Vụ án VN Pharma: Bất nhất thông tin từ lợi ích nhóm

Vụ án liên quan đến thuốc đặc trị ung thư H-Capita nhập lậu của công ty VN Pharma được mang ra bàn luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, có sự tham gia của Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và bức xúc trong dư luận vì những giải trình bất nhất của các Bộ, ngành có liên quan cũng như thông tin từ truyền thông trong nước về số thuốc này là thật hay giả.

Bất nhất thông tin chuyên môn

Chúng tôi đặt vấn đề này với một người (xin được ẩn danh), có thời gian dài làm việc trong ngành dược phẩm của công ty đa quốc gia, ông cho biết sau khi theo dõi báo chí thời gian qua, ông hoàn toàn đồng ý về những thông tin về VN Pharma trên truyền thông là bất nhất.

Phân tích về góc độ dược lý, ông cho biết loạt thuốc do công ty VN Pharma nhập về để điều trị bệnh ung thư không thể gọi là thuốc giả.

“Phân tích lô thuốc này, nó có 97% hoạt chất thuốc là Capicitabine là để trị đại tràng và ung thư vú. Có 1 văn bản khác mới công bố là chứa 98% hợp chất thuốc có khả năng trị bệnh cho người.

Rõ ràng đứng về mặt dược học, nó không phải thuốc giả, nó là một thứ thuốc Generic (thuốc biệt dược tương tự), nhái lại từ biệt dược Xeloda của hãng Roche.

Có thể nó có những trục trặc bên trong về giấy tờ hành chính, nhưng theo định nghĩa của FDA và WHO, thì họ không gọi là thuốc giả, mà gọi là illegal và unregistered (không hợp lệ và chưa đăng ký). Còn thuốc giả theo đúng định nghĩa là không có đủ hoặc không có hoạt chất trị bệnh.”

<i> <i>"Rõ ràng đứng về mặt dược học, nó không phải thuốc giả, nó là một thứ thuốc Generic (thuốc biệt dược tương tự), nhái lại từ biệt dược Xeloda của hãng Roche." - Một dược sĩ dấu tên</i> </i>

Tại cuộc họp ngày 30/8 liên quan đến vụ án, bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án TAND TP.HCM đưa ra những ý kiến cho rằng bên toà án chưa thống nhất với cách gọi loạt thuốc đó là “hàng giả”.

Theo báo chí đưa tin, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hoạt chất chống ung thư trong thuốc đạt 98,1%. Kiểm nghiệm lần thứ 2, cho kết quả hoạt chất chống ung thư là 97%. Nhưng có báo thông tin là tạp chất 97%; khác hoàn toàn, thậm chí có báo đăng 97% độc chất.

Nếu như theo kết quả phân tích kiểm nghiệm của Cục quản lý dược, vị dược sĩ không nêu tên này khẳng định lô thuốc H-Capita đúng với qui định về dược lý của quốc tế.

“Theo qui định, ngay cả của Mỹ, hàm lượng trong thuốc cho phép (+) (-) 10% , chiếm 10% là đạt yêu cầu rồi nên 97%, 98% là quá đạt yêu cầu. Trong khi so với giá thuốc gốc là 70 ngàn/viên, cái này có 30 ngàn/viên. Thì phải nói nếu họ làm được như thế là phải khen, vì người nghèo có thể tiếp cận với 1 loại thuốc mới với 1 nửa chi phí.”

Do đó, theo cách gọi của bà Chánh án TAND TP.HCM, đó có thể là hàng kém chất lượng, nhưng “phải so với đề án nhập thuốc. Đề án bao nhiêu % chất đó thì chúng ta so ra mới biết có kém chất lượng hay không?”

Một sự bất nhất khác, cũng theo vị dược sĩ này cho biết ông đã đọc được trong các bài viết về vụ VN Pharma.

“Có 1 văn bản nói là nó không có tác dụng trị bệnh, không được sử dụng cho người. Còn 1 văn bản khác thì lại nói là đầy đủ chất lượng sử dụng trên người.”

Trên tờ Infonet ngày 22 tháng 8 năm 2017. “Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg của Công ty VN Pharma chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.”

Cũng trên tờ Infonet, ngày 30 tháng 8 có đăng bài nhận định của bác sĩ Phan Đình Hiệp hiện đang làm việc ở Úc cho biết nếu phân tích theo định nghĩa của Luật Dược, H-Capita của VN Pharma được gọi là thuốc biệt dược tương tự (Generic). Nhưng theo qui định của Luật Dược 2016, H-Capita được xem là thuốc giả vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bất nhất trong qui trình và hiệu ứng đám đông

Trước đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM băn khoăn khi trả lời báo Vietnam.net trong nước cho rằng bà thấy khó hiểu khi các doanh nghiệp khác phải mất một thời gian rất lâu và rất khó khăn mới được đăng ký thuốc, nhưng tại sao “con lạc đà”như VN Pharma lại có thể chui lọt qua những “lỗ kim” như Bộ Y tế, Cục quản lý dược?

Câu hỏi của bà nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM được Giáo sư Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam Nguyễn Thế Hùng trả lời chúng tôi theo quan điểm của ông, “lỗi là do cơ chế, mà cơ chế là do thị chế sinh ra”.

“Như vậy là nó có những cái quan hệ, những lợi ích nhóm, những thượng tầng của nó tức là những lãnh đạo cao cấp che chở cho nên nó mới sinh ra như thế. Cho nên người ta mới gọi bất nhất là như vậy. Có anh thì đòi đưa ra xử, có anh khác thì nguỵ biện, đưa ra cái này cái khác. Thực chất là có những quan hệ đen tối bên trong, gọi là lợi ích nhóm đó.”

Nhận định này tương đồng với ý kiến của phóng viên điều tra Đỗ Cường. Anh là người đã nhiều lần cố gắng liên lạc trực tiếp với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đưa lên trang mạng xã hội những hình ảnh, video về căn biệt thư của bà bộ trưởng đang gây ồn ào trong vụ án này.

<i>"Thực chất là có những quan hệ đen tối bên trong, gọi là lợi ích nhóm đó." - GSTS Nguyễn Thế Hùng</i>

Theo anh, cái gọi là lợi ích nhóm trong vụ án này đã tạo ra một kết quả gọi là ‘hiệu ứng đám đông’

“ Những nguồn thông tin, mập mờ trong đấu thầu, mập mờ trong căn biệt thự 20 tỷ ông Hùng tặng cho bà Tiến, nếu là người ngoài thì không thể biết được, chỉ những người lãnh đạo, hoặc đối thủ bên đấu thầu, đối thủ của VN-Pharma mới biết được.

Người ta tung lên như 1 bằng chứng. Ở Việt Nam có rất nhiều tin đồn trở thành thật.”

Về khía cạnh này, vị dược sĩ ẩn danh trong bài viết cũng đưa ra quan điểm đồng nhất. Ông cho biết mình theo dõi diễn biến sự việc với vai trò vừa là một độc giả, vừa là một người am hiểu về dược phẩm để thấy rằng, câu chuyện VN-Pharma là một cuộc tranh giành lợi ích nhóm.

“Đại khái là khi muốn chơi nhau về lợi ích nhóm hoặc muốn thí chốt bà Tiến thì dựng lên một câu chuyện truyền thông về thuốc giả, nhưng cái để bắt bẻ nhau và giấy tờ buôn lậu. Nhưng truyền thông thì được lệnh đưa lên thành 1 vụ án thuốc giả lừa người bệnh ung thư, làm cho dư luận phẫn nộ để chơi nhau.”

Ông nói rằng chính những cách đưa tin về vấn đề này của truyền thông đã tạo nên một sự phẫn nộ rất lớn trong công luận.

“Nó thành một cái chủ đề là làm giả thuốc ung thư cho người bệnh nghèo ở giai đoạn chót…

Bản thân kết luận của toà án là buôn lậu thuốc với làm giả giấy tờ chứ không kết luận là sản xuất thuốc giả.”

Vụ việc hơn 9.000 hộp thuốc ung thư được báo chí trong nước gọi là lô thuốc giả nhập vàp Việt Nam vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi, về thuốc thật hay giả, và cả trách nhiệm thuộc về ai.

Cộng đồng truyền thông mạng thời gian qua đồng loạt bày tỏ phẫn nộ kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức. Khi trả lời câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án VN-Pharma, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chỉ nói rằng: “Từng ngành đều có Bộ trưởng, người đó phải chịu trách nhiệm cao nhất chứ không thể đổ lỗi cho ai khác.”