Tổ chức minh bạch quốc tế nói về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Có thể nói sau vụ tai tiếng tại PMU18 thuộc Bộ giao thông vận tải, cơn sốt tham nhũng ở Việt Nam thật sự vượt mức báo động, khiến các nhà tài trợ quốc tế phải giật mình cân nhắc lại các khoản viện trợ dành cho Việt Nam.

Tranparency200.jpg
Trang web của Tổ chức minh bạch quốc tế

Tổ chức minh bạch quốc tế, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Berlin, Đức quốc, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất trên thế giới. Cụ thể là trong 159 quốc gia được khảo sát về tình trạng tham nhũng trong năm qua, Việt Nam đứng gần cuối bảng, thứ 107.

Liên quan đề tài này, Trà Mi có cuộc trao đổi với bà Lisa Prevenslik Takeda, Giám đốc Chương trình Đông Á và Đông Nam Á của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế. Bà Lisa cho biết thêm về vị trí xếp hạng của Việt Nam trong bảng Chỉ số nhận thức tham nhũng thế giới: Bà Lisa Takeda: Trong bảng xếp hạng về chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế, Việt Nam xếp hạng khá thấp, với số điểm là 2.6 (mà theo quy định, bất kỳ quốc gia nào có điểm dưới 3.0 là thuộc dạng đáng quan ngại).

Kết quả đánh giá của mỗi nước được rút ra từ 3 đến 17 cuộc nghiên cứu, tuỳ theo từng quốc gia. Số điểm của Việt Nam dựa trên 10 cuộc khảo sát, cho nên phải nói là rất chính xác. Và điều này chứng tỏ là cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hầu đối phó với tệ trạng này. Việt Nam không nằm trong số những quốc gia mà Tổ chức minh bạch quốc tế có thể dễ dàng nhúng tay vào can thiệp.

Mặc dù chúng tôi rất sẵn lòng nhưng không có nhiều điều kiện, cho nên chúng tôi không có nhiều thông tin từ góc độ của người dân để tìm hiểu xem họ nhận thức như thế nào về tình trạng tham nhũng quốc gia. Chỉ số nhận thức tham nhũng mà chúng tôi đúc kết được là chủ yếu nhìn từ khía cạnh của giới kinh doanh và các nhà đầu tư. Nếu như ai đó dự tính làm ăn, đầu tư vào Việt Nam thì có lẽ phải cân nhắc tới những chỉ số này.

Tổ chức minh bạch quốc tế đang thực hiện một cuộc nghiên cứu cấp độ quốc gia đối với Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2006. Hy vọng lúc đó chúng ta sẽ có nhiều dữ liệu hơn để tìm hiểu về sự hợp tác chống tham nhũng giữa nhà nước, nhân dân và doanh giới tại Việt Nam.

Trà Mi: Vụ tham nhũng nổi đình nổi đám tại PMU18 đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước lẫn thế giới. Tổ chức minh bạch quốc tế có quan tâm đến việc này?

Trong bảng xếp hạng về chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế, Việt Nam xếp hạng khá thấp, với số điểm là 2.6 (mà theo quy định, bất kỳ quốc gia nào có điểm dưới 3.0 là thuộc dạng đáng quan ngại).

Bà Lisa Takeda: Có tôi có biết đến. Tôi nghĩ rằng vấn đề cốt lõi là chúng ta phải làm sao để ngăn chặn không để cho các vụ việc như thế xảy ra. Đó cũng chính là mục tiêu lâu dài của Tổ chức minh bạch quốc tế.

Chúng tôi khuyến khích phát huy tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng ngân sách tài chính công cộng, để dân chúng biết được nguồn quỹ là bao nhiêu, được sử dụng như thế nào, với mục đích gì. Có như vậy mới có thể giảm thiểu được tệ trạng biển thủ của công bỏ vào túi riêng hoặc tuồng ra ngân khoản nước ngoài.

Trà Mi: Theo bà, nguyên nhân chính của tình trạng được gọi là "tham nhũng tràn lan" đang diễn ra tại Việt Nam là gì?

Bà Lisa Takeda: Theo tôi cơ bản là do sự thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình. Tôi nghĩ chúng ta không có thể quy trách nhiệm cho 1 cá nhân cụ thể nào, mà đó là vấn đề của cả một hệ thống làm việc của một quốc gia, và nó phát triển theo thời gian.

Tôi cũng biết rằng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có sự hợp lực chặt chẽ giữa nhà nước, doanh giới, và dân chúng, những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tham nhũng.

Tham nhũng ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội và con người. Nó kìm hãm đà phát triển của một số quốc gia vì các khoản tiền viện trợ hay đầu tư không bao giờ đến được những tầng lớp dân chúng thật sự có nhu cầu.

Chúng ta biết rằng các tác hại của tệ trạng này rất nhiều mà những hậu quả điển hình là gia tăng nghèo đói, vi phạm nhân quyền... Vấn đề nằm ở chỗ nếu chúng ta không hiểu rõ nguồn gốc, cách thức phát sinh ra tham nhũng thì rất khó tiêu trừ nó. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng và có hệ thống.

Trà Mi: Trước tình trạng tham nhũng báo động tại Việt Nam, Tổ chức minh bạch quốc tế dự định sẽ làm gì để giúp Việt Nam bài trừ tham nhũng?

Bà Lisa Takeda: Chúng tôi rất muốn góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam và làm việc với người dân Việt Nam. Chúng tôi đang mong chờ có điều kiện thực hiện được điều ấy.

Theo tôi cơ bản là do sự thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình. Tôi nghĩ chúng ta không có thể quy trách nhiệm cho 1 cá nhân cụ thể nào, mà đó là vấn đề của cả một hệ thống làm việc của một quốc gia, và nó phát triển theo thời gian.

Nhìn vào những việc làm của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và những vấn đề mà họ phân tích, chúng tôi đang nghĩ đến một cơ hội có thể là hợp tác với phía Việt Nam ở nhiều cấp độ để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Trà Mi: Vậy thì hiện giờ những trở ngại nào khiến cho Tổ chức minh bạch quốc tế không thể hợp tác hoặc nhúng tay nhiều trong công tác chống tham nhũng tại Việt Nam?

Bà Lisa Takeda: Trở ngại chính trong suốt những năm qua chính là chúng tôi chưa có đối tác xét về góc cạnh cộng đồng xã hội. Rất khó cho một tổ chức phi chính phủ như chúng tôi can dự vào chuyện chống tham nhũng của một quốc gia nào đó.

Nghĩa là trên nguyên tắc, chúng tôi làm việc với các viện nghiên cứu, hoặc các tổ chức phi chính phủ khác, hoặc những đoàn thể xã hội có thể lôi kéo sự tham gia của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Thế nhưng, để thực sự có hiệu quả thì chúng tôi cần phải làm việc với người dân, vì chính dân địa phương là những người hiểu rõ về đất nước của họ nhất.

Trà Mi: Còn về phía chính phủ Việt Nam, theo bà, họ nên làm gì và phải thực hiện những bước nào để có thể giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng hiện nay?

Bà Lisa Takeda: Theo tôi, chính phủ Việt Nam hay các cơ quan hữu trách trong chính phủ và Tổ chức minh bạch quốc tế nên cộng tác với nhau và tìm ra phương hướng làm việc chung hỗ trợ lẫn nhau.

Tôi nghĩ là quá trình này đã khởi sự ở một số cấp độ khác nhau. Tổ chức minh bạch quốc tế đã từng cử một số đại diện đến Việt Nam và bắt đầu thảo luận với vài quan chức địa phương ở đó về các biện pháp chống tham nhũng.

Ngoài ra, qua chương trình kế hoạch hành động chống tham nhũng cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương của ADB/OECD, chúng tôi có làm việc với một số thành viên trong chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ trong công tác chống tham nhũng.

Việt Nam sắp tổ chức thượng đỉnh APEC vào cuối năm nay, và dịp này chúng tôi cũng cố gắng bàn thảo những cơ hội hợp tác về vấn đề này. Tôi nghĩ chúng tôi đang dần dần tiến tới một sự cộng tác cụ thể hơn trong tương lai. Vì phương châm làm việc của chúng tôi không phải là áp đặt mà là hợp tác cho nên khi có được lời đề nghị từ phía đối tác thì sự hợp tác chống tham nhũng sẽ trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.