Cấm sử dụng xe ba bánh ở Lào Cai

Trước đây khi Thủ tướng chính phủ mới đưa ra chỉ thị về việc đình chỉ lưu hành loại xe cơ giới 3-4 bánh tự chế tại các thành phố lớn trong cả nước, hơn 100 người lái xe 3 bánh tự chế tại Hà Nội đã xuống đường bày tỏ sự phản kháng vì lệnh cấm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

0:00 / 0:00

Và mới đây sự việc này lại diễn ra ở khu vực cửa khẩu Lào Cai giáp với Trung Quốc. Hằng trăm cửu vạn đã vây quanh khu cửa khẩu quốc tế để phản đối lệnh cấm xe ba bánh do cơ quan chức năng địa phương đưa ra.

Quỳnh Như tổng hợp một số ý kiến và tường trình cùng quý thính giả.

Thành phố Lào Cai có phường Duyên Hải và phường Lào Cai nằm sát đường biên giới với Trung quốc. Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân phường Lào Cai chỉ cách cột mốc biên giới 108 khoảng 200 mét. Từ rất nhiều năm nay, việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới chủ yếu là bằng các loại xe thô sơ, xe tự chế. Tuy nhiên, có những chiếc xe tự chế có trọng tải lên đến 10 hoặc 15 tấn. Chỉ riêng ở khu vực này đã có gần 100 chủ các phương tiện xe thô sơ, tự chế hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Thực hiện lộ trình của Nghị quyết 32 của Chính phủ là cấm các phương tiện xe thô sơ hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, theo nội dung các cuộc họp thường niên giữa Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang với Sở Giao thông tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, mới đây hai bên đã thống nhất ý kiến thực hiện việc cấm các loại xe thô sơ 3-4 bánh hoạt động ở khu vực cửa khẩu Lào Cai. Thay vào đó mỗi bên sẽ có 20 xe ô tô trọng tải khoảng từ 1,5 đến 2,5 tấn để vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai theo chính sách biên mậu.

Thiếu an toàn, mỹ quan

Về việc này ông Lê Xuân Hân, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Phường Lào Cai cho biết như sau:

“Những xe thô sơ không đảm bảo về an toàn trong việc vận chuyển và gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị cũng như tình hình an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu quốc tế. Chính vì lẽ đó, từ năm 2007, khi thực hiện nghị quyết 3 thì tỉnh Lào Cai cũng đã có chủ trương sẽ thay thế các phương tiện này theo lộ trình từng bước một. Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo cho thành phố Lào Cai, cho các phòng ban chức năng cùng với phường Lào Cai tiến hành tiếp tục rà soát và lên phương án đề nghị hỗ trợ, cũng như tìm phương tiện thay thế xe thô sơ này. Và đã thống nhất thay thế xe thô sơ bằng xe ô tô trọng tải nhẹ vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu.”

Những xe thô sơ không đảm bảo về an toàn trong việc vận chuyển và gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị cũng như tình hình an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu quốc tế.

Ông Lê Xuân Hân

Báo Sài Gòn Giải phóng trong nước loan tin chủ những phương tiện vận chuyển thô sơ đã đẩy xe đến sát khu vực cửa khẩu, ngăn cản không cho xe từ phía Trung Quốc sang. Chính quyền địa phương đã cho xe cẩu đến kéo các xe thô sơ này ra ngoài. Những người làm công việc vận chuyển từ trước đến nay bằng các loại xe tự tạo rất bức xúc trước việc chính quyền địa phương cấm không cho các loại xe thô sơ được hoạt động nữa. Có ba người bị tạm giữ và phía công an nói rằng do những người này có hành vi quá khích.

Hỗ trợ chủ xe

Khi trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Hân cho biết tình hình đã trở lại bình thường và địa phương đã có những chính sách hỗ trợ đối với các chủ phương tiện và lao động vận chuyển hàng hóa. Ông Hân giải thích:

“Tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ cho mỗi chủ phương tiện xe thô sơ 5 triệu đồng. Những người có điều kiện vay vốn chuyển sang tiếp tục thực hiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có thể vận tải trong nước hoặc vận tải xuất ngoại, quá cảnh không nằm trong diện chính sách biên mậu thì được hỗ trợ 4 triệu. Tất cả những lao động kèm theo hoạt động này sẽ được hỗ trợ học nghề 3 tháng, mỗi tháng 600 ngàn đồng với điều kiện họ phải tham gia học và có chứng chỉ học nghề do một cơ quan được phép đào tạo cũng như được cấp phép cấp chứng chỉ. Thành phố cũng giao cho Trung tâm chuyển đổi việc làm thành phố bố trí việc làm cho họ. Hiện nay tại thành phố Lào Cai đang hình thành hai khu công nghiệp là KCN Kim Thành và KCN Đông Phố Mới, đã có trên dưới 50 doanh nghiệp hoạt động. Thành phố sẽ qua Trung tâm đào tạo việc làm đó để đào tạo việc làm và liên hệ với các doanh nghiệp trong hai khu công nghiệp để các lao động này vào làm việc.”

Kẹt xe, ô nhiễm

Bà Nguyễn Thị Biên, một cư dân ở phường Lào Cai, nhà bà chỉ cách khu vực cửa khẩu chưa đầy 500 mét. Bà Biên cũng thường hay qua lại biên giới. Bà Biên nói:

“Chắc là cũng phải hài lòng thôi vì đây là chủ trương của nước ngoài cấm chứ có phải của mình đâu. Của Trung Quốc nữa chứ có phải của riêng Việt Nam mình cấm đâu. Nó không cho (xe thô sơ) vào trong nước nó vì xe cồng kềnh dễ tắc đường. Người Lào Cai thì không nhiều, chỉ có hơn một trăm xe thô sơ thôi, chủ yếu là người từ các tỉnh khác lên. Bây giờ người ta chuyển sang vận chuyển bằng xe ô tô thì công ăn việc làm cũng vẫn thế.”

Tôi nghĩ là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách phát triển những ngành nghề thủ công, những dịch vụ để họ vẫn có thu nhập.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, các loại xe 3-4 bánh, thường không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định và đôi khi được lắp ráp theo lối thủ công, nên góp phần gây ô nhiễm môi trường với khói, bụi và tiếng ồn. Đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt xe và mất an toàn giao thông.

Theo số liệu của cơ quan quản lý giao thông thì hiện nay ở Hà Nội có khoảng 2 ,000 chiếc xe 3 bánh tự chế, còn tại Thành phồ Hồ Chí Minh thì có đến hàng chục ngàn chiếc xe thô sơ.

Trong lần phát biểu trước đây với Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng cho rằng cần phải giúp đỡ phương tiện mưu sinh cho những người lao động. Ông nói:

“Tôi nghĩ là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách phát triển những ngành nghề thủ công, những dịch vụ để họ vẫn có thu nhập.”

Thật vậy, đây không phải là một vấn đề đơn giản có thể giải quyết trong một sớm một chiều bằng một lệnh cấm vì những lao động này rất khó khăn trong việc chuyển đổi nghề, ngoài bản thân họ còn phải nuôi sống gia đình. Hầu hết họ là những người quen lao động đơn giản, không có trình độ nên dù có được học nghề miễn phí xong cũng rất khó xin được công việc mới để đảm bảo cuộc sống.