Hoa Kỳ thay đổi chính sách ở Đông Nam Á

Qua các tuyên bố của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 7 vừa qua cũng như tham dự hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực Asean tại Việt Nam, ngoài các phát biểu được nhiều người quan tâm như: nêu lên ý kiến giúp các nước trong khu vực giải quyết về vấn đề Biển Đông, có lẽ chúng ta còn nhận thấy có sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ dành cho Đông Nam Á qua phát biểu của bà Clinton.

0:00 / 0:00

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á đã thay đổi ra sao? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu thêm.

Chương mới trong quan hệ Mỹ - Đông Nam Á

Quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đông Nam Á đã thay đổi, có lẽ bắt đầu kể từ tháng 7 năm ngoái, trong chuyến viếng thăm của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đến Đông Nam Á và tham dự Diễn đàn An ninh Khu vực ở Thái Lan, nơi đó bà đã tuyên bố với các nước Asean rằng: "Chúng tôi trở lại".

Tuyên bố này của bà Clinton có thể sẽ đi vào lịch sử ngoại giao của nước Mỹ bởi vì đây là một tín hiệu cho thấy, rõ ràng là Mỹ đang tìm cách thách thức sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Và tuyên bố này có lẽ cũng với mục đích đáp trả lại các mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, có khả năng gây bất ổn lớn trong khu vực, nhất là trên Biển Đông.

obama-singapore-nov2009-250.jpg
Tổng thống Obama tham dự Hội nghị Các lãnh đạo (Leaders Meeting) Hoa Kỳ và Asean ở Singapore hôm 15/11/2009. AFP PHOTO/Mandel Ngan.

Việc Ngoại trưởng Mỹ tham gia vào Diễn đàn Khu vực ASEAN kể từ năm ngoái, đã nói lên tầm quan trọng của Asean đối với Hoa Kỳ. Ngoài việc tham gia vào các cuộc họp quan trọng của Asean, trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, bà Clinton cũng đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với các nước Đông Nam Á, đây là hiệp ước tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ mới giữa Asean và Mỹ, cũng như đảo ngược chính sách của chính phủ tiền nhiệm trước đây đối với Asean.

Cũng xin nhắc thêm để thính giả hiểu, dưới thời Tổng thống George W. Bush, do Hoa Kỳ bận rộn với chủ nghĩa khủng bố, và hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, cho nên khu vực Đông Nam Á gần như đã bị bỏ quên. Bà Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã không quan tâm nhiều đến khu vực này. Bà Rice đã vài lần không tham gia Hội nghị thượng đỉnh Asean, cho nên khi bà Hillary Clinton tham dự các cuộc họp với khối Asean kể từ hồi năm ngoái, có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước Đông Nam Á.

Qua việc ký hiệp ước nói trên và tuyên bố sẽ trở lại Đông Nam Á, Hoa Kỳ muốn nhắn nhủ rằng, họ sẽ ở bên cạnh các nước Asean để đương đầu với các thử thách mà hai bên sẽ phải đối mặt.

Sau chuyến thăm của bà Clinton, ngày 16 tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama cũng đã đến Singapore tham dự Hội nghị Các lãnh đạo (Leaders Meeting) Hoa Kỳ và Asean. Đây là lần đầu tiên ông Obama gặp lãnh đạo của mười nước Đông Nam Á, và hai bên cũng đã thảo luận các cam kết cụ thể của chính phủ Hoa Kỳ dành cho khu vực này. Sự xuất hiện của Tổng thống Obama tại Hội nghị Các lãnh đạo Asean - Mỹ, cho thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á ngày càng rõ hơn.

Tăng cường quan hệ hơn nữa

Hkg3854271-250.jpg
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị khu vực ASEAN 17 hôm 23-07-2010. AFP PHOTO / Paul J. Richards (Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị khu vực ASEAN 17 hôm 23-07-2010. AFP PHOTO / Paul J. Richards)

Và mới đây, trong chuyến đi của bà Clinton đến Việt Nam, để tham dự Diễn đàn Khu vực Asean cũng với mục đích củng cố và gia tăng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á. Khi được hỏi về quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Asean cho hiện tại và tương lai, bà Clinton cho biết như sau:

"Tại Hội nghị các Bộ trưởng Asean năm ngoái, tôi đã thông báo Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á và đã cam kết sẽ làm việc với các nước Asean để nâng cao lợi ích và các giá trị mà chúng ta chia sẻ. Kể từ đó, chúng ta đã đạt được nhiều tiến triển và hôm nay tôi xin nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với từng nước thành viên ASEAN để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các quốc gia."

Hoa Kỳ quyết định tăng cường hợp tác với các nước Asean có lẽ do hai bên đều được lợi trong mối quan hệ hợp tác này, Asean được lợi qua việc hợp tác với một siêu cường thế giới, do Hoa Kỳ có thể giúp các nước Đông Nam Á cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cũng được nhiều lợi thế khi tham gia với các đối tác đa dạng dưới một tổ chức như Asean, ở một khu vực giàu tài nguyên và có nhiều tiềm năng phát triển, cho dù vẫn còn phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường. Bà Clinton nói tiếp:

Hoa Kỳ cam kết làm việc với các bạn để đem lại hòa bình, thịnh vượng, an ninh và cơ hội nhiều hơn cho tất cả mọi người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

NT Hillary Clinton<br/>

“Người dân Mỹ nhận ra rằng khu vực này quan trọng đối với tất cả các nước châu Á, với Mỹ và quan trọng đối với thế giới, và chúng ta cũng biết rằng chúng ta có nhiều mục tiêu cùng chia sẻ. Chúng tôi muốn Đông Nam Á giữ vững kinh tế mạnh mẽ và độc lập. Chúng tôi tin rằng người dân Đông Nam Á được quyền hưởng hòa bình, ổn định khu vực và quyền con người, và chúng tôi sẽ làm việc với các bạn để cải thiện cơ hội kinh tế và giáo dục để thanh niên có cơ hội cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu.

Ngày nay, khoảng cách giữa các dân tộc và các quốc gia bị thu hẹp lại. Chúng tôi nhận thấy chúng ta đoàn kết xung quanh các mối quan tâm chung và chúng tôi thấy rằng công nghệ mới cho chúng ta nhiều cơ hội làm việc hơn trong quan hệ đối tác và hợp tác với nhau”.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời cam kết của bà Clinton dành cho các nước Đông Nam Á như sau:"Hoa Kỳ cam kết làm việc với các bạn để đem lại hòa bình, thịnh vượng, an ninh và cơ hội nhiều hơn cho tất cả mọi người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng tôi mong được làm việc với các bạn".

Theo dòng thời sự: