Công nhân Việt ở Bahrain trở lại làm việc

Sau một thời gian tranh đấu và chờ đợi, công nhân Việt Nam tại một công ty xây dựng ở Bahrain, qua giàn xếp của cơ sở trung gian bên Việt Nam và doanh nghiệp sử dụng lao động Việt ở Bahrain, đồng ý trở lại làm việc với mức lương tương đối trong thời buổi kinh tế khó khăn.

0:00 / 0:00

Thanh Trúc cập nhật thêm chi tiết:

Từ giữa tháng Tám 2008, gần bảy mươi công nhân Việt Nam, qua trung gian của công ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC, đã sang Bahrain làm việc cho công ty xây dựng Sung Won mà chủ nhân là người Nam Hàn.

Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC là công ty trực thuộc nhà nước, có văn phòng tại Hà Nội và Kiên Giang.

Qua đến nơi thì hai tháng đầu công nhân Việt không được trả đúng mức lương trong hợp đồng. Đến tháng Mười Một và tháng Mười Hai thì công ty Sung Won không thanh toán lương cho công nhân nữa. Từ đó đến nay tiền lương khi có khi không, thời gian trả kéo dài mươi mười lăm ngày là thường.

Theo thỏa thuận chung thì bên AIC khuyên anh em là công ty Sung Won hiện giờ chỉ trả được anh em một tháng trong vòng 110BD chứ không trả được 117.

Anh Toàn, đại diện công nhân bên Bahrain

Anh Quyến, đang làm việc trong Sung Won, cho biết:

“Hỏi công ty bên này thì người ta trả lời là kinh tế đang bị khủng hoảng nên xin công nhân cho nợ thêm một thời gian để người ta giải quyết. Cứ hẹn lần này tới lượt khác, bốn năm lần vẫn chưa có tiền trả. Gọi về cho công ty đại diện AIC thì người ta cũng trả lời chung chung là giờ tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng thì có gì anh em lao động cứ bình tĩnh và cố gắng đi làm việc, đừng có đình công, chắc chắn công ty AIC sẽ liên hệ với công ty Sung Won để sớm giải quyết.”

Việc kêu cứu khiếu nại với công ty môi giới AIC không xong khiến một số công nhân đình công, một số bỏ việc nằm nhà, một số đòi trở về nước vì chán nản.

Thỏa thuận mức lương tương đối

Nhưng theo tin mới đây thì AIC đã phái người qua điều đình cùng chủ nhân công ty Sung Won. Kết quả được anh Toàn, đại diện công nhân bên Bahrain, thuật lại:

“Trong thời gian như vậy thì phía công ty AIC đưa người qua giải quyết, nói chung là thỏa thuận giữa người lao động và bên công ty AIC Việt Nam với công ty Sung Won ở Bahrain này. Theo thỏa thuận chung thì bên AIC khuyên anh em là công ty Sung Won hiện giờ chỉ trả được anh em một tháng trong vòng 110BD chứ không trả được 117. Trước kia do sự khó khăn về lương thì anh em cũng mất tinh thần, nhưng hiện giờ giải quyết được vấn đề như là ký hợp đồng lại rồi thì lương 110 anh em cũng tạm chấp nhận làm. Hiện giờ thấy yên tâm làm việc rồi, không còn lo nghĩ nặng nề như trước nữa. Sau khi ký hợp đồng mới lại thì công ty chỉ trễ trong vòng bảy ngày thôi, nói chung là đỡ hơn trước nhiều.”

Lúc công ty AIC đến Bahrain này thì người đại diện đã nói là có một số người đưa tin tức lên đài Á Châu Tự Do. Tụi em không nói gì nhưng cũng nhờ như vậy mà tụi em mới thấy chuyện được giải quyết nhanh.

Anh Toàn, đại diện công nhân bên Bahrain

Lý do công ty môi giới AIC Việt Nam nhanh chóng tiến hành điều đình với công ty Sung Won ở Bahrain được anh Toàn giải thích:

“Cái này thì nói là nhờ cái sự tranh đấu của anh em, tại anh em cương quyết, nếu mà không trả đúng hợp đồng, không trả đúng mức lương thì anh em nhất định là không làm nữa. Lúc đó anh em cũng nhờ sự hỗ trợ và cũng nhờ đài Á Châu Tự Do đưa tin và ở khắp nơi người Việt Nam mình cũng nghe tin đó thì tới tai công ty AIC. Lúc công ty AIC đến Bahrain này thì người đại diện đã nói là có một số người đưa tin tức lên đài Á Châu Tự Do. Tụi em không nói gì nhưng cũng nhờ như vậy mà tụi em mới thấy chuyện được giải quyết nhanh.”

Tưởng cần nhắc lại những người Việt qua Bahrain lao động qua trung gian của Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC được chia làm hai diện. Diện có tay nghề như anh Toàn thì mức lương cao hơn diện không có tay nghề, còn gọi là lao động phổ thông, như anh Quyến.

Đền bù tiền ký quĩ?

Trước khi vụ việc được giải quyết tạm ổn thỏa như anh Toàn trình bày thì đã có hai mươi mấy công nhân trở về Việt Nam. Hiện còn một số đã nộp đơn xin trở về thì đang còn chờ chuyến bay. Anh Toàn cho biết:

“Nếu mà không giải quyết thì nói chung là rất nhiều người đòi về. Như tụi em là lao động tay nghề thì ở đây làm, còn như lao động phổ thông thì lúc ký là 90, nhưng công ty ký hợp đồng lại là chỉ trả có 85, một số lao động không chịu thì bảo là về nước. Hai mươi mấy đứa rồi đấy, về Việt Nam hết rồi, số đang đợi về cũng bốn năm người gì đó. Em có người bạn về Việt Nam cũng liên lạc về, khi mới tới Việt Nam thì công ty AIC cũng không đá động gì tới, chưa có động tĩnh gì để mời hay là để nói gì. Nghe đâu là bên AIC chi nhánh Kiên Giang là đóng cửa, không tiếp người lao động, lên đó chỉ thấy đóng cửa chứ không thấy làm việc.”

Nghe đâu là bên AIC chi nhánh Kiên Giang là đóng cửa, không tiếp người lao động, lên đó chỉ thấy đóng cửa chứ không thấy làm việc.

Anh Toàn, đại diện công nhân bên Bahrain

Điểm mà anh Toàn vừa trình bày liên quan đến sự kiện người trở về mà không được công ty trung gian AIC tiếp xúc hay đá động gì tới việc đền bù tính trên số tiền họ đóng cho công ty, gọi là tiền ký quĩ, trước khi qua Bahrain làm việc. Đây là số tiền người lao động vay mượn của ngân hàng. Có người thế chấp giấy tờ nhà đất để có được khoảng bốn mươi mấy triệu đồng ký quĩ cho AIC.

AIC hỗ trợ bù lỗ 15%?

Trước đó, AIC còn cam kết hỗ trợ bù lỗ 15% cho những tháng lương mà Sung Won trả thiếu hay không thanh toán cho công nhân nếu họ chịu ký lại hợp đồng với mức lương 110BD. Thế nhưng theo anh Toàn thì:

“Tại vì tụi em làm ở đây có người sáu tháng, có người bảy tháng, mà lương trả không đúng hợp đồng. Công ty AIC nói là hỗ trợ 15%. Có một số nhận được, một số chưa nhận được.”

Chuyện này được anh Toàn nêu lên trong một buổi họp với đại diện AIC:

“Thực sự nếu mà có mức hổ trợ như vậy thì nên đưa ra một bản danh sách những người nào đã được hỗ trợ rồi để người lao động biết, người ta yên tâm làm việc.”

Tuy nhiên vẫn theo lời anh Toàn, từ lúc ký hợp đồng trở lại khoảng cuối tháng Hai đầu tháng Ba tới giờ thì AIC không đả động gì đến tiền hỗ trợ 15% này cả.