâm lý “đèn nhà ai nấy sáng” như bao năm qua.

Khi nghe tin thân nhân của nạn nhân mang xác con lên Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Giang thì hàng ngàn người đã tháp tùng theo một cách rất ý thức. Người dân dọc đường cũng tự ý theo đoàn biểu tình mà không do bất cứ sự vận động nào.

Những diễn tiến này nói lên hai điều, thứ nhất người dân không còn sợ công an như cách đây vài năm, thứ hai cái chết của một người dân bị công an đánh đã gây công phẫn cho dân chúng và vì vậy họ không ngại thời gian, công sức và kể cả có thể liên lụy khi dấn thân vào cuộc biểu tình.

Đây không phải là lần đầu tiên công an tự ý bắt người vào đồn rồi đánh chết nạn nhân sau đó trả xác về cho gia đình với một lý do nào đó. Kịch bản này đã lập đi lập lại nhiều lần trên nhiều tỉnh thành miền Bắc.

Vụ mới nhất chưa được xét xử, nạn nhân là anh Nguyễn Quốc Bảo, 33 tuổi, trú tại tổ 5 phường Mai Ðộng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi được công an quận Hai Bà Trưng “mời” lên làm việc vào chiều ngày 21 tháng 1, 2010, đến rạng sáng ngày 22 tháng 1 đã bị tử vong trên đường tới BV Thanh Nhàn với rất nhiều dấu vết trên thân thể chứng tỏ đã bị nhục hình.

Cha của anh Bảo là ông Nguyễn Quang Phục đã theo tới cùng và nhờ một đơn vị quân đội xét nghiệm pháp y. Bản xét nghiệm đã được Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội xác nhận rằng anh Bảo bị tra tấn đến chết.

bg250.jpg
Thân nhân của anh Khương bên quan tài anh trước cửa UBND tỉnh Bắc Giang hôm 25/7/2010. Photo courtesy of TTXVA.com (Thân nhân của anh Khương bên quan tài anh trước cửa UBND tỉnh Bắc Giang hôm 25/7/2010. Photo courtesy of TTXVA.com)

Trong diễn tiến mới nhất của vụ án Bắc Giang, ông Phục cho chúng tôi biết theo kinh nghiệm của gia đình mình:

"Theo tôi hiểu thì vụ Bắc Giang sẽ bị chìm xuồng vì qua vụ việc nhà tôi tôi mới thấy khám nghiệm tử thi là quan trọng nhất mà đem đi chôn là vứt đi rồi.

Chẳng hạn như vụ Hà Đông của ông Nguyễn Mạnh Hùng đấy. Trước con tôi 2 tháng ở công an quận Hà Đông nó đánh chết cháu Hùng, ông bố cũng nghe công an đem đi thiêu cháu.

Công an sau này bảo con ông bị chết do nhồi máu cơ tim mà chết. Chết do thiếu oxy, thiếu máu. Mà trong khi chết thì người khô đét không lấy đươc máu đi xét nghiệm nữa cơ mà."

Luật sư Phạm Hồng Hải, chủ tịch đoàn luật sư Hà Nội cho biết kinh nghiệm của ông nếu gia đình muốn khởi kiện cơ quan gây ra cái chết cho anh Khương:

"Nói chung gia đình muốn khởi kiện thì phải có bằng chứng để khẳng định rằng vi phạm đó từ phía công an. Bằng chứng thì tôi nghĩ chắc chắn cơ quan có thẩm quyền người ta vào cuộc thì người ta sẽ xác định nguyên nhân do ai thì lúc đó mới xử lý được.

Trong tố tụng hình sự người ta cũng quy định nếu cần thiết sẽ khai quật tử thi để xét nghiệm pháp y. Có những trường hợp chôn lâu rồi vẫn tìm ra nguyên nhân vì sao chết."

Với kinh nghiệm của một thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, luật sư Trần Lâm cũng đồng tình với luật sư Phạm Hồng Hải, ông nói:

"Dù cho có năm bảy ngày hay bao lâu chăng nữa vẫn có thể làm xét nghiệm pháp y được. Vẫn còn tìm được nguyên nhân cái chết. Pháp y vẫn làm được chứ không phải cứ xác chết phải còn mới nguyên."

Không phải lần đầu

Từ đầu năm đến nay, ít nhất đã xảy ra 4 vụ công an CSVN tra tấn người dân đến chết khi giam giữ và 2 người đã bị công an bắn chết.

Ngày 3 tháng 7 năm 2010 anh Nguyễn Năm, giáo dân thuộc ban tang lễ giáo xứ Cồn Dầu, Ðà Nẵng khi được công an thả ra, về đến nhà thì chết, khi tẩm liệm thân nhân phát hiện miệng và tai nạn nhân còn trào máu tươi ra chứng tỏ đã bị đánh đập chấn thương sọ não.

Ông Năm là một trong số những người bị công an thành phố Đà Nẵng điều tra liên quan đến sự chống đối của người dân trong đám ma của một bà cụ hồi đầu tháng 5.

Ngày 8 tháng 6 năm 2010, người ta phát hiện xác một người dân nằm ở ven quốc lộ 6A huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cuộc điều tra cho thấy anh Nguyễn Phú Trung, 41 tuổi, đã bị một nhóm công an đánh gẫy xương sườn, vỡ nội tạng mà chết.

Ngày 25 tháng 5 năm 2010 công an ở Nghi Sơn, khi đàn áp dân biểu tình chống cưỡng chế đất đai đền bù bất công, đã bắn chết một học sinh 12 tuổi. Một nạn nhân khác bị bắn trúng đầu đã chết ở bệnh viện ngày 30 tháng 5, 2010.

Ông Nguyễn Quang Phục cha của nạn nhân Phạm Quốc bảo cho biết sau khi con ông chết oan ông bắt đầu để ý các vụ án khác và ông phát hiện ra rất nhiều điều, ông nói:

ongphuc-laodong.com.vn.jpg
Ông Phục đau đớn nhận xác con trai tại nhà tang lễ BV Thanh Nhàn. Photo courtesy of laodong.com.vn

"Tìm ở trên mạng thì tôi thấy từ năm 2008 tới nay đã có hàng chục vụ người bị chết, bị bắt tại cơ quan công an hay nhà tạm giam, các huyện trên khắp miền Bắc này.

Kỳ này nếu có dịp ra trước tòa tôi sẽ kiến nghị không những gia đình tôi mà tôi còn đưa những vụ án này ra trước tòa cũng như những bằng chứng công an trên toàn lãnh thổ này vi phạm pháp luật."

Sau vụ anh Nguyễn Văn Khương tại Bắc Giang xảy ra ông Phục chia sẻ:

"Tôi biết do thông tin từ ngày hôm qua. Qua vụ này tôi yêu cầu cơ quan chính quyền địa phương phải xem xét lại tư cách đạo đức của một số cán bộ chiến sĩ công an hiện nay. Ngành công an nhân dân hiện nay đã làm mất phẩm chất đạo đức, mất lòng tin của nhân dân."

Tìm ở trên mạng thì tôi thấy từ năm 2008 tới nay đã có hàng chục vụ người bị chết, bị bắt tại cơ quan công an hay nhà tạm giam, các huyện trên khắp miền Bắc này.

Ông Nguyễn Quang Phục

Luật sư Trần Lâm nhận xét việc người dân hồi gần đây tỏ ra bức xúc và có những hành động phản kháng đối với công an lý do từ những sức ép mà chính quyền tạo ra cho người dân qua nhiều sự việc không giải tỏa sự bất mãn của họ, ông nói:

"Hiện nay có vấn đề giữa người dân và cơ quan công quyền. Thế thì nếu mà mình nói rằng công an đánh người theo chỉ thị của cấp trên để đánh chết đứa bé con thì chắc là không có. Nhưng vì họ bức xúc quá, hiện nay bức xúc lắm giữa tình hình người dân và nhà nước và công an luôn luôn bức xúc."

Liệu những bức xúc này của người dân khi nào sẽ được giải tỏa. Phải chăng họ chờ đợi từ công lý phân minh hay một sự đền bù thỏa đáng? Người dân có kỳ vọng hay tin tưởng vào cán cân luật pháp Việt Nam nữa hay không và ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước các vụ sát nhân này? Mời quý vị đón theo dõi tiếp bài tới.

Theo dòng thời sự: