15 người Hmong Việt Nam chạy qua Thái Lan tìm kiếm sự giúp đỡ của UNHCR

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sau một năm sống vất vưởng ở Ban Huay Nam Khao, tỉnh Phetchabun miền đông bắc Thái Lan, 15 người Hmong từng trốn chạy khỏi Việt Nam đã rời bỏ khu tập trung, thực hiện cuộc phiêu lưu mới đi tìm Văn Phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok. Nam Nguyên tường trình câu chuyện này.

0:00 / 0:00
LaoHmong200.jpg
Những người Hmong trong trại tập trung ở Thái Lan. Photo © RFA

Ban Huay Nam Khao có nghĩa là bản làng bên dòng sông trắng, một thung lũng ở khu vực đồi núi thuộc tỉnh Phetchabun, cách thủ đô Bangkok Thái Lan 550 km về phía bắc, từ đây chỉ qua một rặng núi là tới lãnh thổ Lào. Ngôi làng nghèo nàn nhưng có cái tên thơ mộng như vừa nói, đã và đang là đất tạm dung cho 6 ngàn người sắc tộc Hmong trốn chạy chế độ cộng sản Lào, từ giữa năm 2005 đến nay.

Trốn chạy khỏi Việt Nam

Trong số những người Hmong đó có hai gia đình gồm 15 người thuộc sắc tộc Hmong Việt Nam. Họ đã từ bỏ buôn làng ở Lào Cai và Đắc Nông vì theo lời họ, chính quyền địa phương cấm đạo tin lành. Những người nay đã vượt biên từ Nghệ An qua Lào, và từ Lào một lần nữa vượt biên giới sang Thái Lan:

Lúc ở Lào Cai cũng như sau này ở Đắc Nông chính quyền địa phương buộc chúng tôi bỏ đạo Tin Lành, không nghe thì bị đánh dập và doạ bỏ tù. Vì thế tôi phải đưa gia đình vượt biên.

Đó là lời ông Thắng A Di, 39 tuổi đại diện hai gia đình Hmong Việt Nam. Từ ngày 23/4/2006, hai gia đình Hmong Việt Nam đã tìm cách rời khỏi khu vực tập trung ở tỉnh Phet cha Bun, họ theo xe khách đi về phía Nam với mục đích đi tìm Văn Phòng Cao uỷ Tỵ Nạn LHQ. Lý do của cuộc phiêu lưu mới đầy bất trắc này là đi tìm cuộc sống. Ông Thắng A Di nói:

"Xin cao uỷ tỵ nạn LHQ giúp chúng tôi một nơi định cư để cuộc sống được tiếp tục, con cái được đi học. Đừng trả chúng tôi về Việt Nam, nếu phải chết xin cho chết ở đây."

Ngày 25/4/2006 chúng tôi liên lạc được với ông Thắng A Di qua điện thoại, ông cho biết cả nhóm đã tới được một thành phố lớn từ ba ngày qua, nhưng ông không biết thành phố này tên là gì, ông không biết tiếng Thái, tiếng Lào để hỏi chuyện, và cũng hết sức lo sợ, vì đang ở trong tình trạng bất hợp pháp, không ai có giấy tờ tuỳ thân.

Xin cao uỷ tỵ nạn LHQ giúp chúng tôi một nơi định cư để cuộc sống được tiếp tục, con cái được đi học. Đừng trả chúng tôi về Việt Nam, nếu phải chết xin cho chết ở đây.

Theo lời kể của ông Thắng A Di, nhóm của ông đã ngồi xe khách gần 7 tiếng đồng hồ trong chuyến đi này, ông mô tả thành phố lớn nhiều xe cộ và bên trên đường có cầu bắc ngang. Rất có thể là nhóm người Hmong Việt Nam đang ở Bangkok hoặc một tỉnh giáp ranh bangkok.

Sống vất vưởng ở Thái Lan

Ông Thắng A Di cho biết nhóm của ông sống vất vưởng gần một năm trong vùng cô lập ở Ban Huây Nam Khảo, tương lai bất định và canh cánh bên lòng nỗi lo sợ bị chính quyền Thái Lan đuổi qua biên giới Lào hoặc trục xuất về Việt Nam, vì thế họ phải trốn trại, và nhờ vào lòng hảo tâm của người khác mà có phương tiện đi xa:

" Chúng tôi hết sức khó khăn, phải đi ăn xin. Mỗi tuần một đầu người được cấp phát 1kg gạo mà thôi."

Kể từ khi chúng tôi tiếp xúc với ông Thắng A Di lần đầu vào giữa năm 2005, gần một năm trôi qua nhưng khu vực cô lập người Hmong chạy từ Lào qua Ban Huay Nam Khao không có gì thay đổi . Mấy ngàn con người khốn khổ vẫn phải sống trên một hành lang dài, trong những túp lều tạm bợ, thực phẩm cứu trợ rất hạn chế.

Tương lai của những người tỵ nạn chưa hoặc sẽ không được cấp quyền tỵ nạn này hết sức bấp bênh. Những ai ra khỏi khu vực cấm có thể bị bắt cóc và bí mật đẩy qua biên giới, như trường hợp 20 trẻ em Hmong cách đây ít lâu.

Trong thời gian qua chính phủ Thái Lan có nhiều nỗ lực để giao trả số người Hmong về nơi họ từ đó ra đi. Tuy nhiên các cuộc thương thảo gặp bế tắc, vì nhà cầm quyền cộng sản Lào nhất mực không nhìn nhận xuất xứ của những người Hmong không còn tổ quốc.