Hiện trạng về vấn đề cô dâu Việt Nam ở nước ngoài

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Chuyện nhiều phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn với người nước ngoài bị ngược đãi tàn tệ hiện vẫn tiếp tục xảy ra trong khi xu hướng lấy chồng ngoại của nhiều thiếu nữ Việt bây giờ dường như chưa giảm.

WeddingBride150.jpg
Cô dâu đang chụp hình ngoại cảnh trứoc nhà thờ ở Sài Gòn hôm 26-1-2007. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Nhân trường hợp một cô dâu Hàn Quốc gốc Việt thiệt mạng sau khi bị chồng sát hại mới đây biên tập viên Nhã Trân có bài cập nhật về vấn đề này.

Tháng 8 vừa rồi tin về cô Huỳnh Mai, bị chồng người nước ngoài sát hại một cách dã man, một lần nữa khơi lại tình trạng đáng quan ngại của không ít cô dâu Việt ở những nước lân cận như Hàn Quốc và Đài Loan.

Người phụ nữ trẻ xấu số này đã thiệt mạng chưa đầy hai tháng sau khi từ giã gia đình để tới xứ lạ làm vợ một người Nam Hàn. Theo thông tin ngay từ những ngày đầu tiên trong cuộc hôn nhân Việt-Hàn cô đã bị ngược đãi như nhốt kín trong nhà và thường xuyên đánh đập chửi bới. Không còn chịu đựng nổi sự hành hạ, cô xin trở về nước.

Nguyện vọng này được đáp ứng bởi sự hành hung thô bạo của người chồng Hàn, dẫn đến cái chết thảm của ngừơi con gái Việt đáng thương với gần 20 chiếc xương gẫy.

Trường hợp của cô Huỳnh Mai chỉ là một trong nhiều vụ cô dâu Việt Nam lấy chồng xứ lạ thời gian gần đây, vì thống kê cho biết có đến khoảng 1 phần 3 những cô gái trẻ đi làm dâu ở những nước như Đài Loan, Nam Hàn, Trung Quốc rơi vào cảnh ngộ không may.

Chuyện lấy chồng nước ngoài từ rất nhiều năm gần đây trở nên phổ biến ở Việt Nam. Điều đáng ghi nhận là theo thời gian, các nước láng giềng trở thành hướng nhắm của đa số cô dâu Việt thay vì những vùng xa xôi xuyên lục địa, và Đài Loan và Nam Hàn là nơi xảy ra nhiều thảm cảnh tương tự như trừơng hợp cô Huỳnh Mai.

Hồi năm 2005 cứ trong 25 cuộc hôn nhân với người nước ngoài thì hết 10 là có cô dâu từ Việt Nam tới. Năm 2000 số phụ nữ Việt lấy chồng Hàn chỉ vào khoảng 4, 5 trăm, thế nhưng đến năm 2004 thì tăng thành 5 ngàn cô. Nhiều cô hãy còn rất trẻ mà chịu lập gia đình với những ông Hàn Quốc đáng tuổi cha, chú của họ.

Phần đông các cô dâu này xuất xứ từ các vùng thôn quê miền Bắc và miền Nam, không được học nhiều và gia cảnh nghèo khó. Trào lưu lấy chồng các nước lân cận như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc mới nở rộ trong khoảng mươi năm trở lại đây. Khởi đầu Trung Quốc và Đài Loan nói chung được xem là miền đất hứa của thiếu nữ Việt, sau đó là Hàn Quốc.

Theo phúc trình mới nhất của Việt Nam, hiện có khoảng 136 ngàn phụ nữ thuộc diện này, trong đó 41% lấy người Trung Quốc, 31% lấy Đài Loan và 11% lấy Nam Hàn.

Kết quả bi thảm

Từ năm ngoái, sau khi luật mới của Đài Loan trở nên gắt gao, tạo nhiều khó khăn cho cô dâu xứ người, thì Hàn Quốc trở thành đích nhắm mới. Trung tâm Phúc lợi Xã hội Nam Hàn hồi năm 2005 cho biết có đến gần nửa cuộc hôn nhân của công dân Hàn Quốc có cô dâu là người Việt. Bà Kim Min Jeong trong ban điều hành cơ quan này nói lượng cô dâu Việt tăng nhanh trong vòng 3 năm nay:

“Hồi năm 2005 cứ trong 25 cuộc hôn nhân với người nước ngoài thì hết 10 là có cô dâu từ Việt Nam tới. Năm 2000 số phụ nữ Việt lấy chồng Hàn chỉ vào khoảng 4, 5 trăm, thế nhưng đến năm 2004 thì tăng thành 5 ngàn cô. Nhiều cô hãy còn rất trẻ mà chịu lập gia đình với những ông Hàn Quốc đáng tuổi cha, chú của họ”

Như đã nói, theo báo cáo thì có đến khoảng 1 phần 3 các cuộc hôn nhân này có kết quả bi thảm, không phải là những bất đồng thường tình mà là vì các cô dâu Việt bị ngược đãi rõ rệt: từ bị nhốt kín trong nhà không cho liên hệ với thế giới bên ngoài; bắt làm việc nhà ngày đêm hoặc phục vụ tình dục không giới hạn; không được ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ, không được cung cấp thuốc men và chăm sóc khi đau ốm hoặc ngay khi đã mang thai; bị chửi rủa, đánh đập tới trụy thai hoặc tử vong.

Những năm gần đây những trường hợp kém may mắn của những phụ nữ xấu số bắt đầu được biết đến, đa phần nhờ thông tin từ chính quyền các nước láng giềng, các cơ quan ngoài chính phủ hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Vụ điển hình là một phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, qua Đài Loan từ năm 2003, đã thuật lại cho Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt Nam ở Đài Loan của Linh mục Nguyễn Văn Hùng khi đến cơ quan này để xin giúp đỡ:

“Em đến đây bị xâm hại tình dục…. Họ bứt cúc áo cúc quần, đánh rất đau và doạ trả về Việt Nam. Ngôn ngữ không biết nên chúng em không dám cãi… Em mang tiếng là giúp việc nhà nhưng phải ra đồng ruộng, trồng cây các thứ rất vất vả, sưng cả tay... Làm việc nhưng không thấy trả tiền nong gì. Cả năm mới gửi được 22 triệu về cho gia đình…”

Em đến đây bị xâm hại tình dục…. Họ bứt cúc áo cúc quần, đánh rất đau và doạ trả về Việt Nam. Ngôn ngữ không biết nên chúng em không dám cãi… Em mang tiếng là giúp việc nhà nhưng phải ra đồng ruộng, trồng cây các thứ rất vất vả, sưng cả tay... Làm việc nhưng không thấy trả tiền nong gì. Cả năm mới gửi được 22 triệu về cho gia đình…

Tuy những trừơng hợp đau thương thỉnh thoảng được đưa ra ánh sáng nhưng xu hướng lấy chồng nước ngoài ở Việt Nam dường như vẫn mạnh. Lý do là vì nhiều thiếu nữ nuôi hy vọng thoát cảnh đời cơ cực hoặc mong tìm được một tương lai hạnh phúc. Với mơ ước này những người con gái trẻ sẵn sàng lao vào cuộc hôn nhân phần rủi nhiều hơn may, phó mặc tương lai cho dòng đời đưa đẩy để rồi trở thành nạn nhân.

Nếu chưa phải bỏ thây thê thảm nơi xứ người, vì sao nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh này không thể lên tiếng để được giúp đỡ? Trở ngại về ngôn ngữ, giấy tờ tuỳ thân bị chồng thu cất, bị doạ đuổi về nước, bị nhốt hoặc đánh đập… là những lý do chính.

Trong khi các tổ chức nhân quyền của thế giới nhận xét rằng nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam bị hạ thấp qua những hành động môi giới sang xứ người lâu nay, hiện chưa có nhiều can thiệp rõ rệt của Việt Nam và những cô dâu Việt tiếp tục là nạn nhân trên xứ người nếu không may gặp người chồng tồi tệ.

Các phụ nữ đi làm dâu ở Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc vẫn chưa được nhiều bảo vệ. Nếu bị ngược đãi và muốn trình báo họ khó có cơ hội tiếp cận với các cơ quan thẩm quyền địa phương cũng như toà lãnh sự Việt ở nước sở tại.

Riêng chính quyền Việt Nam lâu nay bị đánh giá là thờ ơ với vấn đề này vì đã vắng mặt trong Hội nghị Quốc tế về Vấn đề Phụ nữ Châu Á Di cư và Nhập cư, được tổ chức tại Đài Loan năm 2005 nhằm thảo luận về vấn đề phụ nữ di dân đến Đài Loan.

Các thảm cảnh làm dâu xứ người, nói cụ thể là trừong hợp nhiều cô dâu Việt ở Đài Loan và Hàn Quốc, có lẽ chỉ được chấm dứt hoặc giảm thiểu nếu quyết định kết hôn và qua xứ lạ sinh sống được suy nghĩ chín chắn, cân nhắc kỹ càng, thay vì vội vã lao vào một cuộc phiêu lưu nhiều phần bất trắc dù với bất cứ lý do nào.