Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao kiến nghị chính phủ tài trợ

Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao Việt Nam vừa kiến nghị chính phủ tài trợ để lập một quĩ dự trữ cà phê, tránh tình trạng nông dân bị ép giá khi vào vụ thu hoạch.

0:00 / 0:00

Nam Nguyên trình bày thông tin này.

Bộ Công Thương hy vọng sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2009 có thể đạt hơn 1 triệu tấn trị giá 1 tỷ 600 triệu USD. Năm nay Việt Nam xuất khẩu cà phê tăng về lượng nhưng kim ngạch thấp do giá thế giới giảm một nửa so với năm ngoái. Niên vụ cà phê 2009-2010 khởi sự vào tháng 10 sắp tới, hiện nay là mùa giáp hạt cà phê niên vụ 2008-2009 còn rất ít trên thị trường, nhưng rất bất thường khi giá cả vẫn đứng ở mức thấp. Sự kiện này làm cho nhiều người kém lạc quan, khi Tây Nguyên bắt đầu thu hoạch vụ cà phê mới từ giữa tháng 11 sắp tới.

Thành lập quĩ dự trữ cà phê

Ông Nguyễn Công Thịnh, có vườn cà phê ở Tây Nguyên và cũng là nhà kinh doanh cà phê trên mạng đưa ra nhận định:

“Giá hôm nay 25.500đ/kg, theo tôi mức này tạm đủ, giá thành tính toán vụ rồi từ 22.000 tới 23.000đ/kg cũng chẳng có lời gì. Những năm trước giá cao nhất vào thời điểm này vì hàng hiếm, nhu cầu rang xay bắt đầu lên phục vụ mùa đông, nhưng giá không lên được thì cũng không mong đầu vụ giá sẽ cao.”

Khi có người mua rồi thì giá không đẩy xuống nữa, khi Việt Nam không bán ra thương nhân ở nước ngoài cũng phải lấy giá đó để mua, như vậy đảm bảo được sự ổn định giá của thị trường Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam, VICOFA

Thị trường cà phê Việt Nam được mô tả là không ổn định, thiếu cơ chế hoạt động hữu hiệu. Ngoại trừ các nông trường và trang trại, 70% nông dân canh tác nhỏ lẻ mỗi hộ chỉ được một tới hai héc ta. Mỗi đầu vụ thu hoạch, Tây Nguyên diễn ra cảnh nông dân ồ ạt bán cà phê để lấy tiền trả nợ vay, nợ phân bón thuốc trừ sâu và trang trải cuộc sống. Khi tất cả mọi người cùng đưa hàng ra bán, tất nhiên giá cả phải sụt giảm. Theo lời ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Cacao Việt Nam VICOFA được báo chí trích thuật, ngay đầu vụ mỗi tháng nông dân bán ra khoảng 200 ngàn tấn cà phê, thương nhân nắm rõ qui luật nên thường ép giá trong thời điểm này. Do vậy VICOFA kiến nghị chính phủ cho các thành viên của mình vay vốn với lãi suất 0% để có thể mua dự trữ 200 ngàn tấn cà phê ngay đầu vụ, để giảm áp lực thị trường xuống giá. VICOFA cũng kiến nghị chính phủ nghiên cứu cơ chế về quĩ dự trữ cà phê, theo đó các doanh nghiệp tham gia có quyền chọn thời điểm bán thích hợp.

Ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch VICOFA đưa ra nhận định:

“Tôi nghĩ đấy là ý tưởng tốt nhưng thực hiện được thì cần có nhiều sự phối hợp. Vấn đề này chỉ giải thích được là khi giá có hiện tượng xuống thì mình chặn lại không bán thì tránh được rủi ro. Nếu có 200.000 tấn bán ra khi giá xuống, dân hoảng hốt đổ ra bán thì mình mua. Khi có người mua rồi thì giá không đẩy xuống nữa, khi Việt Nam không bán ra thương nhân ở nước ngoài cũng phải lấy giá đó để mua, như vậy đảm bảo được sự ổn định giá của thị trường Việt Nam.”

Cần chiến lược phát triển

Thưa quí thính giả, cũng như mặt hàng gạo, cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn các nước trong khu vực. Vấn đề chất lượng hạt cà phê và công nghệ sau thu hoạch yếu kém là những nguyên nhân chủ yếu.

Nói về chất lượng thì năm nào Việt Nam cũng nói nâng cao chất lượng. Thực tế ở đây dân nói là 'xanh nhà hơn già đồng' không hái thì ăn trộm nó hái hết, cho nên hái trái xanh còn hơn chờ trái chín thì chẳng còn để hái.

Ông Nguyễn Công Thịnh

Doanh nhân cà phê Nguyễn Công Thịnh nhận định:

“Nói về chất lượng thì năm nào Việt Nam cũng nói nâng cao chất lượng. Thực tế ở đây dân nói là ‘xanh nhà hơn già đồng’ không hái thì ăn trộm nó hái hết, cho nên hái trái xanh còn hơn chờ trái chín thì chẳng còn để hái. Tây Nguyên tới mùa thu hoạch ăn trộm ăn cướp, không ai đủ can đảm chờ chín mới hái hết. Ngoài ra công lao động cao, phải hái một lần thôi, chờ chín phải hái nhiều lần vì nó rải ra. Nếu nói chuyện nâng cao chất lượng thì thực tế không giải quyết được gì hết, còn nếu chất lượng kém thì đã có giá trừ lùi.”

Việt Nam đang duy trì diện tích trồng cà phê khoảng 500 ngàn ha chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên. Hạt cà phê xuất khẩu đem lại kim ngạch lớn lao cho đất nước, nhưng do thiếu một chiến lược phát triển bền vững, khâu dự báo thị trường và hoạt động điều hành xuất khẩu thiếu hiệu quả, mà hàng trăm ngàn nông dân trồng cà phê đắm chìm trong nợ nần, lợi nhuận thực sự nằm trong tay những nhà tư bản.