Lê Dân, phóng viên đài RFA
Vẫn về vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh 18 năm trước, thân quyến của những nạn nhân vừa tổ chức một buổi hội thảo tại Bắc Kinh hồi tuần qua. Mục đích là nhằm lên án hành vi của Nhà nước trấn áp chính công dân của mình.

Từ nhiều năm qua, kể từ sau biến cố Thiên An Môn, thân quyến của các nạn nhân đã tìm đến với nhau để an ủi, úy lạo và chia xẻ nỗi mất mát, đau đớn. Một trong những nhóm người đó đã tự mệnh danh là "Những người mẹ Thiên An Môn" bao gồm các bà có con bị bắn chết trong phong trào sinh viên đòi dân chủ đó.
Cho tới nay, ngoài lời kể của các nhân chứng và ký giả có mặt vào thời điểm đó tại Bắc Kinh là có tới hàng ngàn người bị tàn sát, phía nhà cầm quyền Trung Quốc hoàn toàn giữ im lặng. Không một mẩu tin nhỏ nào nhắc đến, mà càng không có bất cứ số liệu liên quan nào được công bố.
Theo biên bản buổi gặp gỡ của "Những người mẹ Thiên An Môn" gởi cho tổ chức "Nhân quyền Trung Quốc" thì cuộc họp mặt của họ là lần đầu tiên và nguyện vọng của họ là mong Nhà nước chính thức đưa ra lời tạ lỗi với thân quyến và những nạn nhân vụ Thiên An Môn.
Bà Ma Xueqin viết lại trong biên bản rằng "con gái tôi, lúc đó chỉ là một sinh viên 19 tuổi. Nó đã chạy trốn vào một ngõ hẻm, mà vẫn bị đuổi theo bắn chết. Bắn như vậy có phải là sát nhân hay không ?"
Không dám nhìn nhận sự thật
Thiên An Môn là quảng trường rộng lớn nhất thế giới, trải ra trên 440 ngàn mét vuông. Tọa lạc ở phía Nam của Tử Cấm Thành, nó đã là một trong những biểu trưng ấn tượng nhất của thủ đô Trung Quốc. Nó hiện diện trong tâm trí người dân Hoa Lục như biểu tượng tổ quốc.
Hôm thứ Bảy, nhiều học giả, trí thức Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh hủy bỏ lệnh cấm đề cập tới biến cố Thiên An Môn. Trong số đó, nổi tiếng nhất là ông Bảo Đồng, trợ lý cao cấp của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, vốn bị mất chức do không đồng tình với Thủ tướng Lý Bằng và Trung ương đảng sử dụng bạo lực để trấn áp sinh viên Thiên An Môn.
Ông Bảo Đồng khẳng định việc Bắc Kinh không dám nhìn nhận sự thật đã cản trợ mọi nỗ lực cải tổ đất nước. Theo ông thì cần phải can đảm nhận lỗi lầm đã trấn áp công dân của mình, thì Nhà nước mới có thật tâm thực thi Hiến pháp, tạo cơ hội cho Trung Quốc kiến tạo hòa bình lâu dài cho đất nước trên cơ sở dân chủ đích thực.
Người trợ lý cao cấp của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương nói rằng trách nhiệm trực tiếp của vụ thảm sát Thiên An Môn là ông Đặng Tiểu Bình, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay vẫn có nghĩa vụ phải giải quyết.
Bức tâm thư của ông vừa phổ biến tại Hồng Kông viết rằng " Đặng Tiểu Bình đã chết, nhưng người dân Trung Quốc bình thường vẫn có quyền đòi hỏi một lời giải thích. Dù các nhà lãnh đạo hiện nay không có khả năng để giải quyết các tồn đọng, thì ít ra họ cũng nên đưa ra những nhận xét một cách chân thành và với tinh thần trách nhiệm".
Tổ chức Amnesty International, tức Ân xá Quốc tế, hôm thứ Bảy cũng phổ biến bản thông cáo về vụ thảm sát Thiên An Môn 18 năm trước. Tổ chức này khuyến cáo Bắc Kinh nên nhìn nhận sai lầm, vì kinh nghiệm trên tòan cầu cho thấy là sự ổn định bền vững chỉ có thể đạt được khi can đảm nhìn nhận sai lầm trong quá khứ mà thôi.
Những người thanh niên, sinh viên, công nhân Trung Quốc khi tham gia biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn 18 năm trước vẫn say sưa ca tụng, yêu thương quảng trường này là nơi mặt trời hồng vẫn mọc, là nơi chủ tịch Mao Trạch Đông sẽ dẫn đường cho toàn dân tộc tiến lên......và họ đã bị bắn chết, bị tù đày............