Hai ông Thanh và chuyện chống tham nhũng (phần 1)

Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao, đặt tại Đà Nẵng vừa đưa ông Trần Văn Thanh, Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an và hai đồng phạm, cùng phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, ra xử phúc thẩm.

Sau phiên xử này, chỉ có ông Thanh được giảm hình phạt từ 18 tháng tù xuống còn 12 tháng tù và án này vẫn được giữ là án treo.

Về nguyên tắc, án phúc thẩm là chung thẩm, song với dư luận, hình như vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” này chưa chấm dứt.

Đang hấp hối cũng xử

Theo báo chí Việt Nam, vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” mà tướng Trần Văn Thanh bị xem là chủ mưu, bắt đầu từ việc một số người dân Đà Nẵng, trong đó có hai cụ bà từng được trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gửi đơn tố cáo đến nhiều nơi, rồi ra Hà Nội biểu tình, rải truyền đơn tố cáo ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng tham nhũng, kèm theo nhiều sai phạm khác trong quản lý đô thị, đất đai.

Việc tố cáo, biểu tình, rải truyền đơn đó, diễn ra trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 hồi năm 2007 và Hội đồng bầu cử đã buộc phải tổ chức xác minh tư cách của ứng cử viên Nguyễn Bá Thanh. Giờ chót, các cơ quan có thẩm quyền loan báo, ông Nguyễn Bá Thanh không có sai phạm nào. Ông Thanh tái đắc cử, trở thành đại biểu Quốc hội từ đó đến nay.

Sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 kết thúc, Công an Đà Nẵng đã tổ chức điều tra và phát giác người kích động viết đơn tố cáo, biểu tình, rải truyền đơn là ông Đinh Công Sắt, một thiếu tá cảnh sát giao thông đã bị Công an Đà Nẵng sa thải. Đứng phía sau, hỗ trợ ông Sắt là ông Dương Tiến, thượng tá, Trưởng Văn phòng Đại diện của báo Công an TP.HCM và ông Nguyễn Phi Duy Linh, một người rất thân thiết với tướng Trần Văn Thanh.

Việc khởi tố và xét xử tướng Thanh một cách man rợ là chưa từng thấy trong thế giới ngày nay.

TS Cù Huy Hà Vũ

Cuối năm 2007, ông Đinh Công Sắt bị khởi tố. Năm 2008, tới lượt ông Nguyễn Phi Duy Linh và ông Dương Tiến bị khởi tố. Từ ba người này, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng, xác định kẻ chủ mưu chính là thiếu tướng Trần Văn Thanh, người mà trước khi trở thành Chánh Thanh tra Bộ Công an, đã từng là Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng.

Có thể những lá đơn tố cáo, những tờ truyền đơn và các cuộc biểu tình đã gây tác hại nghiêm trọng đến uy tín của ông Nguyễn Bá Thanh, nên khi đưa ông Trần Văn Thanh và ba đồng phạm ra xét xử, thay vì tổ chức xét xử bốn bị cáo trong vụ án vừa kể, tại trụ sở Tòa án như tất cả các vụ án khác, Tòa án Đà Nẵng đã quyết định biến Nhà hát Trưng Vương – nơi thường được dùng để tổ chức các sự kiện quan trọng nhất của thành phố Đà Nẵng – làm phòng xử án.

Hôm 20 tháng 7, hàng ngàn người hiếu kỳ, đổ đến Nhà hát Trưng Vương để nghe tội trạng của các bị cáo, xem các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi công lý, đã cùng được chứng kiến một sự kiện, có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử tư pháp của cả Việt Nam lẫn thế giới: Bị cáo Trần Văn Thanh đến phòng xử bằng xe cứu thương. Ông ta nằm bất động trên băng ca, phải thở bằng bình dưỡng khí và tay đang được truyền dịch...

Báo chí Việt Nam cho biết, cho dù đã từng có đến hai bệnh viện của ngành Công an cùng xác nhận, ông Thanh bị tai biến, xuất huyết não, không đủ sức khỏe để hầu Tòa nhưng Tòa án Đà Nẵng không chấp nhận. Hội đồng xét xử vụ án Trần Văn Thanh chỉ đồng ý hoãn xử, sau khi một Hội đồng giám định y khoa đột xuất, tiến hành giám định sức khỏe ông Trần Văn Thanh ngay tại Nhà hát Trưng Vương, xét thấy, đúng là ông đang trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”.

Cả công luận, lẫn dư luận cùng cho rằng phiên xử ấy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn man rợ! Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, làm việc ở Văn phòng Luật sư cùng tên, nhận xét: "Việc khởi tố và xét xử tướng Thanh một cách man rợ là chưa từng thấy trong thế giới ngày nay. Việc Chánh án Tòa Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận buộc đưa ông Thanh ra địa điểm xét xử, dẫu ông đang trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu rất rõ rệt của một cuộc thanh toán, một cuộc trả thù, một kiểu hành xử theo "luật rừng", không hơn, không kém..."

Khoảng hai tuần sau, Tòa án Đà Nẵng vẫn tổ chức xử vắng mặt ông Trần Văn Thanh theo trình tự sơ thẩm.

Ông Thanh bị phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Nguyễn Phi Duy Linh bị phạt 36 tháng tù. Ông Dương Tiến, cựu thượng tá công an, Trưởng Văn phòng Đại diện của báo Công an TP.HCM tại Hà Nội, bị phạt 17 tháng 5 ngày tù, ngang với thời gian bị tạm giam nên được trả tự do ngay tại Tòa, ông Đinh Công Sắt, cựu thiếu tá công an, bị phạt 12 tháng tù và cũng được hưởng án treo như ông Thanh.

Công tố bảo vô tội nhưng Tòa cho là: Có!

Sau phiên xử sơ thẩm, ông Trần Văn Thanh, ông Nguyễn Phi Duy Linh, ông Dương Tiến cùng kháng cáo và không chỉ có thế! Bản án sơ thẩm còn bị Viện Thực hành Quyền công tố và xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (quen gọi là Viện Phúc thẩm 2), thuộc Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị. Viện này đã đề nghị Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Đà Nẵng, hủy một phần bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Văn Thanh.

Việc Chánh án Tòa Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận buộc đưa ông Thanh ra địa điểm xét xử, dẫu ông đang trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu rất rõ rệt của một cuộc thanh toán, một cuộc trả thù, một kiểu hành xử theo "luật rừng", không hơn, không kém...

TS Cù Huy Hà Vũ

Báo chí Việt Nam tường thuật, ở phiên xử phúc thẩm diễn ra hồi đầu tuần này, Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao, đặt tại Đà Nẵng, không chỉ bác kháng cáo của ba bị cáo mà còn bác luôn cả kháng nghị của Viện Phúc thẩm 2, cho dù đại diện của Viện Phúc thẩm 2 đã dựa vào hồ sơ vụ án và các tình tiết trong phiên xử sơ thẩm, diễn ra hôm 7 tháng 8, chứng minh rằng, không đủ căn cứ kết tội các bị cáo. Đặc biệt là theo Viện Phúc thẩm 2, việc kết tội bị cáo Trần Văn Thanh không đúng quy định pháp luật.

Cũng theo báo chí Việt Nam, những luật sư bào chữa cho ba bị cáo Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Tiến cùng lập luận, thân chủ của họ vô tội vì hành vi của các bị cáo không gây thiệt hại cho xã hội, không xác định được ai là bị hại, không ảnh hưởng uy tín của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng,…

Thế nhưng hội đồng phúc thẩm vụ án không chấp nhận vì: "Dưới chiêu bài chống tham nhũng, Trần Văn Thanh và các đồng phạm bất chấp kết luận của các cơ quan trung ương có thẩm quyền, dùng các thủ đoạn xảo quyệt , giả mạo tên người khác đứng đơn thư tố cáo, tự mạo nhận đại diện nhân dân Đà Nẵng để phát tán tài liệu và nội dung tố cáo sai sự thật đến nhiều nơi , với mưu đồ bôi nhọ danh dự của lãnh đạo thành phố , làm giảm ý nghĩa đối với thành quả của địa phương trong công cuộc đổi mới. Các bị cáo không từ thủ đoạn nào, kể cả việc lợi dụng tâm lý cả tin của Đinh Công Sắt để đưa hai Bà mẹ V iệt N am A nh hùng ra Hà Nội khiếu kiện nhằm gây áp lực với các cơ quan trung ương" .

Ông Trần Văn Thanh, ông Nguyễn Phi Duy Linh, ông Dương Tiến, ông Đinh Công Sắt đã tố cáo ai, về chuyện gì? Vì sao họ không đồng tình với kết luận của các cơ quan trung ương mà tiếp tục gây áp lực với các cơ quan này? Đặc biệt là dựa vào đâu mà cả bốn quyết định khai thác yếu tố chống tham nhũng? Đó sẽ là nội dung của bài tường thuật lần tới. Mời quý vị đón nghe.