Có ý nghĩa to lớn
Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương của UNESCO thuộc Liên hiệp quốc vừa ra quyết định công nhận 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới, đứng hàng thứ nhì ở Việt Nam, sau Mộc bản triều Nguyễn. Cả hai tư liệu lịch sử này sẽ được liệt kê vào danh sách Ký ức Thế giới (Memory of the World).
Giải thích lý do vì sao bia tiến sĩ Văn Miếu được tổ chức văn hoá của Liên Hiệp quốc công nhận là di sản tư liệu thế giới,Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Viện Hán Nôm Hà Nội cho biết:"Chúng ta thấy những bia này có tính chất độc đáo, trên thế giới có nhiều nơi dựng bia nhưng chỉ duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu là có bài ký ghi lại lịch sử của các khoa thi và triết lý của các triều đại về nền giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài.
82 bia ký ở Văn Miếu có tính chất độc bản, tức là không có bản thứ hai và đó chính là một tiêu chí cao nhất của việc công nhận này.”

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc UNESCO công nhận giá trị văn hóa, tư liệu đối với các bia tiến sĩ Văn Miếu mang một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Việt Nam, nhất là vào thời điểm Hà Nội bước vào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây. Và hệ thống các bia đá đang tồn tại ở Văn Miếu có thể được xem là một trong những chứng tích lâu dài nhất của Hà Nội.
Ông Quốc cho biết tiếp: "Nó sẽ giúp cho hình ảnh Việt Nam được quảng bá ra bên ngoài, nhất là ở ý nghĩa là một dân tộc có một nền văn hiến và hiếu học; thứ hai nó là cơ sở pháp lý để trong nước có thể quan tâm nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy di sản này; thứ ba, nó tạo ra một mối quan tâm với công chúng về ngôn ngữ mà người Việt Nam đã sử dụng trong quá khứ.
Chữ Hán đã trở thành một công cụ văn hoá của đời sống xã hội Việt Nam, và cùng với nó là nền giáo dục thi cử chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Trung Hoa cũng như của đạo Khổng, nhưng đã tạo ra được một nền quốc học”
82 bia tiến sĩ Văn Miếu vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ dưới triều Lê và Mạc, tương ứng với 82 khoa thi được tổ chức. Các văn bia này được hình thành trải dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19.
Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442, tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 phản ánh khoa thi tổ chức vào năm 1779.
82 bia ký ở Văn Miếu có tính chất độc bản, tức là không có bản thứ hai và đó chính là một tiêu chí cao nhất của việc công nhận này
.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Trong số 1.304 tiến sĩ đỗ đạt được khắc tên trên 82 bia đá thì có tới 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh (1368 - 1644), triều Thanh (1644 - 1911), có những vị đi sứ tới 2, 3 lần như các tiến sĩ Nguyễn Như Đổ, Lê Quý Đôn. Tài liệu lịch sử này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử bang giao của Việt Nam với các nước phương Bắc dưới thời phong kiến.
Ngoài ra, nguồn tư liệu vô giá này cũng giúp chúng ta nghiên cứu về những danh nhân lỗi lạc như Ngô Sĩ Liên, đỗ tiến sĩ năm 1442, người soạn bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư”
Nhà chính trị, ngoại giao tài ba Ngô Thời Nhiệm đỗ tiến sĩ năm 1775, vị công thần giúp vua Quang Trung đại thắng quân Thanh trong trận phản công thần tốc năm Kỷ Dậu, sau khi hiến mưu lược khôn ngoan, bỏ Thăng Long rút đại quân về Tam Điệp để bảo toàn lực lượng.

Mỗi văn bia đều toát lên vẻ độc đáo, nêu bật đạo lý làm người ở thời xưa, và phản ánh một phần tinh hoa trí tuệ cũng như truyền thống hiếu học của người Việt, là tấm gương về tinh thần trau giồi, khổ luyện để thành tài của nhiều thế hệ nho sinh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết các văn bia đã thể hiện chủ trương đề cao sự học, tôn trọng hiền tài, và việc chăm lo giáo dục của các triều đại trước. Ông nói, ngay trong văn bia đầu tiên của Thân Nhân Trung, vị quan Tế tửu Quốc tử giám đầu tiên đã nêu rõ quan điểm"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài".
Có thể nói việc sử dụng hiền tài là thước đo sự hưng thịnh của một quốc gia, và ở những tấm bia sau cũng nhắc lại ý đó.
Vinh danh, sử dụng nhân tài
Ngoài ra, ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh, việc ghi danh trên bia không chỉ là một sự biểu dương đơn thuần, ghi tên những người đã đỗ đạt cao, mà còn nêu lên một thông điệp quan trọng khác là sự đòi hỏi nhân tài phải có đóng góp nhất định cho xã hội, tương xứng với vinh dự ghi danh bảng vàng bia đá mà họ nhận được.
Ông nói thêm:"Điều này cũng liên hệ đến tình hình hiện nay trong chính sách của nhà nước Việt Nam, rõ ràng càng ngày càng thấy giáo dục có vai trò quan trọng là quốc sách, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển cao cho nền tri thức kinh tế hiện nay.
Ô. Dương Trung Quốc
Việc này về mặt lý thuyết thì không có vấn đề gì phải bàn cả, nhưng đúng là khi thực thi còn có những rào cản trong nhận thức xã hội. Thí dụ như một trong những vấn đề được khá nhiều ý kiến bàn thảo, không chỉ trong dư luận xã hội, mà cả trong những hội nghị, và kể cả trong Quốc hội là vấn đề yếu tố chính trị chẳng hạn, có phải là tiên quyết không, bởi vì hiện nay, những chức vụ hay vị trí cao thì hầu như phải là đảng viên cộng sản. Đây cũng là một vấn đề về sử dụng nhân tài có thực sự bình đẳng và có thể thu hút được tối đa không?
Thứ hai, nền giáo dục Việt Nam hiện nay cũng đang có vấn đề về chất lượng. Hiện tượng chất lượng kém của các cơ sở đào tạo khiến cho đội ngũ những người được đào tạo, kể cả những người có bằng cấp cao nhưng chưa tương xứng với giá trị thực của nó, thì đó cũng là điều mà xã hội đang quan tâm.”
Sự công nhận của thế giới cũng đặt ra cho Việt Nam yêu cầu khắt khe trong việc bảo quản và phát huy di sản văn hóa này. Trước đây, 82 tấm bia từng phải nằm trầm mình trong mưa gió. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, từ năm 1994, nhờ sự tài trợ khoảng 70,000 đôla Mỹ của American Express thông qua Hội đồng Hòa giải Đông Dương của Mỹ, để xây dựng lại 8 nhà che bia, bảo vệ các tấm bia khỏi mưa nắng.
Bên cạnh đó, sự ngưỡng vọng của thế hệ sau dành cho truyền thống khoa bảng của người đi trước đã tạo nên một thói quen tín ngưỡng ở Văn Miếu. Hàng năm, vào mùa thi, các thí sinh đua nhau đến sờ đầu rùa để lấy vận may. Nhiều người thậm chí còn ngồi hoặc đứng lên cả các cụ rùa. Hiện tượng đó đã khiến cho nhiều đầu rùa bị bào mòn, các dòng Hán tự bị mờ dần.

Trước thực trạng này, ông Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Văn Hoá Khoa Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu một số hình thức bảo tồn bằng công nghệ cao vừa đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, vừa ngăn chặn những bàn tay vô ý thức.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng đưa ra nhận xét:"Tôi thấy rằng việc tuyên truyền giới thiệu để cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ có thể hiểu biết được đầy đủ và trọn vẹn những giá trị của Văn Miếu nói chung, cũng như của các bia văn tiến sĩ nói riêng là còn chưa nhiều.
Chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan văn hóa Hà Nội, nhất là Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần có những công việc thiết thực để tuyên truyền về những giá trị sâu sắc của văn bia Văn Miếu, không những ở trong các bài bia ký mà còn ở những đồ án trang trí rất phong phú trên các văn bia tiến sĩ này. Làm thế nào để cho mọi người hiểu được những giá trị của những tấm bia Văn Miếu.
Di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một điểm tham quan rất đặc biệt ở Hà Nội không những thu hút các khách du lịch nước ngoài mà còn lôi cuốn cả người dân trong nước. Đặc biệt mỗi dịp Xuân về, giới trẻ thường đi tham quan Văn Miếu để được tắm mình trong không gian cổ kính và linh thiêng ở đây.