Kế hoạch mua tạm trữ 200 ngàn tấn cà phê do Hiệp Hội Cà Phê Cao Cao Việt Nam VICOFA và Tổng Công Ty Cà Phê Việt Nam đề xuất đã được Thủ Tướng chấp thuận, chi tiết thực hiện việc tạm trữ tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
Hôm 9/3, Ông Lương Văn Tự, Chủ Tịch VICOFA cho hãng tin Reuters cho biết như vậy. Ông Tự thêm rằng một vài công ty đã khởi sự thu mua, các công ty này được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi thấp hơn bình thường từ 60 tới 70%.
Ấn định giá thành như thế nào thì phải có một cơ quan trung gian đánh giá, chứ còn chúng ta không tự nói giá thành được.
Ô. Đỗ Hà Nam
Theo lời ông Lương Văn Tự, doanh nghiệp tham gia chương trình mua tạm trữ nằm trong số những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Tuy vậy vị chủ tịch VICOFA không tiết lộ tên doanh nghiệp hoặc giá sàn mua tạm trữ là bao nhiêu.
Ấn định giá thành
Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Câu Lạc Bộ Top 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu nói với chúng tôi là, các doanh nghiệp Nhà nước được ủy nhiệm thực hiện kế hoạch mua tạm trữ cà phê với cơ chế tương tự như ngành gạo. Tuy vậy việc ấn định giá thành sản xuất của nông dân trồng cà phê vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt:
“Điều quan trọng nhất là phải cao hơn giá thành sản phẩm thì mới mang lại lợi ích cho người dân, còn nếu ấn định một cái giá thấp hơn giá thành sản phẩm thì rất bất lợi cho người dân. Vấn đề ở đây ấn định giá thành như thế nào thì phải có một cơ quan trung gian đánh giá, chứ còn chúng ta không tự nói giá thành được.
Chi phí giá thành mỗi người dân và doanh nghiệp nói một cách khác nhau, mỗi vùng cũng khác nhau, cho nên phải đánh giá chung mặt bằng giá thành toàn quốc, từ đó mới đưa ra được giá thu mua có lợi cho người dân, tương tự như bên lương thực ấn định giá sàn.”
Tình cảnh người trồng cà phê ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, khi giá cà phê robusta của Việt Nam xuống thấp hơn giá thành sản xuất. Giá thu mua ngày 9/3 ở Đak Lak từ 22.500đ tới 22.700đ/kg. Ông Nguyễn Công Thịnh, một nhà tư vấn cho nông dân trồng Cà Phê ở Tây Nguyên phát biểu với chúng tôi:
“Dù giá có rẻ mình cũng phải bán để trang trải, nợ ngân hàng, mùa tưới, công cán lao động, chi phí công hái. Tết Tây bán một ít, Tết Nguyên Đán bán một ít và bây giờ vào vụ tưới cũng phải bán…
Thường thường người ta ký gởi ở đại lý, trên tinh thần cà phê là của nông dân nhưng mọi thứ tiền người ta đã lấy của đại lý. Người đại lý giữ cà phê đó, chủ sở hữu vẫn là nông dân, nhưng mọi thứ tiền ông đại lý bỏ ra cho nông dân mượn thì ngầm hiểu rằng đó là cà phê của đại lý. Nếu ông nông dân không bằng cách này hay cách khác để lấy tiền ra thì không có gì để trang trải.”
Cho đến tuần lễ đầu tháng 3, báo chí Việt Nam trích các nguồn tin chính thức cho rằng sản lượng cà phê niên vụ 2009-2010 khoảng gần 1 triệu tấn, trừ đi lượng đã xuất 2 tháng đầu năm 280 ngàn tấn, lượng cà phê nông dân trữ lại chờ giá lên tới mức 600 ngàn tấn.
Người đại lý giữ cà phê đó, chủ sở hữu vẫn là nông dân, nhưng mọi thứ tiền ông đại lý bỏ ra cho nông dân mượn thì ngầm hiểu rằng đó là cà phê của đại lý. <br/>
Ô. Nguyễn Công Thịnh<br/>
Tuy nhiên ông Đỗ Hà Nam, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cho rằng, các thông tin đó thiếu chính xác vì niên vụ cà phê 2009-2010 khởi sự từ tháng 10 năm ngoái tổng lượng đã xuất khẩu cao hơn nhiều, lượng tồn trữ trong dân cũng ít hơn. Ông nói:
“Chúng ta đã xuất hơn 500 ngàn tấn rồi, cộng với số lượng ở các kho ngoại quan nữa, tôi ước trong dân còn khoảng 300 ngàn tấn…Và số 300 ngàn tấn này chính phủ cho mua 200 ngàn tấn thì cơ bản năm nay Việt Nam hết xuất rồi.”
Theo ông Đỗ Hà Nam, nếu kế hoạch mua tạm trữ 200 ngàn tấn cà phê được thực hiện đúng như dự kiến, thì có thể nói tồn đọng trên thị trường cà phê Việt Nam đã được giải tỏa.