Ông Bush sẽ đọc bài diễn văn quan trọng nói về quan hệ Hoa Kỳ-Châu Á ở Bangkok, sẽ thảo luận về cuộc đàm phán 6 bên và tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên với lãnh đạo của Hàn Quốc, sẽ cùng với các nguyên thủ của những nước khác hiện diện trong buổi lễ khai mạc Olympic 2008 ở Bắc Kinh. Ðó là những điểm chính trong chuyến viếng thăm Châu Á kéo dài một tuần lễ của người đang lãnh đạo Hoa Kỳ.
Chuyến đi Châu Á
Ðây là lần thứ 9 ông George W. Bush đặt chân đến Á Châu trong cương vị Tổng Thống, và có lẽ, cũng là lần cuối cùng ông đến thăm châu lục đông dân nhất thế giới trước ngày rời Nhà Trắng, vì vào đầu tháng 11 tới đây cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu chọn một vị nguyên thủ mới, và người đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng 2009.
Chuyến đi Châu Á của ông Bush lần này được thế giới chú ý đến không phải gì những gì ông sẽ phải biểu ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, cũng chưa hẳn được chú ý vì những gì liên quan đến thành quả cuộc đàm phán về hạt nhân với Bắc Hàn mà ông sẽ tuyên bố ở Seoul, mà có thể nói là mọi người đang trông chờ xem ông sẽ hành động như thế nào khi có mặt ở Trung Quốc.
Thế giới trông chờ vào thái độ của ông Bush vì trong những tháng vừa qua, đã có một loạt những biến chuyển đầy bất ngờ mà nhà cầm quyền Hoa Lục đã làm. Ðầu năm nay, quân đội Trung Quốc đàn áp những cuộc biểu tình đòi độc lập của người dân Tây Tạng, mới đây một số quyết định nhằm chận đứng các hoạt động của thành phần đối kháng cũng được nhà cầm quyền Hoa Lục đưa ra, được giải thích “nhằm đảm bảo an toàn tối đa” trong thời gian cuộc tranh tài thể thao quan trọng nhất của thế giới diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh.
Mới sáng hôm nay, chính quyền Hoa Lục cũng thông báo một trong những điều khiến họ quan ngại nhất là những hoạt động quân khủng bố từ vùng Tân Cương có thể gây nên, báo trước những vụ đàn áp có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào nhắm vào cộng đồng Hồi Giáo ở khu vực vừa nói.
Vài ngày trước đó, Thượng Nghị Sam Brownback của Mỹ cũng lên tiếng cáo buộc Bộ Công An Hoa Lục bắt tất cả các khách sạn do người nước ngoài làm chủ phải đặt máy thu hình, để theo dõi hoạt động của du khách. Ðiều này được vị nghị sĩ Mỹ giải thích là bằng chứng cho thấy “mọi hoạt động của du khách, các nhà báo và ngay của các đoàn lực sĩ đều bị theo dõi rất chặt chẽ”.
Được mọi người chú ý
Những việc Trung Quốc đã làm, đang làm và sẽ làm đã khiến cho chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush được mọi người chú ý đến hơn. Trong một cuộc họp báo tại Washington, Bà Felice Gaer, Chủ Tịch Ủy Ban Của Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Toàn Cầu nhấn mạnh chuyến đi và cuộc gặp gỡ cấp cao giữa người đang lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ với Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào là cơ hội tốt để ông Bush có thể trình bày một cách thẳng thắn về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc.
Bà nói rõ ông Bush phải bắt nắm lấy cơ hội này để công khai lên tiếng đòi hỏi giới lãnh đạo Bắc Kinh phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân, trong đó bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng, quyền được bày tỏ quan điểm, quyền được chọn thể chế chính trị.
Dân biểu Jim McGorvern thì nhắc lại một sự thật không thể chối cãi là dù thế giới đã bước sang một thiên niên kỷ mới, nhưng tại Hoa Lục, quyền tự do tin ngưỡng vẫn chưa được tôn trọng, vẫn còn những người tù lương tâm đang bị giam cầm chỉ vì niềm tin tôn giáo. Ông nói những người tù này là những người theo Thiên Chúa Giáo ở khắp mọi thành phố trên lãnh thổ Trung Quốc, những người theo Phật Giáo ở Tây Tạng, hay những người Hồi Giáo ở vùng Tân Cương.
Một đại biểu quốc hội khác là Dân Biểu Zach Wamp đưa ra nhận định nói rằng tự do là điều Thượng Ðế ban cho mọi người, bất kể người đó đang sống ở đâu, dưới chế độ nào.
Và đặt câu hỏi là tại sao trong khi nhà cầm quyền Hoa Lục dồn mọi nỗ lực tổ chức Olympic Bắc Kinh để đánh bóng chế độ, thì chính người dân Trung Quốc không được quyền chọn lựa điều họ ước muốn làm, đó là được quyền chọn lựa giữa cái xấu và cái tốt, được quyền chọn lựa giữa thiện và ác.
Ðầu tuần này, Tổng Thống Hoa Kỳ đã tiếp đoàn 5 nhà tranh đấu cho dân chủ Hoa Lục. Bà Dana Perino, người phát ngôn Nhà Trắng cho hay trong buổi gặp gỡ, ông Bush đã nghe, đã ghi nhận ý kiến, và ông sẽ trình bày cho giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng nhân quyền, tự do và dân chủ là điều người dân ở bất cứ đâu cũng được quyền hưởng và mọi chính phủ đều có trách nhiệm phải thực hiện đúng những gì nhân dân của họ đòi hỏi.