Chính quyền xem thường luật pháp ...
Liệu hành động xem thường luật pháp của một số phần tử xấu có phát xuất từ chính sách bao che mà lâu nay người dân đã quá chán chường hay không?
Sau khi hàng ngàn người dân tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang phản ứng mạnh mẽ trước cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Văn Khương bị công an đánh chết, báo chí nhà nước đồng loạt loan một tin được phát ra từ TTXVN cho biết việc anh Khương chết do sức khỏe không bình thường, trong bản tin có đoạn:
"Vụ việc được xác định như sau: khoảng 18 giờ ngày 23/7, lực lượng tuần tra cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Yên phát hiện anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, quê xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đi xe máy biển kiểm soát 98M9-3894 chở chị Phạm Thị Ngoãn, 20 tuổi, quê xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (cùng tỉnh Bắc Giang ), có lỗi vi phạm an toàn giao thông trên đường 398 thuộc địa phận thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên.
Phải khẳng định ngay cái việc một thanh niên chết trong trụ sở công an Bắc Giang là một vụ mang tính hình sự đã. Mà đã là một vụ hình sự thì phải được giải quyết theo phương thức hình sự, đó là phải mời thân nhân của nạn nhân trước khi làm bất kỳ hình thức gì.
TS Luật Cù Huy Hà Vũ
Công an đã đưa phương tiện và người vi phạm vào trụ sở để lập biên bản xử lý. Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khám nghiệm hiện trường và tử thi. Đến 2 giờ 30 ngày 24/7, công an bàn giao tử thi cho gia đình anh Khương mai táng."
Bản tin này rõ ràng là cách tránh né dư luận, hay nói khác đi cố ý bóp méo sự thật như những gì mà báo chí truyền thông được gọi là lề phải từng làm trong nhiều năm qua trước những vụ có tính chất nghiêm trọng.
Không những bóp méo sự thật, bản tin còn cho thấy công an huyện Tân Yên đã cố tình xóa dấu vết tội phạm khi ngang nhiên mổ tử thi xét nghiệm mà không có mặt thân nhân người bị nạn. Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ phân tích hành vi phạm pháp này như sau:
Phải khẳng định ngay cái việc một thanh niên chết trong trụ sở công an Bắc Giang là một vụ mang tính hình sự đã. Mà đã là một vụ hình sự thì dù ốm đau thậm chí là chết rồi thì phải được giải quyết theo phương thức hình sự, đó là phải mời thân nhân của nạn nhân trước khi làm bất kỳ hình thức gì. Kể cả trong tình trạng tắt thở rồi, thì gia đình cũng cần phải có mặt. (Chỉ có) xóa dấu vết tội phạm thì mới giải phẫu mà không có mặt gia đình nạn nhân!
Dưới cái nhìn của một nhà xã hội học, giáo sư Tương Lai nhận định về bài báo đăng trên các báo lề phải trong vụ này:
Những thông tin về Bắc Giang mà báo chí trong nước cũng chỉ đưa một cách khiêm tốn. Tôi đọc trên VietnamNet thì thấy cái cách chính quyền trả lời đối với báo chí xem ra không ổn. Cách đây hai hôm tôi đọc trên BBC và tôi thấy những hình ảnh đó (người dân biểu tình ở Bắc Giang) bản thân tôi cũng đặt ra những câu hỏi.
Với tư cách là một người nghiên cứu xã hội tôi cho rằng đây là một vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc với bộ máy lãnh đạo. Khi tôi nói bộ máy lãnh đạo tức là tôi muốn nói đảng và nhà nước. Cả cái hệ thống chính trị mà lâu nay người ta vẫn nói: đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
... nên người dân phẫn uất
Với số dân chúng tập trung một cách bất thường trước cổng UBND tỉnh Bắc Giang xưa nay chưa từng xảy ra, báo chí loan tin này cho rằng người dân bị các thành phần quá khích xúi dục, Luật sư Trần Lâm nhận định:
Hiện nay tình hình bức xúc với công an, nhà nước bởi vì người ta bị mất nhà mất cửa người ta kêu cứu không tới. Thế nhưng công an cứ nghĩ rằng có một kẻ nào đó xúi giục để làm cho nó to chuyện lên, làm cho trật tự nó xấu đi, làm cho chế độ xấu đi.
Đối với Giáo sư Tương Lai, ông kể lại kinh nghiệm bản thân ông về việc này:
...nếu như nhà nước không trừng trị, và xem đó chỉ là một hoạt động bình thường thì đấy là một nguy cơ, và nếu không xử lý thì nhất định nó sẽ dẫn tới những bất ổn trong xã hội.
Giáo sư Tương Lai
Những người dân không phải là ngẫu nhiên hay như những ngôn từ trong các bài báo nói là do những phần tử cực đoan xúi giục và họ đi biểu tình. Quá khích vì họ đập phá. Chuyện này tôi có một thực tế, cách đây đã lâu hơn 10 năm rồi khi mà tôi với tư cách là một nhà khoa học, xã hội học theo yêu cầu của thủ tướng Võ Văn Kiệt tôi về nghiên cứu các vụ bạo động ở Thái Bình, Quỳnh Phụ thì tôi hiểu rõ người dân họ hiền hòa và không bao giờ họ muốn nổi loạn, gây chuyện với chính quyền cả. Chỉ có khi tức nước thì mới vỡ bờ mà thôi.
Bạo động do tức nước vỡ bờ cũng được Luật sư Trần Lâm kể lại từ những vụ khác xảy ra tại Thanh Hóa và Hà Đông, ông nói:
Mình phải hiểu tình hình hiện nay nó khẩn trương lắm rồi ông ạ. Ở Thanh Hóa vừa bắn chết một thằng bé. Bắn chết thằng bé con xong người ta vào phá nhà thằng chủ tịch.
Thí dụ nhiều chuyện trong nước như thế này, người ta mang cả ô tô công an người ta đập! Người ta đẩy ô tô xuống sông. Ở Hà Đông cách đây ít tháng có chuyện một thằng bé con nó hơi quá đáng nên công an giải tỏa đất đai bắt thằng bé lên ô tô. Thế là mấy chục bà cởi truồng ra họ bao vây cái ô tô đó. Họ bảo nếu các anh không thả thằng bé con chúng tôi sẽ lật đổ ô tô. Thế là công an phải thả ngay.
Các cơ quan hữu trách Việt Nam chưa có thói quen trả lời báo chí một cách thẳng thắng để đưa tin nhanh chóng và trung thực một vụ việc xảy ra. Vụ Bắc Giang cũng không ngoại lệ, khi chúng tôi cố gắng liên lạc với công an tỉnh Bắc Giang để tìm thêm thông tin về vụ này thì được ông Nguyễn Thanh Nghi, phó công an tỉnh Bắc Giang trả lời:
Tôi không trả lời qua điện thoại, vụ đó tôi không xử lý…
Cách giải quyết này không làm cho vấn đề được sáng tỏ hơn mà càng làm cho người dân thấy công an và các cơ quan công quyền đang cố tình bao che cho những kẻ phạm tội. Giáo sư Tương Lai, nhận định việc giải quyết tận gốc rễ những bức xúc của người dân là trách nhiệm của nhà nước và tùy thuộc cách giải quyết ấy người ta có thể biết những người lãnh đạo của nhà nước ấy như thế nào, ông nói:
Thái độ của một nhà nước có trách nhiệm là một nhà nước phải nghiêm túc xử lý. Cái chuyện cá biệt công an dùng bạo lực đánh đập người dân đến tử vong, chuyện ấy dễ hiểu. Nhưng cái không dễ hiểu nếu như nhà nước không trừng trị, và xem đó chỉ là một hoạt động bình thường thì đấy là một nguy cơ, và nếu không xử lý thì nhất định nó sẽ dẫn tới những bất ổn trong xã hội.
Người dân đang chờ đợi nhà nước chính thức có câu trả lời về vụ giết người này. Trả lời đúng tinh thần luật pháp và trách nhiệm, lúc ấy mới mong người dân tin tưởng trở lại vào hệ thống luật pháp Việt nam hiện nay.
Dư luận phía sau những bài báo vừa được nhắc tới trông đợi báo chí viết và đưa tin trung thực, nhanh chóng và khách quan hơn trước bất cứ vụ án có nhân vật tai to mặt lớn nào đứng phía sau. Có như thế báo chí mới đáng hãnh diện là phát huy quyền tự do ngôn luận, một quyền quan trọng được hiến pháp Việt Nam bảo vệ.