Hành trình đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của một số trí thức miền Nam (phần 2)

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Vào ngày này năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập như một tập hợp những người miền Nam chống đối lại chính phủ hợp pháp lúc bấy giờ ở miền Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo.

Tuy nhiên, trong thực tế, Mặt Trận được thành lập theo quyết định của Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng Lao động Việt Nam, tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam, và được sự yểm trợ mọi mặt của miền Bắc, lúc bấy giờ là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Một số nhân sĩ miến Nam thời đó đã đi theo Mặt Trận, giúp họ tạo dựng được một số uy tín nhất định.

Biên tập viên Nguyễn An của Ban Việt ngữ RFA phỏng vấn Tiến sĩ Dân tộc học Lê Văn Hảo, giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế, Đà Lạt và Sài Gòn về hành trình đi theo Mặt Trận của ông.

Ông Lê Văn Hảo từng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạnh Thừa Thiên - Huế hồi Tết Mậu Thân 1968. Khi được hỏi ông vào Mặt Trận từ bao giờ, Tiến sĩ Lê Văn Hảo kể tiếp:

Lê Văn Hảo: Sau khi tôi nhận chức đó rồi thì có nhiều cuộc họp và họ nói cho tôi biết thế nào là chủ nghĩa CS, thế nào là chủ nghĩa Max Lenin, thế nào là chính quyền cách mạng, thế nào là đấu tranh giai cấp. Họ cũng làm cho tôi một loạt các bài học vỡ lòng để cho tôi biết chức vụ đó thì tôi phải nên làm thế nào để cho xứng đáng với chức vụ đó

Nguyễn An: Thưa Ông, như vậy tức là Mậu Thân sau khi họ tấn công Huế thì sau đó họ đưa ông về?

Lê Văn Hảo: Không! Tôi không có về lúc đó, lúc đấy là chỉ có mấy anh CS về đánh nhau ở dưới thành phố thôi, chớ còn tôi họ đâu có dám đưa tôi về! Họ biết rằng khi tôi nhận thì tôi cũng miễn cưỡng mà nếu đưa tôi về thì tôi chắc cũng chuồn luôn thì họ đâu có dám đưa tôi về. Trong tất cả khi nổ ra Mậu Thân tức là trong 26 ngày đêm CS chiếm thành phố Huế thì tôi ngồi trên núi để nghe đài phát thanh suốt ngày, tất cả những gì xảy ra dưới Huế tôi chỉ biết qua đài phát thanh của Hà Nội và đài phát thanh giải phóng.

Nguyễn An: Tức là Ông không biết những cái gì thêm ngoài những điều mà đài phát thanh nói?

Lê Văn Hảo: Tôi không thể biết được bởi vì tôi không có mặt ở Huế mà nó đâu có dám để cho tôi về Huế vì anh biết khi nó đề nghị một chức vụ như vậy là cả một sự áp đặt. Nó nói là anh phải nhận, nếu anh không nhận thì anh cũng không còn đường về thì cả một sự đe dọa . Anh có thấy tính chất đe dọa đàng sau lời đề nghị đó không?

Nguyễn An: Đây là một chi tiết rất là mới bởi vì hồi xưa cho đến bây giờ người ta cứ tưởng rằng là những đoàn quân họ chiếm đóng Huế hai mươi mấy ngày đó là Ông về trực tiếp điều hành công việc ở đó, thì hóa ra hoàn toàn không có chuyện này!

Lê Văn Hảo: Than ôi! Đó không phải là sự thật lịch sử mà tôi chỉ là một con tin đã bị ở trong thế kẹt phải nhận lấy chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mà mong có ngày về với vợ con thôi! Chớ tôi nói thật với anh vai trò của tôi trong Tết Mậu Thân là vai trò hoàn toàn thụ động, tôi chỉ ngồi trên núi để nghe đài, nghe tin tức. Rồi lâu lâu mấy ông như: Trần Văn Quang và các ông lãnh đạo khác ở Thừa Thiên, Huế ghé qua thăm và an ủi tôi và nói là sự việc diễn biến như vậy thì mình theo thời cuộc thôi, mình phải theo cách mạng thôi, chớ không có cách nào khác. Anh thấy như vậy đó!

Nguyễn An: Tức là cũng không có ai báo cáo với Ông tình hình như thế nào với tư cách là chủ tịch UBND hết?

Lê Văn Hảo: Có chứ! Tức là trong khi đánh nhau và chiếm thành phố Huế như vậy thì chúng có điện đài theo dõi thì cũng nắm được tình hình lắm chớ, chớ đâu có phải là không biết gì!

Nguyễn An: Sau khi rút ra khỏi Huế rồi, thì ông vẫn tiếp tục trên núi hay là ông đi theo họ?

Lê Văn Hảo: Dạ thưa tôi vẫn tiếp tục ở trên núi và lúc đấy thì quân đội Hoa Kỳ và quân đội VNCH đã phản ứng rất mạnh bằng cách ném bom rất dữ dội các vùng giải phóng chung quanh các thành phố lớn, thú thật với anh là chúng tôi sống toàn trong các hang núi, nếu ra ngoài thì cũng ăn bom như thường vì tình hình quá căng thẳng, bom đạn quá sức tưởng tượng.

Cho nên lệnh ở ngoài Hà Nội là đưa những người gọi là nhân sĩ theo cách mạng như là Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, tôi, cụ Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Tiềm và một số vị khác, để đưa các vị này ra ngoài Bắc.

Như vậy chúng tôi bắt đầu lên đường,nếu tôi nhớ không lầm, vào đầu tháng 7, tôi phải đi theo đường Trường Sơn (đường mòn HCM), ngày thì ngủ trong hang, đêm thì đi và tôi đến Hà Nội vào ngày mùng 3 tháng 9 năm 1968.

Nguyễn An: Dạ thưa, đi cùng với ông có các vị trí thức mà Ông đã nêu trên?

Lê Văn Hảo: Dạ đúng, có cả phái đoàn như vậy và trong đó có nhiều vị phải ngồi võng như cụ Đôn Hậu phải ngồi võng cho 2 anh quân giải phóng khiêng, bà Nguyễn Đình Chi và cụ Nguyễn Đóa cũng ngồi võng, còn tôi lúc đó chỉ mới 32 tuổi thì tôi đi bộ như mọi người thôi

Nguyễn An: Lúc ở với nhau trên núi thì ông có nói chuyện với các vị kia không?

Lê Văn Hảo: Có chứ! Chúng tôi sống chung trong một khu vực

Nguyễn An: Hoàn cảnh đưa đẩy họ đến núi đó có tương tự như ông không?

Lê Văn Hảo: Giống hệt như tôi! Vị nào cũng được mời họp hết. Riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc mà quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp thì nó cũng võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy, tức là mời bà đị họp rồi võng Bà lên núi luôn.

Những người trẻ hơn như anh Tôn Thất Dương Tiềm thì lúc đó đi theo quân giải phóng, ông Tiềm là Việt Cộng nằm vùng mà! và một vài vị khác cũng là Việt Cộng nằm vùng thì cũng tà tà lên núi thôi và tất cả chúng tôi gặp nhau ở trên núi, và khi đi ra ngoài Bắc thì chúng tôi cũng đi cùng một lượt với nhau.

Nguyễn An: Như vậy thì ông sinh hoạt ở trong đó bao lâu thì biết rằng là MTGPMN chỉ là chi nhánh của Mặt trận Tổ quốc ở miền Nam thôi?

Lê Văn Hảo: Nói thật anh, việc ấy thì tôi biết ngay khi tôi lên trên núi thì tôi biết MTGP là một trò bịp bợm, tức là một tổ chức hữu danh vô thực, nó là tổ chức của CS thôi, gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhưng mà tất cả đều do Hà Nội chỉ đạo thôi . Việc đó tôi biết ngay và họ cũng không dấu anh ạ ! Lúc đó mình ở trong tay họ rồi nên họ cũng không dấu.

Nguyễn An: Ông ở đó cho đến năm 1975?

Lê Văn Hảo: Anh nói đúng, tôi đến Hà Nội tôi là khách của Trung Ương Đảng cùng với nhóm của chúng tôi như Hoà thượng Thích Đôn Hậu, v.v... Trong mấy năm từ 1968 đến năm 1975 là tôi được học trường Đảng, tôi được Đảng giáo dục cho trong bấy nhiêu năm học nhiều về chính trị như thế nào là cách mạng, giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp v.v...

Học như vậy trong mấy năm liền mà cuối cùng sau khi học 5 năm thì có một cuộc kiểm tra, tôi nói thật với họ là những thứ này tôi không hấp thụ được, chủ nghĩa Max Lenin và chủ nghĩa CS đối với tôi là một cái gì quá xa lạ và tôi không chấp nhận. Anh có biết khi tôi nói như vậy là rất dại dột.

Nguyễn An: Đó, chính muốn hỏi anh ở chỗ đó…

Lê Văn Hảo: Dại dột bởi vì họ bày ra chuyện học tập, rồi bày ra cuộc thi cử như vậy để xem thái độ mình thế nào? Những ông lãnh tụ cộng sản cũng nói ra mặt: "Người như anh Lê Văn Hảo này không xài được!"

Nguyễn An: Nhưng sau đó họ có thay đổi cách đối xử với ông không?

Lê Văn Hảo: Dạ không, họ rất là ngoại giao, họ đổi xử bình thường thôi, nhưng họ biết là loại này sau 1975 sẽ cho vào giỏ rác… Nguyễn An: Và họ đã làm như thế?

Lê Văn Hảo: Và họ đã làm như thế 100%.

Thông tin trên Internet:

- Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

- Đảng Cộng sản Việt Nam

- Sự kiện Tết Mậu Thân - Wikipedia

- Thảm sát Huế Tết Mậu Thân - Wikipedia