Phản ứng của dư luận về vụ các lãnh đạo báo Tuổi Trẻ bị mất chức

Giới cầm bút tại Việt Nam nghĩ gì trước sự kiện Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ bị rút thẻ nhà báo vĩnh viễn và trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội bị cách chức, do lên tiếng bênh vực các ký giả bị bắt vì viết bài phanh phui vụ tham nhũng PMU18.

0:00 / 0:00

Theo nguồn tin đáng tin cậy từ Việt Nam, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Thanh vừa bị rút thẻ nhà báo vĩnh viễn, mà nhiều người cho là bị cách chức. Cùng lúc đó, Trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội là ký giả Đà Trang cũng bị cách chức.

Diễn biến này có thể gây phản ứng trong dư luận ra sao, nhất là giới cầm bút? Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ từ Sài Gòn nhận xét:

Dư âm từ vụ bắt giam 2 nhà báo

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: Theo tôi nghĩ, nếu mà có thực chuyện này thì chắc chắn là chuyện ấy đã được đoán trước, đã được biết trước lâu rồi, trong giới báo chí đã được biết trước lâu rồi, nhứt là những giới chóp bu, tức là các tổng biên tập đó mà, thì chắc họ đã biết rồi.

Mà cái chuyện này đã được sắp sẵn sau vụ anh Chiến, anh Hải bị bắt đó mà. Tôi nghĩ là đều sắp sẵn hết rôi. Mà như cái việc này hầu như là đã được "Tổ Chức" nó sắp sẵn, kỷ luật làm sao, ai sẽ bị như thế này, như những con vật tế thần đó mà. Thì để cho nó yên đi.

Cái chuyện này đã được sắp sẵn sau vụ anh Chiến, anh Hải bị bắt đó mà. Tôi nghĩ là đều sắp sẵn hết rôi. Mà như cái việc này hầu như là đã được "Tổ Chức" nó sắp sẵn, kỷ luật làm sao, ai sẽ bị như thế này, như những con vật tế thần đó mà.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ

Một cuộc trao đổi ngoạn mục giữa giới quyền chức với nhau, họ ăn có với nhau trong đời sống chính trường đó mà. Tôi nghĩ bây giờ giống như kiểu anh Đà Trang bị cách chức, anh Bùi Thanh gì đó bị rút thẻ, thì tôi nghĩ đó cũng chỉ là chuyện bình thường.

Thanh Quang: Mặc dầu như vậy, nhưng mà theo nhận xét của anh, cái phản ứng của dư luận có thể như thế nào, thưa anh?

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ : Dư luận bây giờ thì đã nguội rồi. Trường hợp này đây là trường hợp của "Tổ Chức" thôi. Trường hợp anh Bùi Thanh bị rút thẻ nhà báo hay cách chức gì đó, hay anh Đà Trang bị cách chức Truởng Phòng Đại Diện tại Hà Nội chẳng hạn, thì tôi nghĩ đó là hệ quả của những cuộc bắt bớ của anh Chiến và anh Hải. Và người ta cần phải xử lý những người đã trực tiếp phục trách những người ở đó.

NguyenVietTien_Congtay_ThanhNien_200.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị công an còng tay hôm 4-4-2006 vì liên quan đến vụ tham nhũng, đánh bạc PUM18. Photo courtesy Thanh Nien online. (Photo courtesy Thanh Nien online.)

Và cái chuyện này thì ở báo Thanh Niên người ta đã làm rồi, bây giờ tới báo Tuổi Trẻ. Vấn đề ở chỗ là người ta làm để hợp pháp hoá những việc người ta làm mà người ta cho là đúng mà theo "Tổ Chức" thì ai phải chịu trách nhiệm, thì cái đợt này tất cả những tổng biên tập đều né đạn được hết cả. Mà đây tôi nghĩ là những con chốt thí để quan sông mà thôi chớ không có gì ghê gớm cả.

Những trưởng phòng sẽ bị, ai cầm can sẽ bị, ai là phó tổng biên tập phải bị, ví dụ thế. Những người trực tiếp làm nên vụ việc đó, để xảy ra vụ việc đó thì phải chịu trách nhiệm chuyện này. Tôi nghĩ đợt này thì các tổng biên tập có lẽ bị kỷ luật hết cả, hay họ có chỗ dựa khác chắc hơn, thì cần phải thí những con chốt hay những con xe gì đó.

Tự do báo chí ở Việt Nam?

Thanh Quang: Nhưng mà về mặt tự do báo chí, như anh vừa nói hối nãy, thì cách đây không lâu hai ký giả của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt giam vì liên hệ tới vụ PMU18, thì bây giờ lại hai ký giả vừa nói của báo Tuổi Trẻ bị mất chức thì điều này có cho thấy là tự do báo chí trong nước vốn đã gặp khó khăn rồi bây giờ bị hạn chế hơn nữa như thế nào không thưa anh?

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: (Cười) Từ hồi nào tới giờ báo chí trong nước có tự do bao giờ đâu mà khó khăn? (Cười) Báo chí Việt Nam có bao giờ tự do đâu mà khó khăn với lại không khó khăn, anh Quang! Báo chí Việt Nam chưa bao giờ có tự do hết, chưa bao giờ có tự do cả, cho nên không thể đặt vấn đề tự do báo chí ở đất nước này được.

Báo chí là báo chí của đảng, báo chí của nhà nước, mà báo chí của đảng và nhà nước thì họ phải làm theo ý của đảng và nhà nước thôi. Không thể nói chuyện tự do ở đây được.

Ở đất nước này không thể có cái gọi là tự do báo chí được. Có tự do chăng là tự do trong cái lồng của nó, tự do trong cái khuôn khổ của đảng và nhà nước cho phép. Còn nếu không thì không được đâu, không có đâu.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ

Cho nên nhiều người ảo tưởng rằng là có tự do hay không có tự do trong báo chí, trong văn chương, văn học nghệ thuật, nhứt là báo chí, thì tôi e rằng ngay cả các ký giả, các nhà báo của Việt Nam đang ảo tưởng chính mình. Những con chim đang ảo tưởng ngay chính cái lồng của mình!

Và họ cứ nghĩ họ tự do nhưng thực tế họ đang ở trong cái lồng và được một ông chủ nuôi. Khi ông chủ cho bay cho hót thì họ bay hót, nhưng khi ông chủ không thích nữa thì ông chủ có thể vặt lông bẻ cổ đó chứ.

NguyenVietTien_250.jpg
Việc cựu Thử trưởng Nguyễn Việt Tiến được tuyên bố trắng án hôm 28-3-2008 được coi là một khúc quanh quan trọng của vụ PMU18. Photo courtesy of Laodong online. (Photo courtesy of Laodong online.)

Rất đơn giản! Ở đất nước này không thể có cái gọi là tự do báo chí được. Có tự do chăng là tự do trong cái lồng của nó, tự do trong cái khuôn khổ của đảng và nhà nước cho phép. Còn nếu không thì không được đâu, không có đâu. Đó không phải là một nền báo chí nhân bản như Phương Tây đâu. Không có.

Thanh Quang: Trong khi có tin là các nhà lập pháp Việt Nam đang thu thập ý kiến cho dự luật tự do báo chí thì những vụ giam giữ hay cách chức nhà báo như vừa nói lại xảy ra, anh nhận xét như thế nào về vấn đề này ạ?

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ : Những vấn đề lập pháp đặt ra hành lang pháp lý cho tự do báo chí tương lai thì chắc chắn con người ta luôn luôn cần phải có, người ta cần phải làm việc, những nhà làm luật cần phải làm việc. Nhưng mà hiện thời cái đó (tự do báo chí) còn xa vời lắm, đối với đất nước này thì xa vời lắm.

Cái này giống như đang chập chửng, mò mẩm trên con đường lập pháp, hành pháp, tư pháp đối với đất nước này rất là mò mẩm và đang trên con đường phải đi đến đó. Con đường rất là xa vời, cái đó chắc đời con đời cháu mình hưởng anh ạ. Tôi nghĩ đời mình không hưởng nổi đâu (cười). Rất là khó.

Cái đó người ta đang hy vọng, đang kỳ vọng vào một cái lề luật mới, một cái luật mới, hay là đối với tự do báo chí cần có luật hoá thì mới có tự do được. Nhưng mà hiện thời, giống như hồi nãy tôi nói, có tự do hay không thì chắc chắn chưa có bởi chưa có luật gì hết cả. Không có một cái luật gì hết cả để bảo đảm rằng người cầm bút họ có thể hành nghề được, thì chắc chắn là chưa có luật, mà chưa có luật thì đương nhiên phải nắm trong tay một số người nào đó, hay nằm trong một ý thức nào đó thôi.

Chắc chắn hiện tại không có tự do và luật nó chỉ biểu hiện trong tương lai sẽ có thôi, sẽ có tự do báo chí, chứ hiện thời chưa có. Đương nhiên xa lắm! Chúng ta đi giật lùi cách đây 30 năm trước thì rất là khó. Giật lùi lại trước 1975 rất là khó. Tự do trước 75, tự do báo chí nên có ký giả đi ăn mày, ký giả xuống đường hay ký giả thế này thế khác, thì rất là mơ hồ. Không có chuyện đó được.

Thanh Quang: Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ rất nhiều.