Việt Nam sẽ kiểm soát blog như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Đỗ Quý Doãn cho biết sẽ yêu cầu những công ty internet lớn như Yahoo! và Google hợp tác bằng cách cung cấp thông tin cá nhân để quản lý các trang blog trên mạng.

0:00 / 0:00

Để tìm hiểu thêm về việc này, Mặc Lâm phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc An Ninh Mạng thuộc Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội.

Vấn đề “nổi cộm”

Mặc Lâm: Thưa ông, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông - Đỗ Quý Doãn vừa cho biết là sẽ áp dụng việc quản lý blog trong thời gian sắp tới, ông đánh giá việc này ra sao, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Theo quan sát của chúng tôi thì vào khoảng đầu năm nay, các blog mà Việt Nam hay gọi là "blog đen" đưa những vấn đề không hợp với thuần phong mỹ tục hay là những blog đưa thông tin sai sự thật, tuy nhiên đến thời điểm này thì tôi quan sát thấy là vấn đề đó không còn nổi cộm nữa, là một.

Thứ hai nữa là những người sử dụng mạng, những người đọc blog thì họ cũng đã bắt đầu tự tạo cho mình một cái tạm gọi là bộ lọc để phân biệt được những thông tin nào cần đọc, tôi nghĩ rằng tại thời điểm này thì cái vấn đề về blog xấu nó không còn nổi cộm.

Ví dụ như là Bộ Thông Tin Truyền Thông sắp tới ra nghị định về quản lý blog thì tôi tin là nó sẽ có thể góp phần làm cho blog hoạt động lành mạnh hơn. Tóm lại là như vậy.

Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng là nếu như có trường hợp nổi cộm, vi phạm thì chúng ta về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có thể chỉ ra được người đó là họ ở đâu. Tức là cái khả năng để tìm ra người đó ở ngoài đời thật là ai thì không phải là khó.

Ô. Nguyễn Tử Quảng

Mặc Lâm: Riêng các trang blog có biểu hiện xấu thì nhà nước có thể phát hiện chúng dễ dàng hay không, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng là nếu như có trường hợp nổi cộm, vi phạm thì chúng ta về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có thể chỉ ra được người đó là họ ở đâu. Về mặt kỹ thuật thì tôi có thể khẳng định như vậy, tức là cái khả năng để tìm ra người đó ở ngoài đời thật là ai thì không phải là khó.

Tôi cũng đã nhiều lần khẳng định và cũng đã trao đổi với lại các cơ quan quản lý ở Việt Nam, tôi cũng đã khẳng định rằng blog chắc chắn nó đem lại nhiều điều tốt cho cộng đồng, nó giúp cho người ta, cung cấp thông tin được nhanh chóng, rồi là nó phát huy tiềm lực tất cả mọi người, tuy nhiên vẫn phải cần có việc là tạo hành lang pháp lý để cho nó vận hành được tốt hơn.

Mặc Lâm: Có một thực tế là tại Việt Nam hiện nay có hơn một triệu trang blog, vậy làm cách nào chính quyền có thể quản lý hết số lượng này được, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: À, vâng. Tức là cái quan điểm của tôi là như thế này. Chúng ta phải quản lý theo cái phương pháp là hậu tuyển, có nghĩa rằng là chúng ta không cần phải kiểm tra tất cả blog, như anh nói hàng triệu cái thì không ai có thể kiểm tra nó hàng ngày được.

Vấn đề là gì? Thứ nhất là bằng chính cộng đồng người sử dụng trên mạng, khi có hành lang pháp lý chỉ ra là những vấn đề như thế này, như thế này thì là vi phạm luật pháp Việt Nam, thì chính cộng đồng đó họ sẽ phát hiện ra và họ sẽ cảnh báo cho nhà chức trách. Thế là sau đó cơ quan chức năng họ sẽ lúc đó mới áp dụng.

Vietnam-Police-Internet-200.jpg
Công an Việt Nam theo dõi thông tin trong một quán cho thuê internet ở Hà Nội. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Còn nếu mà họ kiểm tra thấy rằng blog đó thật sự là vi phạm nghiêm trọng thì họ có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật để mà tìm ra được chủ nhân của blog này mà xử phạt. Cái xử phạt đó có tính răn đe rất là tốt.

Hiện nay gần như chưa có blogger nào bị xử phạt vì đưa thông tin sai trái cả, cho nên mọi người trên mạng coi như không có luật pháp để điều chỉnh hành vi giống như ngoài cuộc sống hàng ngày thì nó có luật pháp.

Không cần đến Google, Yahoo!

Mặc Lâm: Một trong những cách phát hiện blog đen là nhờ vào các nhà cung cấp internet, tuy nhiên nếu trang blog được mở từ nước ngoài thì việc truy tìm có khó khăn hay không ạ?

Nguyễn Tử Quảng: Có nhiều phương pháp. Nếu như có sự hỗ trợ của nhà cung cấp dịch vụ internet thì việc tìm ra blogger đó sẽ thuận lợi hơn. Còn chúng tôi cũng khẳng định là nếu như không có sự hợp tác đó thì vẫn có thể tìm ra được.

Nếu như có sự hỗ trợ của nhà cung cấp dịch vụ internet thì việc tìm ra blogger đó sẽ thuận lợi hơn. Còn chúng tôi cũng khẳng định là nếu như không có sự hợp tác đó thì vẫn có thể tìm ra được.

Ô. Nguyễn Tử Quảng

Thực tế chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý một số vụ việc vi phạm như vậy rồi, tức là họ sử dụng dịch vụ cung cấp của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Anh hình dung như thế này, cái blog tìm ra còn dễ hơn là những vụ phát tán những văn hoá phẩm đồi truỵ vì khi phát tán họ có thể chỉ phát tán một lần rồi sau đó họ biến mất, thế nhưng blog thì họ sẽ cung cấp nội dung trên blog đó hàng ngày, tức là họ vẫn có sự giao tiếp với tất cả mọi người mà đã có sự giao tiếp, đã có sự xuất hiện thì thế nào cũng có những dấu vết và từ những dấu vết đó thì người ta có thể tìm ra được anh là ai ở ngoài đời. Cái xác suất đấy là nó cao hơn hẳn.

Mặc Lâm: Theo chúng tôi được biết thì việc cung cấp thông tin của các cá nhân trên mạng đang bị nhiều nước phản đối như Mỹ chẳng hạn, họ đòi các công ty lớn như Yahoo, Google hay Microsoft phải ngưng việc cung cấp thông tin cá nhân cho các chính phủ đã có yêu cầu đối với họ. Như vậy việc Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đưa ra sự gợi ý đòi hỏi sự hợp tác của Yahoo và Google để kiểm soát các trang blog tại Việt Nam liệu có được các tập đoàn này hưởng ứng hay không, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Theo tôi hiểu thì hiện nay là các điều luật quốc tế cũng như ở Việt Nam thì chưa có điều nào ràng buộc rằng Yahoo! hay Google chẳng hạn là phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, nhưng mà tôi nghĩ rằng là Bộ Thông Tin Truyền Thông sẽ liên lạc với Yahoo! và Google, đề xuất họ hợp tác trong thời gian tới.

Chẳng hạn như là Yahoo! thì họ đã có đại diện tại Việt Nam và tôi được biết là họ cũng sẵn sàng làm cái việc phối hợp đó trong trường hợp có những blog vi phạm luật pháp của Việt Nam.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt ngữ ý kiến của Bạn. email: <a href="mailto:vietweb@rfa.org">vietweb@rfa.org</a>, hoặc có thể tham gia thảo luận tại trang blog của RFA <a href="http://www.rfavietnam.com/">www.rfavietnam.com</a>

Thực tế là thời gian vừa qua cũng có một số blog Yahoo! 360 họ đã đóng cửa bởi vì nó đã vi phạm luật pháp Việt Nam. Thế còn Google thì theo tôi được biết như là Thứ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông trả lời thì Thứ Trưởng cũng có nói là sẽ có sự làm việc, trao đổi với Google trong thời gian tới.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông về buổi nói chuyện ngày hôm nay.

Nguyễn Tử Quảng: Vâng. Không có gì ạ.