Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong chương trình văn học nghệ thuật tuần này, Mặc Lâm gửi đến quý vị cuộc mạn đàm với nhà thơ nữ Trần Mộng Tú xoay quanh việc sáng tác của nhà thơ hơn ba chục năm qua.
Bà Trần Mộng Tú từng là thư ký cho hãng thông tấn AP ở Sài Gòn trước năm 1975. Sang Mỹ, bà cộng tác với báo Los Angeles Time và tiếp tục sáng tác trong hai lĩnh vực thơ và tản văn. Bà có nhiều tác phẩm xuất bản tại hải ngoại và tác phẩm mới nhất vừa ra mắt là tập tạp văn: “Mưa Saigon, Mưa Seattle”.
Mặc Lâm: Thân chào nhà thơ Trần Mộng Tú.
Trần Mộng Tú: Chào anh Mặc Lâm. Kính chào quý vị thính giả đài Á Châu Tự Do.
Mặc Lâm: Không biết nên gọi là nhà thơ hay nhà văn đây, vì chị vừa làm thơ lại vừa viết văn. Trong sáu tác phẩm đã xuất bản, có 3 tập thơ và 3 tập văn xuôi. Tác phẩm mới nhất là tạp văn, Mưa Sài Gòn Mưa Seattle.
Trần Mộng Tú: Sao cũng được anh ạ. Thú thật, nhiều khi tôi cũng chẳng biết nên gọi mình là cái gì, mình thích thì mình viết, khi thì ra văn khi thì ra thơ. Còn anh, anh cho tôi là nhà văn hay nhà thơ?
Mặc Lâm: Nhiều người gọi chị là nhà thơ. Thưa chị, không biết vừa viết văn vừa làm thơ, giữa hai lĩnh vực chị thấy phần nào thường gây khó khăn cho chị nhất? Và tại sao chị lại chọn cả hai?
Trần Mộng Tú: Thưa anh, làm thơ thì lúc nào cũng làm được, không biết với người khác thì sao, riêng với tôi, thơ đến thường không hẹn trước, có lúc đang thơ thẩn ngắm hoa trong khu vườn sau nhà, có lúc trên đường lái xe đi làm, lại có cả lúc đang đi shopping, thơ đến thì làm ngay, bằng cách ghi vội ghi vàng đâu đó… rồi tính sau, chẳng phải thu xếp thời giờ trước.
Viết truyện ngắn thì hoàn khác, phải thu xếp thời giờ trước, phải suy nghĩ, phải sắp đặt ý tứ…Thơ, là cảm xúc riêng của mình, còn truyện ngắn thì có thể viết về mọi vấn đề, về chuyện của người khác.
Theo tôi, vấn đề không phải là thơ hay văn khó hơn. Nhưng viết gì và viết như thế nào mới là khó. Còn nói chuyện chọn lựa thì tôi không có ý chọn lựa gì cả, thưa anh, thích gì thì tôi viết đó, tùy lúc, tùy chuyện…
Mặc Lâm: Cảm giác chính xác nhất của chị bây giờ.? Chị thấy mình thuộc về phần đất nào? Của quê hương hơn 30 năm trước hay nơi mà chị đang sống và làm việc?
Trần Mộng Tú: Khó nói quá anh à. Cuốn tạp văn Mưa Sài Gòn Mưa Seattle vừa xuất bản, tôi chọn cái tựa đề đó cũng là để nói lên cái cảm giác phân vân bất định của mình, không biết mình thuộc về đâu. Đất nước bên kia sinh ra mình, cho mình biết bao tình cảm mặn nồng của một quê hương, đất nước bên này cưu mang mình những lúc khốn khó.
Nằm ở đây, nghe mưa Mỹ, da diết nhớ mưa Sài Gòn, về Sài Gòn, lại bồn chồn quay lại để được nhìn mưa Mỹ. Trong cuốn Mưa Sài Gòn Mưa Seattle này, tôi có viết một bài có tựa đề “Tôi là ai?”, tự vấn và tìm cách trả lời để rồi rốt cuộc vẫn không biết mình là ai, Việt Nam hay Mỹ.
Nhưng nghĩ cho cùng, như anh đã biết, dù mình sống ở đâu, dù mình đặt câu hỏi nào, cái phần đất mình ở, sinh sống chỉ là một mặt phẳng diện tích mình bước trên đó, cái hồn của mình bao giờ cũng thuộc về nơi mình đã gọi là quê hương.
Mặc Lâm: Những bài thơ của chị vào thập niên 90 xem ra còn nhiều dấu tích của thơ mới. Trau chuốt và ý tứ trong từng câu chữ. Người đọc bỗng nhận thấy một Trần Mộng Tú cứng cỏi hơn ở những bài thơ mới đây. Việc gì đã góp phần thay đổi này?
Trần Mộng Tú: Thế à, anh thấy tôi có thay đổi trong cách làm thơ à. Anh nói "cứng cỏi". Có phải anh muốn nói thơ tôi bây giờ ít mềm mại hơn ít trau chuốt hơn không? Nghĩa là cách tân hơn, mới hơn? Thú thật, tôi không mấy để ý đến chuyện này.
Tôi thích làm thơ tình, trước đây là vậy, bây giờ cũng vậy. Mà thơ tình thì nội dung muôn đời giống nhau, nghĩa là phải là…tình. Mà tình thì không thể thô tháp được. Tôi luôn luôn muốn đổi mới trong thơ, trong cách dùng ngôn ngữ. Có lẽ anh nói đúng, thơ tôi bây giờ có vẻ cứng cỏi, không mấy chau chuốt, có mới hơn, khác hơn. Mà không khác sao được, một chục mười lăm năm trôi qua rồi.
Tôi thích đổi mới, luôn luôn đổi mới, và theo tôi đổi mới có nghĩa là chữ phải lạ, ý phải lạ, gây ngạc nhiên, NHƯNG VẪN PHẢI THƠ. Tôi không thích dùng những chữ thô tháp trong thơ rồi gọi là MỚI.
Mặc Lâm: Tại sao chị thích lập những hình ảnh ẩn dụ từ bài thơ này sang bài thơ khác trong khoảng thời gian rất xa. Chẳng hạn như: (2002) "Chân của anh em giấu vào giầy nhỏ / anh sẽ theo em đi thật là xa / khi trở về dẫu tuổi gầy sương tuyết / bốn bàn chân sẽ làm ấm thềm nhà" và mới đây, năm 2006 "Anh đang ở trong đôi giầy / em bỏ giầy ra / tôi quăng giầy thật xa / còn hai bàn chân nhỏ / hai bàn chân trần / đặt trên mặt đất / mỗi ngón chân như một câu thơ / làm sao vứt / Giầy có phải là hình ảnh quen thuộc trong trí nhớ hay chỉ đơn thuần vì cái "form" của chúng đã thuyết phục chị?
Trần Mộng Tú: Anh đọc kỹ thật. Tôi không có ý dùng ẩn dụ này nọ đâu. Những hình ảnh mà anh nêu ra đó là những hình ảnh rất thân mật, rất gần gũi của đời sống hàng ngày. Tôi nhìn ngắm chúng hàng ngày. Tôi yêu mến chúng. Tôi thích dùng những hình ảnh rất thân mật của đời thường trong thơ.
Sẵn trước mắt tại sao mình không dùng lại đi tìm đâu xa, phải không anh? Chân tay, giầy dép, khăn áo, thân thể là những thứ mình chạm vào thường ngày, mình cho nó là thơ thì nó thành thơ. Năm 2002 hay 2006 hay năm 2050 chăng nữa thì giầy hay áo vẫn thơ như thường.
Mặc Lâm: Chị có thấy viết thật sự là một gánh nặng hấp dẫn? Điều gì giữ chị ở tương đối lâu trong mảnh đất này? Văn chương có cho chị cảm giác được đền bù?
Trần Mộng Tú: Tôi làm thơ như tôi thở, anh à. Nếu viết là một gánh nặng thì chắc chẳng bao giờ tôi muốn mang vác cả. Văn chương là một phần của đời tôi, giúp tôi sống nhẹ hẫng. Mỗi ngày tôi không viết, thì đọc. Theo tôi, nếu sống mà chỉ thuần nhất lo sinh kế, lo miếng cơm manh áo, lo công danh sự nghiệp không thôi thì chắc đời sống sẽ nặng hơn nhiều.
Mặc Lâm: Văn chương trong nước đang rộ lên những cây viết nữ, tất cả đều còn rất trẻ và nhiều người trong họ có văn phong rất lạ. Theo chị thì điều gì góp phần tạo ra hiện tượng này?
Trần Mộng Tú: Vâng, tôi có đọc các sáng tác của một số các cây bút nữ trong nước. Anh cho là họ có văn phong rất lạ. Vâng, rất lạ, lạ lắm. Lạ nhất là các cô đua nhau viết về tình dục. Đủ kiểu đủ loại. Mà tình dục thì đâu có gì là lạ thưa anh. Anh đọc nhiều anh biết, văn chương cổ kim đâu có thiếu người viết về tình dục. Nếu viết về tình dục mà viết thật hay thì mới là giỏi, là lạ.
Ông nhạc sĩ Phạm Duy viết bản nhạc Cỏ Hồng suốt từ đầu bài đến cuối bài tả về tình dục mà kiếm mãi không ra một chữ nào thô tháp, một chữ nào nói đến bộ phận sinh dục cả. Cái đó mới là lạ chứ! Bài hát cả mấy chục năm mà hát lên lúc nào cũng như mới nghe lần đầu. Anh có đồng ý với tôi như thế không?
Còn hiện tượng đua nhau viết về tình dục chắc có nhiều nguyên nhân khác nhau:Như muốn tự giải phóng, muốn bình đẳng- đàn ông làm được gì, phụ nữ cũng làm đuợc ngang hay hơn thế chẳng hạn.- Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là muốn đuợc mọi người biết đến mình bằng con đường tắt.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn và thân chào nhà thơ Trần Mộng Tú.
Trần Mộng Tú: Xin cám ơn anh. Xin cám ơn và trân trọng kính chào quý vị thính giả đài Á Châu Tự Do.