Thảm kịch ở Campuchia: Trách nhiệm thuộc về ai?

Không có dấu hiệu nào mà Đô trưởng Kep Chuk Tema, và Cảnh sát trưởng Touch Naroth từ chức hay bị đình chỉ công tác, mặc dù bị chỉ trích từ dân, tổ chức nhân quyền và một số đảng phái chính trị liên quan vụ hỗn loạn trên cầu Kim Cương gây thiệt mạng hàng trăm người.

0:00 / 0:00

Đảng đối lập Sam Rainsy đặt câu hỏi, ai là người chịu trách nhiệm trong thảm kịch này? Trong khi 7 năm trước, Đô trưởng Chea Sophara bị đình chỉ công tác sau một cuộc biểu tình đốt Tòa đại sứ quán Thái Lan ở giữa Thủ đô Phnom Penh.

Các đảng phái chính trị và tổ chức nhân quyền của Campuchia chỉ trích Ủy ban chuẩn bị Quốc lễ, Đô trưởng, Cảnh sát trưởng và Công ty của Trung tâm giải trí đảo Kim Cương trong vụ hỗn loạn vừa qua, đề nghị Chính phủ đình chỉ công tác một số quan chức, đồng thời thành lập một Ủy ban độc lập để tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm cụ thể.

Chính phủ phải chịu trách nhiệm

Phát ngôn viên của đảng đối lập Sam Rainsy ông Yim Sovann cho Đài Á Châu Tự Do hay rằng, thảm họa vừa qua xảy ra bởi sự thiếu trách nhiệm và Chính phủ quản lý không được tốt.

Trong vụ hỗn loạn này, Thủ tướng Hun Sen thừa nhận đó là thảm kịch gây thiệt mạng người dân Campuchia nhiều nhất kể từ chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Tuy nhiên sau thời Khmer Đỏ bị sụp đổ, có 5 cựu lãnh đạo cấp cao được đưa ra Tòa xét xử liên quan những tội ác diệt chủng, nhân quyền, Công ước Quốc tế mà nhóm người này vi phạm trong những thời gian họ cầm quyền.

Ông Yim Sovann nói rằng, đây là thảm kịch thứ hai xảy ra ở Campuchia kể từ chế độ Khmer Đỏ. Thảm kịch này thể hiện cho thấy Chính phủ chưa có đủ khả năng để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong vụ hoảng loạn như vậy đã làm cho hàng trăm người phải thiệt mạng bởi vì đám đông xô đẩy, chà đạp lên nhau, chết ngạt và nhiều người khác bị chết đuối. Ông Yim Sovann bày tỏ:

Chính phủ đã có lỗi vì để sơ hở xảy ra vụ hoảng loạn, còn Cảnh sát, Công an cũng không đủ khả năng để giải quyết sự cố.

Ông Yim Sovann

“Cả Công ty và Chính phủ đều phải chịu trách nhiệm trong vụ hỗn loạn này bởi vì Công ty đã có lỗi trong việc thiết kế công trình, còn Chính phủ là người chấp thuận đồng ý. Chính phủ đã có lỗi vì để sơ hở xảy ra vụ hoảng loạn, còn Cảnh sát, Công an cũng không đủ khả năng để giải quyết sự cố. Vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta nên có văn hóa chịu trách nhiệm từ bây giờ để nạn nhân cũng như thân nhân của nạn nhân được yên tâm.”

Mặc dù Chính phủ đã thành lập một Ủy ban giải quyết trong vụ hỗn loạn trên chiếc cầu Kim Cương, thành phần có Phó Thủ tướng Sok An; Phó Ủy ban quốc gia quản lý thiên tai Nhem Vanda; Phó Ủy ban quốc gia chống khủng bố Om Yentieng; Đô trưởng Kep Chuk Tema; Giám đốc Công ty OCIC (Công ty của Trung tâm giải trí đảo Kim Cương) Pung Khiev Se; Tổng cục Công an quốc gia Net Savoeun cùng với nhiều quan chức Nhà nước từ bộ ngành khác, tuy nhiên ông Yim Sovann muốn Chính phủ thành lập một Ủy ban độc lập có sự tham gia từ các đại diện nạn nhân, các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia hoạch định sự kiện lớn để tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể. Ông còn đưa ra nhận định:

“Người mà công dân trao trách nhiệm, khi nào phạm lỗi nghiêm trọng như vậy đáng lẽ buộc phải thay ra. Tệ lắm cũng phải đình chỉ công tác một thời gian để cho Ủy ban độc lập điều tra làm rõ để xem xét lại kết quả cuối cùng.”

cambodia-festival-accident-3-250.jpg
Đám đông xô đẩy nhau trong hoảng loạn trong lễ hội té nước tại Phnom Penh hôm 22-11-2010, sau khi một số người bị té xỉu và có người bị điện giựt. AFP PHOTO/Tang Chhin Sothy.

Ông Om Yentieng, Phó Ủy ban giải quyết trong vụ hỗn loạn, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia chống khủng bố cho biết, theo kết quả điều tra của Ủy ban ông thì vụ hỗn loạn này không liên quan gì đến vụ khủng bố. Ông còn nói rằng, Ủy ban này sẽ tiếp tục điều tra:

“Chúng tôi nghĩ rằng, mặc dù Ủy ban này đã điều tra và đưa ra kết quả cuối cùng nhưng không có nghĩa là sẽ không tiếp tục làm việc. Vậy có nghĩa là, mặc dù chúng tôi kết thúc việc điều tra nhưng chúng tôi vẫn nhận những ánh sáng mới có liên quan vụ này.”

Phát ngôn viên đảng đối lập nói rằng, ông không muốn nói đến vụ khủng bố. Ông đặt câu hỏi hàng trăm người bị thiệt mạng thì ai là người chịu trách nhiệm? "Cho đến nay người phụ trách việc chuẩn bị Quốc lễ, và phụ trách bên giữ trật tự an ninh có chịu trách nhiệm chưa? Hay để gần 400 người chết không có nghĩa gì? Mới đây ở Nam Hàn, Bộ Ngoại giao đã xin từ chức chỉ vì dân phải thiệt mạng 2 hay 3 người."

Không thể đỗ lỗi cho dân

Đô trưởng Kep Chuk Tema là người bị chỉ trích nhiều nhất khẳng định rằng, ông là người phụ trách trong việc làm trật tự an toàn giao thông, an ninh Thủ đô. Ông nói trong lúc đó, ít nhất có khoảng 4 triệu người đến tham dự buổi lễ, thế nhưng không có nơi nào xảy ra sự cố như vậy.

Ông nói rằng, mọi người có thể chỉ trích ông sau vụ hỗn loạn gây thiệt mạng hàng trăm người, và ông cũng vô cùng thương tiếc. Đô trưởng cũng khẳng định, ông đã tận dụng hết khả năng của mình trong vòng 3 ngày của Lễ hội đua thuyền. Ông Kep Chuk Tema giải thích thêm:

“Anh có từng nghĩ trên một chiếc cầu nhỏ như vậy có gần 1 trăm nghìn người đứng trên đó không? Anh có nghĩ điều đó xảy ra không? Cầu này là dạng cầu treo, sự cố xảy ra là bởi vì số người trên cầu quá đông. Hơn nữa, anh cũng nên biết rằng, công dân có mặt tại Thủ đô Phnom Penh nhân dịp Lễ đua thuyền, đa số họ đến từ nông thôn. Họ có hiểu biết rất kém trong khi họ muốn qua lại ở Thủ đô Phnom Penh.”

Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chính quyền, không đảm bảo trật tự an ninh cho dân.

Ông Rong Chhun

Mặc dù ông Kep Chuk Tema cố gắng phát biểu bảo vệ chức vụ của mình như vậy, nhưng Giám đốc Hội giáo viên độc lập Campuchia ông Rong Chhun cho rằng, Chính quyền không thể nào đỗ lỗi cho dân. Ông Rong Chhun đưa ra ý kiến:

“Nếu chính quyền đã thấy dân tập trung nơi đó đông và xô đẩy nhau, chính quyền nên ngăn chặn và cấm họ vào để tránh chà đạp, xô đẩy, thế nhưng sau sự cố này xảy ra khoảng 1 hay 2 tiếng, mới có mặt chính quyền. Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chính quyền, không đảm bảo trật tự an ninh cho dân.

Đặc biệt chúng ta không thể đỗ lỗi cho dân bởi vì lễ hội đương nhiên có người đến tham gia, đó là chuyện bình thường. Vậy lực lượng chính quyền phải chịu trách nhiệm và bảo đảm trật tự an ninh để dân được vui chơi giải trí.”

Ông Rong Chhun cũng đưa ra nhận định tương tự ông Yim Sovann, "đây là việc thiếu trách nhiệm của Đô trưởng đã làm cho hàng trăm người bị thiệt mạng. Theo tôi, Thủ tướng nên đình chỉ công tác Đô trưởng và Cảnh sát trưởng (Touch Naroth) bởi vì tính mạng hàng trăm người. Và đây cũng để cảnh cáo các quan chức cấp cao khác."

Còn Giám đốc tổ chức nhân quyền ADHOC ông Chan Saveth đưa ra ý kiến rằng, công việc chính phủ làm đến nay cũng thể hiện cho thấy chính phủ có trách nhiệm trước dân chúng. Tuy nhiên ông nói rằng, nếu như chính phủ tích cực hơn trong hoạt động cứu giúp nạn nhân thì có lẽ người bị thiệt mạng sẽ không nhiều như vậy.

cambodia-festival-accident-2-250.jpg
Cảnh ngổn ngang giầy dép để lại sau khi tất cả các nạn nhân được di tản. RFA photo.

Ông nêu lên một số kinh nghiệm của các nước mà ông được biết đến, "Theo kinh nghiệm mà chúng ta được biết từ các nước trên thế giới, ví dụ ở Nhật Bản, Singapore, và Philippines, trong lúc người dân gặp sự cố bị thiệt mạng như vậy, nếu như chính phủ không đủ khả năng hay không thể cứu giúp dân được, thì họ sẽ từ chức, tuy nhiên vấn đề từ chức chỉ là hành động mà họ không dám đối diện với sự thật."

Con số nạn nhân được cập nhật cuối cùng vẫn là 347 người chết, và 395 người bị thương, tuy nhiên không có thông tin về con số thiệt mạng ngoại viện và bị mất tích.

Đô trưởng cũng cho biết rằng, thảm kịch này là bài học kinh nghiệm để chính bản thân ông và chính quyền phải học hỏi nhằm để chuẩn bị các lễ hội và sự kiện lớn sau này. Ông còn nói, trong vòng hai tháng nữa sẽ có một chiếc cầu mới nằm ở phía Nam của cầu Kim Cương, nhưng chính quyền và Công ty đang suy nghĩ là phải đóng hoặc cấm hoạt động trên cầu Kim Cương hay thế nào.

Theo dòng thời sự: