Minh Thuỳ, đặc phái viên đài RFA
Ở nước Đức, ngày quốc tế nhân quyền được tổ chức vào hai ngày 8 và 9.12.2006 tại thành phố Bonn. Phóng viên Minh Thùy cùng tham dự với cộng đồng người Việt tại đây, gửi về bài tường trình sau.

Đêm thắp nến nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu lúc 18 giờ tại Bonn đúng lúc cơn giông lớn tạt vào thành phố. 60 ngọn nến vừa thắp lên trước nhà thờ Münster bị những cơn gió mạnh liên tục thổi tắt, sau cùng các anh chị tham dự phải cắm nến vào những cái ly để tránh gió. Rất may tuy có gió lớn nhưng không mưa.
Gần nhà thờ Münster đang có Hội chợ Giáng Sinh, rất đông người Đức đi chơi Hội chợ, thấy một nhóm người Việt Nam với cờ, biểu ngữ và hình ảnh của Việt Nam đã ghé đến hỏi thăm, tìm hiểu về Việt Nam, tình hình dân chủ, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, họ hỏi: “Trời lạnh, nhiều gió quá mà sao các anh chị vẫn đứng đây làm việc?’’
Các anh chị tham gia biểu tình và đêm thắp nến trả lời: “Chúng tôi đang chia cơn bão Sầu Riêng (Durian) với đồng bào ở quê nhà.’’ Sau đó mọi người đã tập họp để hội thảo, xem phim mới nhất về việc nhà nước Việt Nam đàn áp nhóm 8.4-06 và những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
Đặc biệt có những đoạn phim mới về cảnh công an canh gác, bao vây, khóa cửa nhà của những nhà đấu tranh bất khuất, được xem là “thành phần có vấn đề, cần quan tâm’’ trong lúc hội nghị APEC diễn ra tại Hànội. Ông Trần văn Các, một người Việt tị nạn tại Bremen nói như sau:
"Ngày 7-11vừa rồi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức mậu dịch thế giới, thì ngày 29-11-06 tức là 22 ngày sau thì ông Nguyễn tấn Dũng ký nghị định 37CP cấm ngặt quyền tự do báo chí. Đây chính là sự bưng bít thông tin ở quê nhà, bóp chẹt mọi khuynh hướng mở rộng thông tin theo điều lệ mà họ vừa mới ký kết.
Năm 1982 họ là thành viên của Liên hiệp quốc mà vẫn vi phạm nhân quyền. Chúng tôi nhận được thư của Bộ ngoại giao Đức là trên 30 năm nay họ chưa bằng lòng với việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam, thế giới cũng biết điều này. Chỉ có mỗi con đường chúng ta phải hổ trợ những người đấu tranh cho dân chủ trong nước, thì mới có được nhân quyền thôi.”

Phẫn uất trước hành động vô lý, thô bạo của nhà nước Việt Nam, cụ Nguyễn đình Tâm, 86 tuổi, ở Berlin, đã tự ý làm “khóa giấy’’ đến cài trước cửa Sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Anh Mario Albers, thành viên Đảng SPD của nước Đức, giáo viên bộ môn Sử, giảng dạy về lịch sử Việt Nam cho các học sinh, rất quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã mang bánh đến tham gia buổi hội thảo và phát biểu sau khi xem đoạn phim trên:
"Tuy không biết chính xác tên những nhà đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam, nhưng tôi vào Internet đọc tin cũng biết vài người của phong trào đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã bị cảnh sát nhốt trong nhà hay bị cầm tù trong khi hội nghị APEC diễn ra. Tôi nghĩ nhà cầm quyền Hanôi chỉ đóng kịch với quốc tế. Việc họ thực hiện dân chủ, tự do tôn giáo chỉ có“trên giấy’’ để vào được WTO, đạt được quyền lợi về kinh tế mà thôi.”
Trong buổi hội thảo, mọi người được nghe băng phát biểu của chị Lê thị Công Nhân, ông Lê quang Liêm nói về hoàn cảnh gian nan của những nhà đấu tranh dân chủ, luôn bị chính quyền khủng bố về tinh thần và vật chất.
Sáng ngày 9-12-2006 cộng đồng người Việt từ các thành phố đã về Bonn, tụ họp trước cửa Sứ quán Việt Nam tại Bonn phát biểu đòi hỏi nhà nước Việt Nam thực hiện đúng lời cam kết với quốc tế, tôn trọng nhân quyền và dân chủ trong nước. Ông Lê công Tắc, thuộc Đảng Thăng Tiến, cũng là tín đồ Phật giáo Hòa hảo nói:

"Các anh em trong đảng Thẳng tiến của chúng tôi hiện cũng đang bị đè nén. Thật sự Đảng Thẳng Tiến là toàn giới nông dân, tất cả tôn giáo đoàn kết lại, kết hợp thành lực lượng đấu tranh, không phân biệt tôn giáo hay chính trị, kể cả số anh chị em Đông âu lao động, để liên kết thành một phong trào dũng mãnh yểm trợ các nhà đấu tranh trong nước đang bị đàn áp nghiệt ngã.
Tôi là một người nông dân ở miền Tây, là tín đồ Phật giáo hòa hảo, biết tất cả lễ hội hay lễ Tết cuối năm của Phật giáo hòa hảo đều bị công an đến đóng tại nhà. Gần đây nhất là Hội nghị APEC thì dân chúng không được đi ra khỏi nhà, những người có chức sắc trong Đạo thì bị công an xét nhà, đập phá đồ đạc trong nhà, như vừa rồi ở Vĩnh Long. ”
Taị buổi biểu tình, mọi người đã gọi điện thoại hỏi thăm và nói chuyện với linh mục Nguyễn văn Lý ở Việt Nam.
Minh Thùy tường trình từ nước Đức